Thứ hai, 06/05/2024 11:49
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 19/01/2020 10:37

Hây hây gió Xuân về!

Chiều cuối đông, Hà Nội xao xác gió mùa. Mây xám bàng bạc chầm chậm trôi qua cửa sổ. Những ngày nắng ấm, tầm này ở cánh đồng phía bên phải nhà tôi cò từng đàn dập dìu tìm về với tổ rơm tổ cỏ.

Nhưng chiều nay đồng chiều cuống rạ vắng bóng cò. Bất giác thấy lòng buồn miêng mang, không biết những cánh cò níu nương vào đâu trong giá rét thế này. Màu mây ấy, cái khung cửa bảng lảng ấy, cái cánh đồng và đàn cò đơn côi ấy như thầm nhắc, tết sắp đến rồi.

Kí ức về những ngày giáp tết thuở ấu thơ lại nao nức trở về trong tôi như những thước phim quay chậm. Ở quê ngày xưa ấy cứ 23 tháng chạp tiễn ông Công ông Táo là không khí tết đậm đặc lắm. Bố sẽ bắt đầu làm mới lại căn nhà bằng những mảng màu vôi trắng. Bàn tay bố nhẹ nhàng đưa từng vệt chổi quyện nước vôi đặc quánh quét lên tường nhà như người hoạ sĩ tài ba đang phối màu cho bức tranh xuân. Dõi mắt hướng theo từng nhát chổi bố đưa đi đưa lại, tôi thấy lòng mình ấm áp những bình yên, xôn xao những niềm vui và nỗi mong chờ tết đến. Bố sẽ luôn để dành một ít vôi quét cho các cây trong vườn. Ông muốn cây cối cũng được ăn tết như người. Bài học về “vạn vật hữu linh” bố truyền dạy cho tôi luôn từ những điều giản dị đơn sơ như thế.

image2

Rồi kể từ hôm đó, trong tôi là nỗi thấp thỏm mong đến ngày gói bánh chưng. Khi ấy, dù còn nhỏ tuổi, tôi cũng lờ mờ nhận ra những khốn khó của mẹ cha khi phải chạy ngược chạy xuôi cho đủ tiền đụng lợn, mua ít gạo nếp, đỗ xanh. Nhưng cái chộn rộn của ngày tết kéo tôi đi. Tôi sung sướng đến phát điên khi nhìn ánh lửa và mùi thơm quấn quyện bốc ra từ nồi nước luộc bánh chưng sôi sùng sục.

Mấy chị em tôi quấn cái chăn mỏng co ro ngồi bên nồi bánh, cảm thấy mình đặc biệt quan trọng vì nhiệm vụ trông nồi bánh - nồi “tết” của cả gia đình. Và đến nửa đêm, trong giấc ngủ chập chờn vùi má vào rơm, vẫn cảm nhận rõ niềm vui khi thấy bố vớt chiếc “bánh rùa” đầu tiên nghi ngút khói. Cái bánh đẫm nước, mùi lá dong thơm ngầy ngậy và khuôn mặt bố hiền hòa sau làn khói. Tất cả sao quá đỗi thần tiên.

image1

Và sáng mùng một tết, khi mở cửa bước ra ngoài vườn, tôi thường ngửa cổ hít no nê mùi thơm nồng của pháo tép và mơn man đón làn mưa xuân mỏng như sương rắc. Mùi đất lan mềm mơ hồ lẩn quất trộn lẫn với mùi chồi nụ đang cựa mầm. Thanh khiết, nhẹ nhõm và bình an quá đỗi…

Khi đã là người đàn ông của gia đình, cũng như bố, tôi luôn có ý thức “phục dựng” lại không khí tết xưa bằng nồi bánh chưng, bằng những chiếc giò tự gói tự luộc, bằng bát chè lam tự nấu. Dù chỉ cần vài cuộc điện thoại hay nhoáng nhoàng qua chợ là có thể sắm đủ cho một cái tết nhưng tôi vẫn muốn tự tay mình làm lấy. Nhìn bố bướt bải với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, với lá dong xanh, với ngoào đường, với nôn nao củi lửa.. là con trai thấy tết về trong nồng nã hương xuân.

Empty

Cuộc sống càng đầy đủ thì dường như vị tết càng nhạt phai đi. Tết đã thế, ngày thường, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình hiện đại càng lỏng dần, càng xộc xệch. Con cái chạy đua trong các lớp học thêm, về đến nhà thì bơ phờ. Chúng lộc ngộc đi lại như trong nhà như khách lạ. “Thế hệ thú cưng” với chiếc điện thoại thông minh thường trực trên tay và các cuộc giao tiếp với bố mẹ thường chỉ dừng lại ở việc hỏi giờ học, điểm số.

Bố mẹ cũng nhoáng nhoàng với các phi vụ làm ăn, những cuộc nhậu với bạn bè ngoài giờ làm việc, với spa, làm đẹp... Nên họ tự tin rằng việc kiếm tiền của mình có thể cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho một gia đình. Và không ít ông bố bà mẹ sau khi quay cuồng với công việc và những sở thích cá nhân lại ngơ ngác tự hỏi: Mình đã hết mình lo kiếm tiền đến thế, vất vả nhường ấy, lo cho con đầy đủ thế sao chúng vẫn kêu than, sao chúng chẳng chịu học hành mà tối ngày chỉ lo chơi game hoặc tụ bạ bạn bè…

image4

Thời thế gì mà rõ sốt ruột. Nhà hàng xóm lại vừa đổi chiếc xe ô tô đời mới. Cái bà đầu ngõ có ba đứa con đều du học nước ngoài. Ngay cả cái ông bụng phệ cuối ngõ tối ngày lạch bạch thế mà cũng được vinh danh là doanh nhân thành đạt. Có hàng ngàn lý do để sốt ruột, nhấp nhổm.

Không còn lo mâm cơm có thịt hay không có thịt, nồi cơm độn khoai hay không độn khoai, các gia đình bước vào cơn khát giàu nhanh như thể thời gian chỉ dành cho những người biết chụp giật.

Và trong cơn khát ấy, người ta chới với tìm nhau khi đã lạc, đã tuột khỏi tay nhau. Con cái tranh giành nhau miếng đất có thể đánh nhau vỡ đầu mẻ trán. Mỗi ngày giỗ tết, người ta mượn chén rượu để cạnh khóe về việc nhà nào đóng quỹ xây từ đường dòng họ nhiều hay ít, nhà nào con cái thành tài có của ăn của để mà có khoản tiền đóng quỹ khuyến học cũng kiếm cớ bài bây…

image5

Trong những xô lệch dữ dằn của thời cuộc ấy, hai chữ “gia đình” càng thiêng liêng và có sức hấp dẫn gọi mời hơn bao giờ hết.

Trong những hỗn tạp của âm thanh, sắc màu hào nhoáng và phủ phê vật chất, những bình yên và thanh thản xưa cũ lại náo nức ùa về…

Nên tôi có thú vui trồng vài cây hoa trước thềm, rắc ít thóc cho chim về đậu. Và âm thầm cảm nhận mùi của tĩnh lặng, mùi của tinh dầu lá cây hăng hăng, mùi gỗ mục, mùi hoa giẻ nồng nàn, hoa ngọc lan thơm ngọt. Tôi tìm về với cha bằng mùi lá chè xanh vò kĩ ủ trong cái tích sứ dâng lên mẹ mỗi sáng, bằng mùi cơm sôi, mùi lá khô gom góp mỗi đợt gió đông rồi ún trước sân nhà…

Hạnh phúc hơn là cảm nhận và chia sẻ của con trai. Dù đã 6 cái tết xa quê nhưng những ngày cận tết, lòng con luôn chộn rộn và nao nức nhắn tin hỏi: Bố mẹ ơi, sắm tết được nhiều chưa?

Trong góc tâm hồn của con trai vẫn nở một cành đào hoa nhung thắm, nở ra tràng pháo tết hồng đì đùng đì đẹt, nở ra mùi thơm của nồi bánh chưng ngây ngất và nở ra một góc rất quê nhà.

Bởi vậy tôi luôn tin chính những điều giản dị quyến thuộc sẽ là sợi dây vô hình nhưng bền chặt gắn kết con với gia đình, nguồn cội. Để trên chặng đường đầy gian nan phía trước, những lúc cô đơn, những khi gục ngã, con luôn có một bảo bối để dành, đó là “mùi của yêu thương”. Để con luôn được chở che từ vòng tay ấm êm của mẹ của cha, quê hương, dòng tộc.

Mùi yêu thương đó cũng sẽ lưu giữ giùm con những hồi ức về ấu thơ tưởng đã một đi không trở lại.

Ngoài đồng, trong chập choạng hoàng hôn, hình như vẫn có một chú cò con bất chấp lạnh giá chấp chới tìm đường về tổ.

Cảm thức về thân cò đơn lẻ cô quạnh khiến tôi muốn rơi nước mắt.

Empty

Hình như là tôi của một thời trai trẻ bôn ba bạt tóc.

Hình như là cha tôi của những tháng năm lặm lội đồng sâu ruộng cả nuôi nấng đàn con lóc nhóc sắn khoai…

Và đó hình như còn là của con trai tôi những tháng năm rong ruổi đường xa kiếm tìm con chữ…

Tất cả nhập nhòa làm một.

Trong trẻo và dịu dàng biết bao.

Hình như trong giá rét đã hây hẩy gió xuân về!...

Đỗ Xuân Thảo  
Khơi lại sai lầm chồng ngoại tình khác nào 'đòn tra tấn'
Tình cờ chạm mặt chồng cũ, tôi đi từ bất ngờ này sang cú sốc khác
Lợi ích của màn dạo đầu khi bước vào 'cuộc yêu'
Chồng ngoại tình khi chúng tôi đang nỗ lực làm thụ tinh ống nghiệm
Phụ nữ bỗng nhiên có ham muốn tình dục lớn hơn bình thường cần đặc biệt chú ý
Tôi bỏ anh giám đốc giàu có để yêu chàng nhân viên nghèo
Đang hạnh phúc vì hôn nhân hoàn hảo, tôi giận sôi khi nghe con trai hỏi một câu
Tôi chẳng cần người vợ không coi trọng gia đình chồng
Chồng hào hứng mong tới ngày họp lớp, tôi sụp đổ khi biết rõ bí mật đáng sợ
Sau đám cưới vài ngày, bí mật 'chí mạng' của chồng khiến tôi bỏ nhà ra đi
Tôi 'xao lòng' với nữ đồng nghiệp, bỗng tỉnh ngộ khi nghe vợ kể chuyện
Được nghỉ dịp lễ 5 ngày, con dâu ấm ức vì mẹ chồng cố tình kiếm cớ không cho về bên ngoại
Tôi ngoại tình bỏ vợ, sau đó ân hận khi nghe mẹ đẻ tiết lộ điều này
Tôi đã sai khi để vợ phải ngoại tình?
Tại sao nam ham muốn 'yêu' buổi sáng, nữ lại muốn ban đêm?
Vợ xinh đẹp, giỏi giang chồng vẫn vào nhà nghỉ cùng nữ đồng nghiệp
Tôi vụn vỡ khi vô tình tìm thấy ảnh lạ trong máy tính của chồng
Những cuộc 'yêu' ngẫu hứng hóa ra lại không thú vị như chúng ta vẫn tưởng
Tức giận vì mẹ đem sữa tiền triệu của cháu cho mèo uống, tôi bật khóc ân hận khi biết lý do
Tôi vô sinh nhưng vợ lại thông báo có bầu 3 tháng sau khi cưới
Xem thêm