Thứ tư, 01/05/2024 21:41
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ bảy, 15/02/2020 07:00

Những phận đời mòn mỏi chờ máu

Hàng ngàn lời kêu gọi giải cứu cuộc "khủng hoảng máu" được phát đi trong lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang hoành hành.

"Không có máu để truyền đâu"!

5h sáng, chị Nông Thị Hà (SN 1983, quê Sơn Động, Bắc Giang) lật đật trở mình thức dậy sau tiếng chuông báo thức của điện thoại. Sau khi cẩn thận gói ghém quần áo, đồ đạc cần thiết, chị Hà lững thững đi bộ rời khu xóm trọ dành cho công nhân tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) để lên chiếc xe ô tô khách 16 chỗ tại điểm đón đã hẹn trước.

Đúng 7h sáng, xe thả chị trước cổng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trên phố Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là địa chỉ quá quen thuộc với chị vì suốt 3 năm qua, tháng nào chị cũng phải tới để truyền máu và điều trị chứng bệnh tan máu bẩm sinh.

Hien-mau1

Bệnh nhân Nông Thị Hà phải hoãn lên viện điều trị hai tuần do tình trạng khan hiếm máu sau Tết.

Từng vào Nam làm công nhân từ rất sớm rồi lấy chồng tại Bình Dương. Cuộc sống của chị Hà êm ả, hạnh phúc trôi đi. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Năm 2017, chồng chị mất lúc chị mới mang bầu được vài tháng.

Hụt hẫng, khó khăn chồng chất đè nặng lên vai người phụ nữ 34 tuổi khi bụng mang dạ chửa mà một thân một mình xoay xở mưu sinh. Không biết bấu víu vào đâu nơi đất khách quê người, chị Hà đành khăn gói bắt xe về quê ở Bắc Giang.

"Cuối năm 2017, lúc sắp sinh thì mình thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Lúc đầu cứ nghĩ đấy chỉ là các triệu chứng do bầu bí nên cũng cố cắn răng chịu đựng nhưng khi lên viện khám bác sỹ bảo mình bị bệnh tan máu bẩm sinh", chị Hà kể lại.

Gắng gượng chịu đựng, tháng 1/2018 chị sinh con. Nghỉ ngơi được vài tháng, chị làm hồ sơ xin đi làm công nhân ở KCN Yên Phong dưới Bắc Ninh. Từ lúc phát hiện bệnh đến nay, cứ đều đặn hàng tháng, chị Hà phải bắt xe lên Viện Huyết học để điều trị khoảng 10 ngày.

Hien-mau2

"Không có máu để truyền" là nỗi lo của nhiều bệnh nhân đang điều trị các bệnh về máu sau Tết phải đối mặt.

Chị Hà chia sẻ, cũng may là mình có bảo hiểm y tế thanh toán một phần nên chi phí điều trị cũng đỡ phần nào. Lương công nhân được 5 - 7 triệu/tháng vừa lo chi phí ăn ở, điều trị bệnh tật cho mình lại vừa lo tiền nuôi con nên chị bảo phải tằn tiện lắm mới đủ.

Vào Viện Huyết học để điều trị đúng dịp khan hiếm máu, chị Hà bảo lẽ ra từ 2 tuần trước đã phải lên, nhưng mấy bệnh nhân nằm viện cùng nhắn tin bảo trên viện đang hết máu nên gắng gượng đi làm.

"Sau Tết mấy ngày là mình phải lên viện để truyền rồi nhưng mấy người lên trước họ nhắn tin bảo là bây giờ không có máu để truyền đâu, lên làm gì cho mất công nên mình không đi nữa. Tính ra là phải hoãn lại mất 2 tuần", chị Hà cho biết.

Đang chăm chú nằm xem phim hoạt hình Đô - rê - mon trong chiếc điện thoại của mẹ, bệnh nhi Teo Ngọc Tú (SN 2015) mắt tròn xoe ngơ ngác khi có người lạ đến hỏi thăm bệnh tình. Cạnh đó, chị Lường Thị May (SN 1985) đang trệu trạo cố nuốt vội mấy miếng cơm bữa trưa để tranh thủ chăm sóc cho con sau khi truyền máu.

Hien-mau4

Bệnh nhi Teo Ngọc Tú nằm xem hoạt hình trên giường bệnh chờ được điều trị chứng bệnh tan máu bẩm sinh.

Năm nay mới 5 tuổi nhưng Tú đã có tới 5 năm nằm điều trị chứng bệnh tan máu bẩm sinh ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Kể từ khi phát hiện bệnh, ít nhất mỗi tháng một lần Tú và mẹ phải vượt 300Km từ Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) xuống Hà Nội để truyền máu điều trị.

"Tối 9h hai mẹ con bắt xe khách từ Phong Thổ, Lai Châu đi. Đến Bến xe Mỹ Đình ở Hà Nội lúc 6h sáng hôm sau rồi thuê xe ôm chở tới nơi là vào làm thủ tục nhập viện luôn. Suốt 5 năm nay thì tháng nào cũng thế", chị Lường Thị May chia sẻ.

Chị May sinh được 2 người con, đứa lớn sinh năm 2007, còn Tú là con út. Thấy con thường xuyên đi ngoài, da dẻ vàng vọt, ăn uống hay bị nôn trớ nên chị đưa con đi viện khám và được chẩn đoán con bị mắc chứng tan máu bẩm sinh lúc 5 tháng tuổi. Chưa đầy 1 tuổi, Tú tiếp tục mồ côi cha còn chị May góa chồng khi mới 31 tuổi.

Hien-mau3

Chị May cùng con trai là những bệnh nhân điều trị dài ngày tại Bệnh viện Huyết học

Một nách 2 con nhỏ, chị May "mua đầu chợ, bán cuối chợ" ở quê lấy tiền nuôi con. Ngoài tiền ăn học của đứa lớn và gia đình, chị May còn phải dành dụm một khoản để hàng tháng đưa Tú đi xuống Hà Nội chữa bệnh.

"Cháu lúc nhỏ thì mỗi tháng phải đi viện 1 lần nhưng càng lớn bệnh càng nặng nên có tháng phải xuống điều trị 2 lần. Mỗi lần hai mẹ con ở lại viện 9 - 10 ngày. Cháu có bảo hiểm y tế nhưng chi phí ăn uống, đi lại mình phải tự lo", chị May thở dài.

Sau Tết, do tình trạng khan hiếm máu nên bệnh tình của Tú trở nặng hơn do chưa được truyền máu đúng lịch. Chị May thấy Tú nách sưng to, da vàng vọt, xanh xao nên vội vàng đưa con xuống Hà Nội.

"May mà cháu xuống viện hôm trước thì hôm sau có máu để truyền luôn. Đến giờ cháu được truyền 2 bịch nên cũng đỡ hơn rồi. Nếu không có máu để truyền thì không biết cháu như thế nào nữa", chị May lo lắng.

Hien-mau13

Hàng trăm bệnh nhi đang điều trị các chứng bệnh về máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Xin hãy hiến máu để chúng tôi được sống

Ngồi thẫn thờ vì lo lắng cho bệnh tình của con trai đang nằm điều trị tại Khoa Thalassemia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương), anh Lò Văn Thanh (SN 1989, quê Tân Uyên, Lai Châu) chốc chốc lại đứng dậy nắn tay, nắn chân và xoa bụng cho con.

Trên giường bệnh, cháu Lò Minh Thông (SN 2013) thỉnh thoảng lại nhăn nhó kêu đau trong khi vừa nằm vừa xem phim trên chiếc điện thoại của bố. Cũng như hàng chục bệnh nhi khác đang nằm trong phòng, Thông mắc chứng bệnh Thalassemia (Tan máu bẩm sinh) và hàng tháng phải điều trị bằng thuốc và truyền máu.

Hien-mau12

Bệnh nhi Lò Minh Thông (SN 2013) đi viện từ lúc 4 tháng tuổi do mắc chứng tan máu bẩm sinh.

Thông được phát hiện bị bệnh từ lúc 4 tháng tuổi. Ban đầu, anh Thanh và gia đình đưa con trai lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để điều trị. Năm 2019, bệnh tình Thông ngày càng nặng hơn, anh Thông được các bác sỹ khuyên đưa con xuống Hà Nội để khám và điều trị thì tốt hơn.

Nghe lời bác sỹ, hai vợ chồng anh Thanh thu xếp đưa con xuống Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra bệnh tình rồi chuyển qua Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để khám và điều trị. Từ đấy, mỗi tháng hai vợ chồng anh lại bồng bế đưa con xuống viện chữa bệnh.

Khi được hỏi về bệnh tình của con trai, anh Lò Văn Thanh không nhớ chính xác bệnh gì mà chỉ biết trong cầm tờ giấy kẹp ở đầu giường có ghi tên con của anh và chứng bệnh này.

"Bác sỹ bảo đấy là bệnh hiểm nghèo, khó chữa", ông bố 31 tuổi nói.

Hien-mau6

Mỗi tháng, vợ chồng anh Lò Văn Thanh vượt quãng đường dài hơn 300Km từ Lai Châu xuống Hà Nội để điều trị bệnh cho con.

Con trai phải vào viện để truyền máu điều trị sau Tết, lại đúng thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang hoành hành nên lượng máu dự trữ của bệnh viện rất khan hiếm nên anh Lò Văn Thanh và vợ phải tạm hoãn ít hôm mới đưa con xuống.

Thiếu máu nên bệnh tình của Thông càng ngày càng nặng, có dấu hiệu biến chứng. "Cháu thiếu máu nên giờ chân yếu không đi lại được, bụng chướng, lá lách sưng to lên rồi. Giờ phải chờ mổ và truyền máu nữa", anh Thanh nói.

Hien-mau7

Mỗi lần con kêu đau, anh Thanh lại xoa bóp và động viên con trai.

Hien-mau8

Thiếu máu để truyền, bệnh nhân mắc chứng tan máu bẩm sinh bị chướng bụng, lá lách sưng to.

"Hãy hiến máu để chúng tôi được sống" - đây là thông điệp khẩn thiết của anh Nguyễn Trọng Hùng (35 tuổi, quê Nghệ An) chia sẻ trên trang cá nhân được Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đăng tải để kêu gọi, vận động mọi người tham gia hiến máu.

Anh Hùng là bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Điều trị Hóa chất (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương). Hàng tháng, từ Nghệ An ra Hà Nội để điều trị căn bệnh ung thư máu nên đối với anh Hùng và hàng ngàn người mắc các bệnh về máu thì hồng cầu và tiểu cầu là thứ để duy trì sự sống, là thứ cốt yếu để kéo dài thời gian sống.

Hien-mau10

Hàng ngàn bệnh nhân đang điều trị các chứng bệnh về máu phải chờ máu để truyền do tình trạng khan hiếm máu trong lúc dịch bệnh.

"Bước vào đợt điều trị hóa chất giữa đại dịch viêm phổi cấp đang bùng phát, tôi và hàng trăm bệnh nhân tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương lo lắng hơn bao giờ hết khi kho máu dự trữ của viện đang cạn kiệt. Kho máu của Bệnh viện cạn kiệt là sự sống của chúng tôi bị đe dọa, con đường tìm sự sống của chúng tôi đang vào ngõ tối. Hãy hiến máu để chúng tôi được sống", anh Hùng chia sẻ.

Hien-mau02

Lo lắng vì "sự sống bị đe dọa" do không còn máu để truyền có lẽ là nỗi lo chung của hàng ngàn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị các bệnh về máu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

"Giờ chỉ ước làm sao có đủ máu để truyền và điều trị cho sớm khỏe lại còn đi làm kiếm tiền nuôi con chứ giờ mà không có máu nhỡ mình có làm sao thì....!", chị Nông Thị Hà bỏ lửng câu trả lời và rơm rớm nước mắt quay đi khi được hỏi về mong muốn của mình.

Hải Nam - Thu Chang  
Hơn 400 người thương vong do TNGT trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Đột nhập bệnh viện đánh thuốc mê trộm tài sản
5 món lẩu chay nghe lạ tai nhưng thơm ngon, thanh lành
Messi, Ronaldo đi giày của hãng nào?
Gửi 50 đơn hàng đồ ăn đến nhà chơi khăm bạn gái cũ
Toàn quốc xảy ra 277 vụ TNGT, làm 109 người chết trong 4 ngày nghỉ lễ
Vụ “chặt chém” khách Tây 3 quả dứa 500 nghìn đồng gây xôn xao dư luận
Vụ hai xe khách tông nhau ở Gia Lai: 1 xe chạy tốc độ 84km/h
Du khách tới huyện đảo Vân Đồn không được mang theo các sản phẩm nhựa
2 xe khách chở trên 50 người tông nhau, nhiều người thương vong
Dự báo thời tiết 30/4: Miền Bắc nhiều nơi nắng gắt, đêm có mưa giông
Lễ thượng cờ thiêng liêng mừng chiến thắng 30/4 tại quảng trường Ba Đình
Sôi động Khai mạc Giải đua ngựa Shanrila Mường Lò trong rừng trúc đẹp nhất Việt Nam
Xem pháo hoa dịp lễ 30/4 - 1/5 ở đâu?
Hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 3 ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5
5 điểm trông giữ xe vào viếng lăng Bác dịp nghỉ lễ
Đau bụng âm ỉ cả tháng, bất ngờ phát hiện xương cá đâm xuyên thành ruột
Nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khi nào?
Gần 350 cơ sở bán lẻ thuốc tại Hà Nội phục vụ người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Acecook Việt Nam là đơn vị tài trợ chính cho lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản
Xem thêm