Thứ bảy, 11/05/2024 06:37
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ năm, 14/06/2018 10:02

Hà Nội: Trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động, chính quyền có “bảo kê”?

Khói bụi, tiếng ồn, nước thải không có biện pháp xử lý và nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập là những gì mà người dân phải chịu đựng trong suốt thời gian qua.

Nguyên nhân là do trên địa bàn thôn Thắng Lợi, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội bỗng nhiên “mọc” lên hai trạm trộn bê tông hoạt động trái phép trước sự “thờ ơ” của chính quyền địa phương.

Qua tìm hiểu, được biết, trạm trộn bê tông là của hai công ty thuộc Tập đoàn CIENCO 04 đó là: Công ty cổ phần 422 và Công ty cổ phần 407 thuê đất nông nghiệp của ông Nguyễn Bá Quyền để xây dựng trạm, 2 trạm này được lắp đặt từ cuối năm 2017 trên diện tích hàng nghìn m2. Tại đây, PV chứng kiến hàng chục lượt xe bồn, xe tải và máy xúc đang hoạt động tấp nập.

Empty

Trạm bê tông của Công ty CP 407 hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường

Người dân địa phương cho biết, hai trạm trộn bê tông này hoạt động suốt ngày đêm gây ra tiếng ồn và thải ra một lượng lớn khói bụi. Trên những tuyến đường quanh khu vực đặt trạm, đặc biệt là đoạn ở trước cổng trạm trộn bê tông, xi măng, cát, sỏi, bê tông rơi vãi khiến cho bụi bay mù mịt, ngày mưa thì bùn đất lầy lội.

Từ ngày có trạm trộn bê tông mọc lên, đời sống của người dân xung quanh khu vực này bị đảo lộn bởi tiếng máy móc inh ỏi, tiếng xe cộ chạy rầm rập, tấp nập ra vào trạm trộn gần như 24/24 giờ. Đó là chưa kể đến việc ô nhiễm bởi bụi xi măng, cát, đá từ trạm trộn gây ra khiến các hộ gia đình sống ở gần đó phải cài then đóng cửa suốt ngày đêm.

Anh N.V.H – người dân thôn Thắng Lợi, xã Phú Minh cho biết: “Các công ty sản xuất bê tông thương phẩm này họ thuê lại đất của ông Nguyễn Bá Quyền chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, họ tự ý kí hợp đồng với nhau để sản xuất. Các đơn vị này hoạt động ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, mỗi khi các trạm bê tông này bơm xi măng vào xilo là bụi bay mù mịt. Ngoài ra mỗi khi xe chở bê tông đi lại làm cát, bùn xi măng bám vào lốp kéo ra đường gây bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi lưu thông qua khu vực này”.

Empty

2 trạm bê tông này không có bất cứ biện pháp bảo vệ môi trường nào

Không chỉ vậy, theo quan sát của PV, bên trong trạm trộn không hề có các bể lắng lọc nước thải, phế thải bê tông được đổ tràn lan ra khu vực xung quanh, thậm chí đổ sát ra cả đường, ra ruộng của người dân. Nước thải lẫn xi măng chảy tràn lan quanh khu vực trạm trộn và ra ngoài môi trường mà không được xử lý, gây ô nhiễm nặng nề cho khu vực này. Còn nữa, hai trạm bê tông này còn tự ý dựng hai khu lán dựng tạm cho gần trăm công nhân sống và sinh hoạt ngay sát hai trạm trộn của hai công ty trên, khiến người dân không khỏi bức xúc.

Đùn đẩy trách nhiệm

Để tìm hiểu rõ hơn về hai trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần 422 và Công ty cổ phần 407 đang hoạt động không phép suốt ngày đêm gây ô nhiễm môi trường tại thôn Thắng Lợi, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Phú Minh

. Qua trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dẹp – Chủ tịch xã Phú Minh cho biết: “Hai trạm trộn bê tông tại thôn Thắng Lợi được lắp đặt từ cuối năm 2017 do Tập đoàn CIENCO 04 thuê đất của ông Nguyễn Bá Quyền, hai trạm trộn này hiện chưa có bất cứ hồ sơ giấy tờ gì về môi trường cũng như giấy phép xây dựng cả”.

Ông Dẹp cho biết thêm, khu đất của hộ ông Quyền là đất nông nghiệp mục đích sử dụng không phải là xây dựng trạm trộn. Do đó, xã đã tiến hành lập biên bản vi phạm và yêu cầu dừng hoạt động, thế nhưng, đến nay hai trạm trộn không phép trên vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp quy định của pháp luật.

Empty

Ông Nguyễn Văn Dẹp – Chủ tịch xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn khẳng định: 2 trạm trộn bê tông đang hoạt động trên địa bàn là hoàn toàn trái phép

Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông Dẹp cung cấp các văn bản liên quan đến việc lắp đặt trạm không phép và biên bản xử lý vi phạm của hai trạm trộn trên thì ông Dẹp lại nói rằng, hiện xã không lưu giữ bất cứ hồ sơ, giấy tờ nào về vấn đề này.

Ông cho biết, do xã không đủ thẩm quyền xử lý nên đã báo cáo và gửi toàn bộ hồ sơ lên Đội thanh tra xây dựng huyện để tiến hành xử lý.

Sau nhiều lần liên lạc nhưng ông Quyền (là chủ khu đất) vẫn lấy lý do bận đi công tác nên ủy quyền cho một người họ hàng là ông Võ Sơn Hùng (thôn Động, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội) đến để trao đổi với PV.

Tại buổi làm việc với PV, chính ông Hùng đã thừa nhận hai trạm trộn bê tông được lắp đặt trên diện tích đất của ông Quyền là chưa được cơ quan chức năng cấp phép, hiện hai trạm trộn này hoạt động là trái với quy định của pháp luật.

Ông Hùng cho biết, tất cả thủ tục liên quan đến khu đất cho các đơn vị cho thuê để xây dựng hai trạm trộn trên hiện đang hoàn thiện. Ông cho biết thêm, sắp tới, khu đất này sẽ được quy hoạch chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Hùng lại không thể cung cấp cho PV bất kỳ một loại giấy tờ, văn bản liên quan đến khu đất của ông Quyền cũng như về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà ông đã nói. Sau một hồi vòng vo, ông Hùng lại trao đổi với PV rằng, việc cho các đơn vị thuê để dựng trạm trộn bê tông chỉ là tức thời, các trạm này chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn để phục vụ thi công dự án sân bay Nội Bài.

Vậy, chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu tức thời là bao lâu và tức thời đồng nghĩa với việc hai trạm trộn này hoạt động không cần đến giấy phép của cơ quan chức năng, cũng như không cần tuần thủ các quy định về môi trường?

Có nhiều câu hỏi liên quan đến sự tồn tại của hai trạm trộn bê tông không phép vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, do đó, rất cần các đơn vị liên quan vào cuộc và đưa ra câu trả lời xác đáng. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn đến đâu khi để cho 2 trạm trộn bê tông “tung hoành” hoạt động mà không cần bất cứ giấy phép nào để hoạt động.

Phải chăng UBND xã Phú Minh, UBND huyện Sóc Sơn đang “bao che”, “bảo kê” cho hai đơn vị này hoạt động bất chấp pháp luật

Theo MTCS  
Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm