Thứ sáu, 03/05/2024 17:54
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ ba, 19/05/2020 13:02

Phú Thọ: San gạt, hạ cốt nền hay "làm xiếc" với đất?

Nhiều quả đồi trồng tràm, bạch đàn được người dân huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ hợp đồng với doanh nghiệp khai thác vận chuyển vào các nhà máy sản xuất gạch, gốm. Hoạt động này được sự cho phép của UBND huyện Tam Nông dưới danh nghĩa "cải tạo, hạ cốt nền phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình" (!?).

Theo phản ánh của người dân khu 7 xã Thọ Văn, huyện Tam Nông từ đầu tháng 5 tới nay hộ gia đình ông Miên, bà Tuyến tiến hành múc, vận chuyển đất trong khu vực được giao đất trồng rừng sản xuất.

Việc khai thác này được 2 hộ gia đình hợp đồng với 1 công ty vận chuyển có trụ sở trên địa bàn huyện. Hoạt động vận chuyển của nhiều xe tải khiến giao thông trên QL32 hướng đi thị trấn Thanh Sơn gặp khó, xe di chuyển từ khu khai thác ra ngoài bị che khuất bởi cây cối gây nguy hiểm cho người và phương tiện.

phutho2

Xe tải vận chuyển đất di chuyển ra trục đường 32 bị khuất tầm nhìn, rất dễ xảy ra tai nạn. (ảnh cắt từ clip)

Ông T. một người dân khu 7 cho biết, trên trục đường QL32 hướng đi huyện Thanh Sơn có lượng giao thông lớn, phương tiện lưu thông qua đoạn đường gặp rất nhiều khó khăn.

"Xe từ khu vực khai thác đi ra trục đường 32 khuất tầm nhìn, nhiều người đi qua đây cứ phải dừng lại chờ xe tải chở đất đi ra. Nhiều người đi nhanh, nhất là những thanh niên đi nhanh qua đây rất nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn", ông T nói.

Nhiều người dân còn cho biết, xe tải vận chuyển với mật độ cao di chuyển qua khu dân cư để vào nhà máy gạch gây bụi, bẩn khiến cuộc sống người dân 2 bên đường bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp tuy có tưới nước nhưng dưới thời tiết nắng nóng thì việc này ví như "muối bỏ bể".

Ngày 8/5, và nhiều ngày trước đó có mặt tại khu vực này, PV chứng kiến có khoảng 20 chiếc xe tải nối đuôi nhau tần suất khoảng 15p'/1 chuyến vận chuyển liên tục từ khu vực khai thác vào 1 công ty chuyên sản xuất gạch, gốm cách đó chưa đầy 2km.

phutho1

Khu vực san gạt nằm khuất sau tán bạch đàn, rất khó quan sát. (ảnh cắt từ clip)

Ông Bùi Đức Chung - Chủ tịch UBND xã Thọ Văn cho biết, 2 hộ dân nêu trên được UBND huyện cho phép san gạt, hạ cốt nền trên phần đất trồng rừng sản xuất. Việc chấp thuận này dựa trên đơn đề nghị của 2 hộ gia đình và phương án chủ hộ đã lập, sau đó ủy ban xã có tờ trình gửi UBND huyện, trên cơ sở đó huyện sẽ cho phép người dân san gạt, hạ thấp độ cao dựa trong phương án đã trình.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 28/4/2020, UBND huyện Tam Nông có văn bản số 819/UBND -TNMT chấp thuận cho hộ gia đình Nguyễn Văn Miên và bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (địa chỉ khu 7, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông) được cải tạo, hạ cốt nền san gạt lấy mặt bằng trên diện tích đất rừng sản xuất (tổng hơn 13,7 nghìn m2) để "phát triển kinh tế hộ gia đình". Tổng diện tích cải tạo cả 2 hộ gần 7 nghìn m2, khối lượng đất dư thừa sau cải tạo được tính toán khoảng hơn 60 nghìn m3.

Cũng trong ngày 28/4/2020, UBND huyện chấp thuận cho 2 hộ dân tại khu 13, khu 15 xã Dân Quyền cải tạo gần 8 nghìn m2 đất, nằm trong tổng số 5 nghìn diện tích đất nuôi trồng thủy sản. Mục đích tạo điều kiện "phát triển kinh tế hộ gia đình". Tổng diện tích đất dư thừa khi cải tạo của 2 hộ được tính toán hơn 9,4 nghìn m3.

phutho3

Xe tải vận chuyển đất cua gấp chắn ngang đường tại khu vực san gạt khu 13, 15 xã Dân Quyền. Xe máy phải rất né sát lề đường, tránh xảy ra tai nạn. (ảnh cắt từ clip)

Như vậy trong ngày 28/4 ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện này ký 2 văn bản chấp thuận cho 4 hộ dân nêu trên được san gạt, hạ cốt nền tổng diện tích hơn 15 nghìn m2, khối lượng đất dư thừa gần 70 nghìn m3.

Theo tìm hiểu của PV, tại Quyết định 11/2012 của UBND tỉnh Phú Thọ quy định về khai thác đắp nền công trình xây dựng, trong đó có phạm vi áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân cần san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với: Đất sản xuất, đất vườn; đất ở đã được giao trên địa bàn tỉnh.

Tại Khoản 2, Điều 3. Nội dung quản lý, khai thác đất đắp nền công trình xây dựng có quy định: "Khai thác đất đắp nền công trình xây dựng; san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn, đất ở đã được giao phải được cấp thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; phải tuân theo quy định tại văn bản chấp thuận của cấp thẩm quyền và các quy định của pháp luật có liên quan.

Vậy việc san gạt, hạ cốt nền sau đó vận chuyển đất vào nhà máy sản xuất gạch, gốm có đúng theo quy định pháp luật liên quan, hay đang "làm xiếc" với đất!?

(Còn tiếp...)

Phú Nguyễn  
Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm