Thứ hai, 29/04/2024 21:30
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ năm, 21/04/2022 06:00

Lão nông nghèo 6 năm nhặt rác làm sạch phố cổ Hội An

Ông Nguyễn Thương được người dân TP. Hội An gọi với cái tên trìu mến là “Ông già rác” vì suốt 6 năm nay ông đã âm thầm làm công việc mà ai cũng cho là gàn dở.

Vượt lên nghịch cảnh 6 năm nhặt rác không lương

Nhiều năm nay người dân TP. Hội An không lạ gì hình ảnh ông Nguyễn Thương (SN 1960, trú khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP Hội An) với dáng vẻ gầy gò, làn da cháy nắng cùng nụ cười hiền hậu hàng ngày hì hục đẩy chiếc xe tự chế dọc tuyến đường ven biển để nhặt nhạnh từng mảnh rác nhỏ bên đường.

278208103_463854295424896_5084454903978639390_n

Suốt 6 năm nay, người dân tại TP. Hội An đã quá đổi quen thuộc hình ảnh người đàn ông dáng vẻ gầy gò, làn da cháy nắng cặm cụi nhặt rác ở phố cổ

Ông Thương tâm sự, khoảng 7 năm trước khi đang làm đầu bếp tại một khách sạn ở Hội An ông bị tai biến. Khi tỉnh lại thì tai của ông đã không còn nghe được, tay chân bị tê liệt. Hơn nửa năm trời lấy bệnh viện làm nhà, bác sĩ là người thân, nhưng bệnh tình không tiến triển, gia đình đành ngậm ngùi đưa ông về nhà để chăm sóc.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, ông Thương bỗng nhớ lại lời dặn của bác sĩ: “Nếu nằm một chỗ, chân tay sẽ bị liệt hoàn toàn”. Quyết không đầu hàng số phận, ông gắng gượng, miệt mài tập đứng, tập đi, tập cầm nắm những thứ nhỏ nhất như một đứa trẻ lên 3. Thế rồi, chỉ sau thời gian ngắn, ông đã đi lại bình thường, tay bắt đầu cầm nắm được trở lại.

Khi cơ thể dần khỏe mạnh, ông Thương trăn trở mãi về việc phải làm việc gì đó để trả ơn cuộc đời. Trong những lần đi tập thể dục, thấy những túi nylon, khẩu trang bị vứt bừa bãi dọc đường ông nảy ra ý tưởng vừa đi tập thể dục, vừa nhặt rác để bảo vệ môi trường.

Lúc mới bắt đầu công việc, ông không dám tâm sự cùng ai và cũng không muốn nhiều người biết về sự cống hiến âm thầm của mình. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, chuyện ông “trốn nhà” đi nhặt rác làm sạch Hội An cuối cùng cũng đến tai người thân. Lo lắng cho sức khỏe của ông nên vợ cùng 3 cô con gái hết lời can ngăn, nhưng ông nhất quyết không chịu. Sau thời gian thuyết phục đủ đường nhưng bất lực, gia đình cũng đành "bó tay" và chiều theo ý của ông.

278239436_357838769705821_7159602565968724556_n
278288065_655632178866822_8172143790244318910_n

6 giờ sáng hàng ngày ông Thương lại len lỏi khắp các tuyến đường ở Hội An để nhặt rác làm sạch thành phố

“Những ngày đầu mỗi lần thức dậy thấy người chồng ướt đẫm mồ hôi nhưng cứ tưởng ông đi tập thể dục chứ không nghĩ là đi nhặt rác. Sau này mới nghe nhiều người nói ông đi nhặt rác như người khùng. Lúc đó cô ngại lắm, hết lời khuyên can ông đừng đi nhặt rác nữa mà không được”, bà Lê Thị Bảy (SN 1967, vợ ông Thương) cho biết.

Cứ thế, suốt 6 năm nay, trừ những lúc ốm đau, dù ngày nắng hay mưa ông Thương lại rong ruổi khắp các cung đường, ngõ ngách để nhặt rác. Hễ ở đâu có rác ở đó lại có dấu chân ông. Thậm chí ông còn vào tận nhà có các cụ già hay trường học để giúp họ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa... mà không lấy một đồng thù lao nào.

Đặc biệt, với số tiền dành dụm từ việc nhặt ve chai, ông Thương đã “đầu tư” hẳn một chiếc xe đẩy và một chiếc xe đạp làm bạn đồng hành với ông trên mỗi chuyến đi nhặt rác không lương.

Sẽ nhặt rác đến khi nào đôi chân không còn đi được

Ngày đầu khi thấy ông cắm cúi nhặt rác nhiều người dân và du khách tò mò, ngạc nhiên. Có người còn cáu gắt khi bị ông nhắc nhở về việc xả rác; thậm chí họ còn chửi ông "khùng" và khuyên ông nên hưởng thụ tuổi già, đừng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Tuy nhiên, mặc kệ những lời gièm pha, chê cười, ông Thương không vì thế mà từ bỏ công việc. Ông cho rằng, người khác phản đối là do họ chưa hiểu những lợi ích từ việc mình đang làm.

278227156_525957285810966_7462878943062000625_n

Không chỉ nhặt rác, ông Thương còn tuyên truyền mọi người cùng bảo vệ môi trường

Trên chiếc xe đẩy rác của mình, ông Thương còn dán rất nhiều khẩu hiệu nhằm tuyên truyền và kêu gọi mọi người chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp.

"Nhiều người nói tôi được trả tiền nên mới đi nhặt rác. Có người còn chửi tôi khùng, rảnh hơi nên mới đi làm việc không công… Tôi kệ. Rất may, sau một thời gian vợ con đã hiểu và ủng hộ. Tôi làm vì lương tâm mình và việc có ích cho xã hội chứ có phải làm gì bậy bạ đâu mà sợ", ông Thương tâm sự.

Được biết, những ngày đầu ông Thương bị bệnh, gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai của vợ. Thu nhập ba cọc ba đồng từ việc rửa chén thuê cho nhà hàng của bà Bảy chẳng đủ tiền thuốc thang cho chồng, chưa kể các khoản chi tiêu khác.

Hiện dư chấn của căn bệnh tai biến vẫn còn khiến một tai của ông bị điếc, tai còn lại chỉ có thể nghe được khi mang máy trợ thính. Nhưng chiếc máy này cũng đã cũ mèm và xuống cấp như chính sức khoẻ của ông vậy. Để duy trì sức khỏe, mỗi tháng gia đình phải chi hơn một triệu đồng tiền thuốc men. Tất cả các khoản chi tiêu đó đều do vợ ông một mình gồng gánh, lo toan.

Thế nhưng, khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ UBND phường cho việc nhặt rác, ông Thương lại nhất quyết từ chối bởi với ông, đây là việc nghĩa mà ông đã hứa với lòng mình sẽ làm cho đến hết cuộc đời, chứ không nhận hỗ trợ của bất cứ ai.

278070785_691749958709091_4048060228126466735_n

Ông Thương cho biết, ông sẽ thực hiện công việc nhặt rác của mình cho đến khi nào đôi chân không còn đi nổi

"Tôi già rồi, ngồi không ở nhà mãi cũng chán, thấy đường phố, bãi biển nhiều rác bẩn, mất vệ sinh quá nên tiện tay dọn thôi. Nhìn đường phố sạch đẹp là tôi vui rồi chứ không mong đợi được trợ cấp hay khen thưởng chi hết. Còn sức thì tôi còn cống hiến, để Hội An của mình đẹp hơn. Tôi sẽ làm công việc không công này cho đến khi nào đôi chân không đi nổi, tay không nhặt được rác nữa mới thôi", ông Thương cười phúc hậu nói.

Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, ông Thương từng là người lính đóng quân ở đảo Cù Lao Chàm, việc làm của ông Thương là hoàn toàn tự nguyện và muốn cống hiến vì TP. Hội An. Ông xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo.

“Dù bị bệnh nhưng ông Thương luôn nhiệt tình trong công tác bảo vệ môi trường. Xét hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, địa phương đã đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng ông từ chối", ông Sỹ cho biết thêm.

Nguyễn Hiền  
Đau bụng âm ỉ cả tháng, bất ngờ phát hiện xương cá đâm xuyên thành ruột
Nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khi nào?
Lễ hội du lịch Sầm Sơn 2024: Rực rỡ sắc màu
Nắng nóng, người dân đổ xô đến Công viên nước Hồ Tây
Nắng nóng chưa từng có dịp nghỉ lễ: Làm gì để thanh lọc, làm mát cơ thể mỗi ngày?
Người trẻ háo hức thanh lọc cơ thể để lên outfit chơi lễ
Mê mẩn góc check-in trên con tàu biểu tượng chim Hạc 
Có gì trên chiếc thắt lưng đắt nhất thế giới giá 1,8 tỷ đồng?
Vì sao máy điều hòa có mùi hôi?
Cùng ngư dân Thanh Hóa thắp sáng đèn trên biển
Gần 1,500 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng Cúp Nestlé MILO lần thứ VII
Vì sao công nghệ, máy móc ngày càng hiện đại nhưng con người lại bận rộn hơn?
5 lý do nên chọn du học nghề Đức tại Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội
89% khách đi buýt điện là người đi làm
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày lễ 30/4 - 1/5
Tận mắt xem thợ thủy tinh làm chiếc cốc uống bia hơi huyền thoại
Khuyến cáo 10 biện pháp phòng chống cháy nổ gia đình dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
6 cách tẩy bay mọi vết bẩn trên nệm
Hà Nội thí điểm ứng dụng cảnh báo cháy gắn với định danh số nhà
Hành trình đến Korea Global School của một học sinh Hà Nội
Xem thêm