Hơn 300.000 người mù chờ được ghép giác mạc
Sau 17 năm kể từ ca hiến giác mạc đầu tiên, cả nước đã có gần 1.000 người hiến giác mạc. Hiện vẫn còn hơn 300.000 người mù tại Việt Nam cần được ghép giác mạc.
Số lượng hiến giác mạc ở Việt Nam còn ít
Tại Toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc Việt Nam và Singapore do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức chiều 15/10, PGS.TS.BS Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, chỉ trong 8 tháng, Bệnh viện đã thu nhận 57 giác mạc từ nhiều nguồn hiến. Trong đó, thu nhận 2 ca hiến tặng trong nước, còn lại là giác mạc hiến tặng từ các ngân hàng Mắt của Mỹ.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thực hiện thành công 42 ca ghép giác mạc, mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh mù lòa. Số giác mạc còn lại được điều phối sang các bệnh viện khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, từ tháng 5 tới nay, số lượng ca hiến tạng từ người chết não tăng gấp 3 lần, các ca ghép tạng trong đó có ghép hiến giác mạc tăng 10% so với thời điểm trước.
Tuy nhiên, với ghép giác mạc còn một số khó khăn bởi Việt Nam hiện chỉ có 2 cơ sở y tế có khả năng thu, ghép giác mạc trên cả nước; bên cạnh đó số lượng giác mạc hiến ít.
“Ngoài nguồn hiến trong nước, Việt Nam được tặng nguồn giác mạc từ nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục hải quan và bảo quản giác mạc còn khó khăn bởi giác mạc không phải bệnh phẩm, không phải thiết bị y tế, hay mẫu vi sinh vật, mà giác mạc là mô cần bảo quản sống. Vì vậy, các cơ quan chức năng, các cơ sở thu, ghép giác mạc cần có kiến nghị chính thức tới Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan cần tạo điều kiện về thủ tục để chuyển nguồn giác mạc từ nước ngoài về Việt Nam ghép cho người bệnh được sớm nhất”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Tìm lại ánh sáng từ nguồn giác mạc hiến tặng
Ghép giác mạc hiện là phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp bệnh nhân bị tổn thương giác mạc có cơ hội phục hồi thị lực, đặc biệt là trong những trường hợp điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả. Tuy nhiên, với số lượng giác mạc hiến tặng còn hạn chế.
Theo TS.BS Howard Cajucom-Uy - Phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore và Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mắt châu Á, nhu cầu ghép giác mạc rất lớn nhưng đang gặp phải nhiều rào cản như phong tục tập quán, truyền thống và tôn giáo, tín ngưỡng văn hóa, sự thiếu hiểu biết/thờ ơ về việc hiến tặng giác mạc, gia đình người hiến tặng đang trải qua giai đoạn rất khó khăn về cảm xúc, những nhận thức không đúng về luật pháp liên quan đến hiến tạng...
Trong khi hiến tặng giác mạc không yêu cầu về không gian, việc thu nhận giác mạc có thể diễn ra ở bất cứ đâu, không ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ, việc thu nhận giác mạc không lấy đi toàn bộ nhãn cầu của người hiến tặng mà chỉ lấy 1 lớp màng mỏng giác mạc phía trước...
TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, chính những hạn chế này đã làm giảm số lượng giác mạc được hiến tặng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Do đó, hoạt động tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cần có hành lang pháp lý phù hợp với thực tại, cần đưa tiêu chí về hoạt động hiến ghép, mô tạng vào tiêu chí đánh giá của ngành y tế.
Tại Việt Nam, việc
lấy - ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay, đã có hơn 3.000 người
được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập
trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định..., nhiều nhất là năm 2020, có 169 người được
ghép.
Hiện nay, hơn 20 tỉnh
thành đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên, số người mù vì
bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 300.000 người, nhưng con số
ghép được rất ít ỏi. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở
độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.
Giác mạc chỉ được
thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc
trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất.