Chủ nhật, 28/04/2024 18:58
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 20/08/2018 11:17

Vĩnh Phúc: Ai đang “tiếp tay” cho doanh nghiệp phá rừng sản xuất làm trạm trộn bê tông trái phép?

Gần 3,5 ha đất rừng sản xuất của Nông trường Tam Đảo đã bị một số doanh nghiệp san ủi, cho xây dựng các trạm trộn bê tông trái phép nhưng chính quyền lại không hề xử lý.

Thời gian gần đây, Báo điện tử Gia đình Việt Nam nhận được phản ánh của người dân về việc gần 3,5 ha đất rừng sản xuất của Nông trường Tam Đảo (thuộc xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị doanh nghiệp “xẻ thịt” để làm trạm trộn bê tông và nhiều công trình khác gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân quanh khu vực.

Theo người dân ở đây cho biết, những trạm trộn bê tông này hoạt động ngày đêm, bất kể thời tiết. Những chiếc xe trọng tải lớn chở cát, sỏi và bê tông thành phẩm chạy rầm rập gây ra tiếng ồn và bụi bặm. Không chỉ vậy, do xe tải trọng lớn chạy liên tục nên hệ thống đường giao thông bị xuống cấp rất nhanh…

Empty

Trạm trộn bê tông được xây dựng trái phép tại khu vực đồi Hiệp Thuận thuộc Nông trường Tam Đảo, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Trước thông tin phản ánh trên, để có thông tin khách quan, phóng viên đã có buổi khảo sát tại khu vực đồi Hiệp Thuận thuộc Nông trường Tam Đảo và nhận thấy những gì người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở.

Tại khảo sát chúng tôi ghi nhận thấy, đây là một ngọn đồi rất lớn, trồng rất nhiều cây lâu năm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, ngọn đồi đã bị san phẳng để xây dựng các trạm trộn bê tông, làm nơi tập kết vật liệu, làm cây xăng, dựng lán và hàng loạt các công trình khác.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay hai trạm trộn bê tông đang hoạt động tại khu vực này thuộc sở hữu của HTX Vật liệu xây dựng Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành. Khu vực mà hai trạm trộn bê tông này hoạt động có diện tích rộng hàng nghìn mét vuông. Ngoài ra, bên cạnh đó còn có cả khu xưởng sản xuất gạch, khu tập kết, mua bán vật liệu xây dựng ...

Trao đổi với phóng viên, một người dân sống gần khu vực này bức xúc nói: “Hai trạm trộn bê tông này hoạt động suốt ngày đêm, tiếng máy móc, xe cộ đi vào đây ầm ầm khiến chúng tôi không tài nào ngủ nổi, vừa rồi thời tiết mưa nhiều ngày như vậy nhưng họ vẫn không nghỉ. Xe chở vật liệu thì rơi vãi ra đường dễ gây tai nạn cho người tham gia giao thông nhưng chẳng thấy chính quyền họ ý kiến gì”.

“Khu vực này đã được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất rồi đấy nhưng chúng tôi cũng chẳng hiểu sao hai doanh nghiệp này lại đến để cho xây dựng trạm trộn bê tông ở đây. Chắc việc này cũng phải được sự đồng ý của chính quyền thì họ mới dám làm, có điều chúng tôi chỉ mong họ đảm bảo môi trường và an toàn giao thông chứ cứ như này thì nguy hiểm lắm”, bác Trân Văn Nh. thông tin thêm.

Empty

Việc doanh nghiệp "xẻ thịt" đất trồng rừng sản xuất làm trạm trộn bê tông nhưng chính quyền địa phương không xử lý vì lý do thuộc cấp tỉnh quản lý.

Trước những thông tin mà người dân muốn làm rõ, ngày 02/08/2018, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Đào Trọng Tuấn, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại buổi làm việc, ông Tuấn xác nhận toàn bộ khu vực đang được xây dựng trạm trộn bê tông của hai doanh nghiệp trên là đất rừng sản xuất nhưng do không thuộc quản lý của UBND xã nên việc họ làm gì, xây gì ở đó là do chủ sở hữu.

“Toàn bộ khu vực đồi Hiệp Thuận được tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Nông trường Tam Đảo từ những năm 1960. Hiện trạng sử dụng đất ở đó là rừng sản xuất. Do UBND xã không quản lý khu đất này nên chúng tôi không biết trạm trộn bê tông xuất hiện từ bao giờ, việc xây dựng có được phép hay không? Bởi trách nhiệm xử lý thuộc thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi nhân dân có ý kiến, tôi đã báo cáo sự việc với UBND huyện Bình Xuyên”.

Đối với tình trạng các doanh nghiệp ngang nhiên phá rừng sản xuất để xây trạm trộn bê tông trái phép và hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ông Đào Trọng Tuấn cũng nói rằng không biết thông tin này.

“Trên địa bàn chúng tôi đang xây dựng mấy khu công nghiệp. Tôi cứ tưởng hoạt động của những trạm trộn bê tông này nhằm phục vụ xây dựng các khu công nghiệp đó. Hơn nữa, vị trí đặt trạm trộn thuộc đất của Nông trường Tam Đảo nên chúng tôi không biết, không kiểm tra, không theo dõi”.

Gần đây nhất, ngày 14/08/2018, phóng viên cũng đã làm việc với ông Nguyễn Ngọc Bộ, Trưởng phòng TNMT huyện Bình Xuyên. Tại buổi làm việc ông Bộ giải thích do đây là đất của Nông trường Tam Đảo nên do UBND tỉnh quản lý, vừa rồi tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu Sở TNMT thành lập đoàn thanh tra rồi, chúng tôi cũng chỉ biết chờ kết quả từ đoàn thanh tra thôi, khi nào có kết quả sẽ thông tin lại với cơ quan báo chí.

Empty

Một phần diện tích đất trồng rừng sản xuất tại khu vực Nông trường Tam Đảo vẫn đang bị san phẳng để tiếp tục sử dụng vào mục đích khác.

Ngoài ra, ông Bộ cũng cho biết trong thời gian chờ kết quả thanh tra của Sở TNMT Vĩnh Phúc, Phòng TNMT đã tham mưu cho UBND huyện Bình Xuyên yêu cầu hai doanh nghiệp này không được phép hoạt động, thi công để đảm bảo môi trường và an toàn cho người dân.

Như vậy, trước việc doanh nghiệp ngang nhiên “xẻ thịt” đất trồng rừng sản xuất để xây dựng trạm trộn bê tông nhưng chính quyền xã Thiện Kế, UBND huyện Bình Xuyên lại không xử lý, ngăn chặn để đến khi người dân có phản ánh mới vào cuộc, điều này khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ liệu và đặt câu hỏi liệu có gì khuất tất trước sự “thờ ơ” của lãnh đạo tại đây? Hay một bàn tay nào đó đang "che mắt" của những vị “phụ mẫu” nơi đây?

Đề nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo làm rõ việc này và sớm có câu trả lời cho người dân được biết, tránh để những hoài nghi làm ảnh hưởng đến uy tín trong công tác lãnh đạo của địa phương.

Báo điện tử Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐT: 0916 950 168. Email: [email protected]

Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm