Chủ nhật, 05/05/2024 19:36
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 26/01/2022 06:00

Năm nay đón Tết online

Chỉ cần có chiếc smartphone trong tay là bạn đã có thể kết nối với cả thế giới. Từ mua sắm, giải trí, chuyển tiền đến nhắn tin, trò chuyện miễn phí với người thân, bạn bè.

Cứu cánh thời dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Dũng (60 tuổi, Hải Dương) vốn là người rất ngại cập nhật công nghệ mới. Vì vậy, chiếc điện thoại “cục gạch” là vật dụng thân thiết của ông suốt gần 20 năm. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 ập đến, bạn bè ít gặp gỡ, con cái ở xa không thể về thăm nhà, ông quyết định sắm chiếc điện thoại thông minh của hãng Apple.

Ban đầu khá lúng túng khi sử dụng nhưng nhờ sự giúp đỡ của đứa cháu họ, giờ đây, ông Dũng đã có thể truy cập thành thạo các phần mềm Zalo, Facebook, cuộc gọi Facetime… Ông Dũng bảo trong thời buổi dịch bệnh, nếu không có chiếc điện thoại này chắc ông “buồn muốn chết”. Đặc biệt là vào dịp Tết, nhu cầu trò chuyện, thăm hỏi càng tăng cao.

don tet online 1

Chỉ cần một chiếc smartphone, bạn đã có thể lan tỏa không khí Tết đến cả thế giới.

Ông kể, ông có hai cậu con trai thì đều lập nghiệp ở xa, một người trên Hà Nội, một người trong Sài Gòn. Do kinh tế đã ổn định nên những năm trước, việc đưa vợ con về quê thăm bố mẹ không phải là vấn đề to tát. Tuy nhiên 2 năm nay, Covid-19 khiến cho việc đi lại khó khăn, thậm chí Tết năm ngoái, gia đình con trai thứ của ông còn không thể về.

Ông bà nhớ con, nhớ cháu, nhiều hôm ngồi ăn cơm mà chẳng ai buồn nói với ai câu nào. Từ ngày có chiếc điện thoại, ông bà vui vẻ hơn hẳn. Vì hầu như tối nào cũng có đứa gọi về. Nhìn các cháu líu lo, chạy nhảy, vui đùa trên màn hình, đôi vợ chồng già cũng vơi bớt nỗi nhớ mong.

Ngoài việc con cháu, ông Dũng còn rất tích cực trò chuyện với bạn bè. Trước kia, cứ Tết đến Xuân về là hội đồng ngũ của ông lại tụ tập ăn tất niên, rồi cùng nhau đi tham quan ở đâu đó. Nhưng Tết năm ngoái, tất cả mọi hoạt động này đều phải “đóng băng”. May mắn là có chiếc smartphone, ông Dũng vẫn có thể chúc Tết, xả láng “buôn chuyện” với những người bạn thân thiết của mình.

“Từ ngày chơi Facebook, tôi còn tìm lại được vài người bạn cũ mất liên lạc cả mấy chục năm nay. Tối nào buồn buồn, hai vợ chồng lại hát karaoke phát trực tiếp lên Face, anh em, con cháu vào bình luận vui đáo để”, ông Dũng vui vẻ tiết lộ.

Chị Nguyễn Thúy Hằng (28 tuổi, quê Yên Bái) không thể nào quên cái Tết năm ngoái. Bởi khi mọi người sum họp bên nhau thì chỉ vẫn phải ở trong khu cách ly. Đúng ngày 27 Tết, chị trở thành F1 khi tiếp xúc gần với một ca F0.

Chị kể: “Tại khu cách ly, mọi người đều không tránh khỏi cảm giác cô đơn, hụt hẫng khi không được ở bên người thân trong thời khắc đón năm mới. Nhưng may mắn là hầu như ai cũng có smartphone để gọi về nhà. Vào đêm giao thừa, bố gọi cho tôi qua Zalo để cùng tham dự tiệc tất niên với cả nhà. Anh em, bạn bè liên tục gọi thăm hỏi, chúc Tết nên tôi cũng cảm thấy ấm áp phần nào.

Đặc biệt, để cảm nhận không khí Tết thì chỉ cần lướt Facebook. Nào hoa đào, hoa mai, bánh chưng, lì xì, đi chùa đầu năm… Tôi nghĩ không gì bằng người thật việc thật, nhưng trong thời buổi dịch bệnh thế này thì đón Tết online vẫn là an toàn và hợp lý nhất”.

Hỗ trợ mọi hoạt động ngày Tết

Ngoài việc thăm hỏi, trò chuyện, công nghệ số còn hỗ trợ chúng ta mọi mặt các hoạt động của ngày Tết cổ truyền dân tộc. Như việc biếu quà cha mẹ vào dịp Tết. Đây là truyền thống hiếu nghĩa tốt đẹp của người Việt bao đời nay.

Trước đây, nếu con cháu ở xa thì coi như “chịu chết”, cùng lắm là ra ngân hàng gửi tiền về nhà. Nhưng ngày nay, để gửi một món quà mang tâm ý của con cháu về cho bố mẹ đã trở nên quá đơn giản.

Chị Phạm Trúc Anh (quê ở Quảng Bình, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) cho biết: “Năm ngoái, vì dịch bệnh phức tạp nên tôi không thể về quê. Tôi vào trang thương mại điện tử, chọn một món quà sức khỏe chuyển thẳng về biếu bố mẹ. Chỉ 2-3 ngày là ông bà đã nhận được”.

Anh Trần Việt Hoàng (hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cũng rất hài lòng với hình thức đón Tết online. Chẳng là quê anh ở Đà Nẵng, Tết năm ngoái cũng không thể về quê do dịch Covid-19. Tối 30, anh thực hiện một cuộc gọi video về cho bố mẹ để họ biết tình hình đón Tết của gia đình mình ở Hà Nội, đồng thời hỏi thăm ở nhà chuẩn bị đón giao thừa thế nào. Đến giao thừa, anh thực hiện cuộc gọi lần nữa để cả nhà cùng sum họp online. Sau đó anh tiến hành nhắn tin chúc Tết đối với những người thân cũng như bạn bè của mình qua chiếc smartphone, lên mạng xã hội viết lời chúc Tết lên tường gửi đến tất cả mọi người.

don tet online 2

Bạn có thể gửi biếu bố mẹ món quà Tết ý nghĩa qua công cụ mua hàng trực tuyến.

Sáng mùng 1, do là trưởng họ nên tất cả họ hàng thường tập trung ở gia đình anh ở quê để sum họp đầu năm. Là cháu đích tôn, anh không thể không xuất hiện, thế là một cuộc gọi video nữa được tiến hành, ở đó anh có thể gặp tất cả mọi người và gửi lời chúc Tết. Sau đó, anh tiến hành gửi lì xì online thông qua các ví điện tử có tích hợp tính năng này đến các cháu, đồng thời nhận lì xì online từ mọi người cho các con về ví điện tử của mình. Anh cũng không quên dạo các group quen thuộc trên mạng xã hội để tiến hành hỏi thăm tình hình ăn Tết của các chiến hữu và tạo phòng họp mặt trên đó để làm vài ly online với họ.

Anh Hoàng tâm sự, đón Tết online là xu hướng tất yếu trong thời buổi công nghệ số hiện nay. Đặc biệt trong dịch bệnh, nó càng phát huy thế mạnh kết nối mọi lúc, mọi nơi.

“Tôi nghĩ năm nay, khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để thì mọi người vẫn nên đón Tết online. Nhìn ở mặt tích cực sẽ thấy, Tết online còn giúp hạn chế các vấn nạn ngày lễ như say xỉn, tai nạn…”, anh Hoàng bày tỏ quan điểm.

Lì xì trực tuyến lên ngôi

Mừng tuổi là phong tục tốt đẹp của người dân nước ta vào dịp Tết cổ truyền. Người ta thường đặt tiền vào chiếc phong bao nhỏ màu đỏ để mừng tuổi, với ý nghĩa cầu mong điều may mắn, tốt lành, xua đuổi ma quỷ; trẻ em thì hay ăn chóng lớn, học giỏi; người già thì mừng thọ, chúc sức khỏe dồi dào. Tuy nhiên, lì xì thường dùng mệnh giá nhỏ và cần đẹp, mới nên vấn đề đổi tiền lẻ lại khiến nhiều người không khỏi đau đầu. Nắm bắt được tâm lý này, các ứng dụng di động, ví điện tử đã đua nhau cho ra công cụ lì xì trực tuyến, chuyển tiền dễ dàng đến người nhận.

Sử dụng lì xì online mang lại rất nhiều ích lợi. Bởi mỗi năm, với số lượng lớn bao lì xì được in cung ứng cho dịp Tết phải tiêu tốn một lượng giấy không hề nhỏ. Trong giao diện trên ứng dụng ví điện tử, lì xì cũng được thiết kế hình ảnh dạng bao lì xì, thậm chí còn có thêm hình động, video hấp dẫn, trực quan, đem lại cảm giác gần gũi, mới mẻ cho người dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Đặc biệt, giữa bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc sử dụng lì xì online được khuyến khích để hạn chế tiếp xúc.

-> Tết cổ truyền của người Việt và những giá trị văn hóa truyền thống

Thanh Thủy  
Thiết kế cửa sổ đại kỵ tránh 10 điều làm tiêu tán tài lộc
Tuổi già keo kiệt chi 5 thứ này phúc khí dễ bay mất
Quanh nhà xuất hiện 3 điều báo hiệu may mắn sắp đến
Vì sao ngày càng nhiều bà nội không muốn chăm cháu?
Hối hận sau 5 năm bán nhà ở quê chuyển về sống gần con trai
Vì sao nói 'phần mộ sụp con cháu ít, trên mộ không có cỏ tài sản cạn kiệt'?
3 tài sản cha mẹ dễ gây bất hòa con cái
Làm gì để sống một mình không cô độc?
Chăm cháu khi về già có 4 điều cấm kỵ không nên nói
Cùng làm một việc, ở một nơi nhưng kẻ giàu, người nghèo
Không có gỗ không đỡ được nhà, không xóm giềng không thể sống tốt
Lời 'dặn dò' con gái trong đám cưới gây sốt MXH, chuyên gia khuyên 'không nên': Vì sao?
Tuổi 70 vợ chồng thỏa thuận 4 điều để an tâm dưỡng già
Con cái trưởng thành thường trốn tránh cha mẹ
34 năm gia đình hạnh phúc nhờ sẻ chia việc nhà
Nữ sinh lớp 8 tự làm hại bản thân do nguyên nhân thường thấy trong các gia đình
3 kiểu gia đình không thay đổi sớm muộn cũng bị đào thải
Phụ nữ hiện đại phải cân bằng gia đình và công việc
Lạnh lùng với người nhà, thân thiện với người ngoài có phải bất hiếu?
Lời chúc 8/3 ý nghĩa dành cho sếp nữ, đồng nghiệp và bạn bè
Xem thêm