Những lá thư tay trong thời đại số
Khi cả thế giới đã được kết nối lại gần nhau trên một mặt phẳng internet thì tại cuộc thi viết "Cha và con gái" lại xuất hiện hình ảnh những lá thư tay gửi gắm biết bao tình cảm, tâm sự giữa cha và con gái.
Đã từng có một thời, những lá thư viết tay trong chiếc phong bì với con tem và dấu bưu điện từng là nỗi trông ngóng của biết bao nhiêu người. Những đứa trẻ háo hức chờ mong lá thư từ người cha công tác xa nhà hay những người cha, người mẹ ngóng trông tin tức của con cái về tình hình cuộc sống nơi đất khách quê người, nơi trường lớp mới,... Mọi thông tin, tâm tư, tình cảm, giận hờn đều gói ghém lại và thể hiện qua những cánh thư.
Nhưng rồi theo thời gian, những thế hệ “thư tay” vẫn phải tiếp cận với công nghệ thông tin của thời đại 4.0. Những dòng chữ đánh máy thẳng tắp, ngay ngắn; những cú click chuột chớp nhoáng… gửi thông tin đến người tiếp nhận nhanh hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn… Cả thế giới đã được kết nối lại gần nhau trên một mặt phẳng internet. Cũng bởi thế, ở thời đại 4.0 này, ít ai còn đủ kiên nhẫn kỳ cạch ngồi viết lách trên giấy, trao gửi cho nhau những lá thư như thế hệ 7X, 6X, 5X một thời...
Thế nhưng, trong cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024, Ban tổ chức lại có may mắn bắt gặp một hình ảnh tưởng như đã mất, đó là những lá thư viết tay. Những bức thư tay mang tới cho chính những người tổ chức cuộc thi cảm giác hồi hộp, ngóng chờ giây phút mở bì thư để đón đọc, khám phá những câu chuyện, tâm sự cất giấu bên trong.
Trong số các bài dự thi viết tay được gửi về tòa soạn, bài viết “Người bố đặc biệt” của tác giả Trần Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa khiến Ban tổ chức cuộc thi bất ngờ và xúc động.
Bài dự thi viết tay với những nét chữ run run là những tâm sự, tình cảm chân thật nhất mà tác giả gửi gắm đến người cha khiếm khuyết của mình.
Tác giả chia sẻ cha của chị từ khi sinh ra đã kém may mắn khi không thể nghe cũng chẳng thể nói. Trong ký ức của chị, những âm thanh nuôi chị trưởng thành chỉ có tiếng hát ru của bà, lời bảo ban của mẹ.
Dù chẳng thể nghe được tiếng cha nói, chưa từng nghe lời trách mắng từ cha cũng chẳng bao giờ có thể nghe hai tiếng “yêu con” từ người cha ấy nhưng đối với tác giả, tình cảm mà chị cảm nhận được từ người cha không nằm ở những thanh âm.
“Tuổi thơ của con thiếu đi những lời dạy của bố nhưng chưa bao giờ con thiếu đi tình yêu thương, sự ân cần, chăm sóc của người…
Ngày con lập gia đình, thay vì những lời căn dặn như bao người bố khác dành cho con gái mình, bố chỉ ôm con thật nhẹ nhàng, rồi quay đi khẽ lau giọt nước mắt ở khóe mi. Đó hẳn là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con gái mình đã trưởng thành và tìm được bến đỗ bình yên của đời mình, bố nhỉ.”
Sự quan tâm bằng hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói. Chính tình yêu thương, sự chở che “không nói lên lời” của người cha đã trở thành động lực để tác giả Trần Huyền Trang mạnh mẽ và thành công hơn từng ngày.
Chia sẻ về lý do lựa chọn viết thư tay gửi tới cuộc thi giữa thời đại công nghệ số, tác giả Huyền Trang cho biết, chị mong muốn gửi gắm sự trăn trở, tâm huyết và tình cảm của mình vào mỗi nét chữ, mỗi trang giấy viết gửi tới cuộc thi.
“Khi nhìn thấy bài viết giới thiệu về cuộc thi, tự nhiên mình cảm thấy xua tan hết mệt mỏi. Mình bắt tay ngay vào việc làm giấy viết bài, và cứ thế viết những dòng suy nghĩ tự đáy lòng mình. Không dùng những từ ngữ khoa trương, hoa mỹ, mà tất cả đều là tình cảm chân thành tự đáy lòng của một người con dành cho bố”, tác giả Huyền Trang cho hay.
Sau khi xong bài viết, tác giả Huyền Trang cho biết bản thân chị nhận được những góp ý từ chồng về việc nên chỉnh sửa bài viết để nội dung sâu hơn nhưng nhất quyết không sửa gì vì đây là “bài dự thi đến từ trái tim”, chỉ đặt bút và gửi bài, không sửa chữa, gọt dũa gì nhiều. Điều quan trọng là tác giả cảm thấy hạnh phúc khi được bày tỏ tình cảm của mình, thứ tình cảm khó nói thành lời và không phải lúc nào cũng có cơ hội nói ra.
Một bài dự thi viết tay khác cũng để lại nhiều xúc cảm trong lòng người đọc là bức thư gửi cha của tác giả Phan Trà My (Hà Tĩnh). Đây cũng là một trong những tác giả nhỏ tuổi nhất cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024.
Những nét chữ nắn nót cùng câu chuyện về người cha làm thủy thủ xa nhà khiến người đọc cảm nhận được sự hồn nhiên nhưng cũng rất hiểu chuyện của một cô bé mới 12 tuổi.
“Cha thường xuyên không ở nhà nên con rất ghen tị với các bạn khác, khi đi học về là có cha hỏi han, trò chuyện sau những giờ học căng thẳng…
Cha là một người thủy thủ, làm bạn với sóng với gió. Con biết hàng ngày cha phải đối mặt với biết bao nguy hiểm nhưng cứ mỗi lúc con gọi cho ba là ba lại nói: “Không sao đâu, không sao đâu”, rồi nở nụ cười”, Trà My viết.
Dường như những dòng thư tay của các tác giả gửi tới cuộc thi đã gửi gắm hết tất cả những nỗi niềm, tình yêu thương mà lâu nay những người cha, người con luôn giấu kín. Để rồi mỗi khi lật giở từng lá thư, ta lại cảm nhận được tình cảm gia đình thiêng liêng, cao đẹp trong mỗi nét viết, trong từng câu chữ, trên từng trang giấy.
Cũng vì thế mà “Cha và con gái” đã không còn là một cuộc thi đơn thuần mà hơn hết là cầu nối để giãi bày tâm sự, gắn kết và hun đúc tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 được tổ chức vào 09 giờ ngày 12 tháng 7 năm 2024 tại Hội trường Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 65 Nguyễn Du, Hà Nội.