Thứ năm, 02/05/2024 06:03
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 23/01/2023 12:37

Độc đáo phong tục đón Tết của người Tày ở Quảng Ninh

Người Tày sinh sống ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) thường tập trung thành các làng bản với nhiều phong tục độc đáo còn được lưu giữ trong đó có phong tục đón Tết.

Tục cắt rửa lá dong (Khả mè toong): Vào ngày 25 tháng chạp, các nhà lấy những nắm lá dong của nhà mình xuống suối rửa. Trẻ em và người già thường được giao nhiệm vụ này vì những người lớn còn tranh thủ làm nốt những công việc còn dở dang như cày đám ruộng, tưới vạt rau hay lên rừng vác thêm cây củi lớn về chuẩn bị luộc bánh... Chiều tối hôm đó, dù có bận bịu tới đâu, các bà các mẹ vẫn gói những chiếc bánh cóoc mò – loại bánh sẽ chín nhanh hơn bánh chưng.

binh lieu

Để đón Tết những gia đình người Tày chuẩn bị đầy đủ mọi thứ

Những ngày trước Tết Nguyên đán, mọi gia đình đều cố hoàn thiện nốt những công việc còn dang dở để đón một năm mới trọn vẹn.

Dọn nhà cửa vào ngày 30 Tết: Từ sáng sớm, các gia đình cử người đi lấy cây nêu. Mọi thành viên trong gia đình đều tham gia việc dọn dẹp nhà cửa. Chủ nhà là người dọn dẹp bàn thờ, thay bát hương của tổ tiên. Các thành viên khác lau dọn tất cả các phòng, xếp gọn gàng đồ đạc của gia đình. Sau khi quét dọn xong xuôi, chủ nhà dùng cây nêu quét từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, sau đó dựng cây nêu trước cổng, để hết 3 ngày tết với ý nghĩa xua đuổi tà ma, không cho xâm nhập vào nhà.

Dán giấy đỏ: Công việc tiếp theo sau khi quét dọn nhà cửa sẽ là việc dán giấy đỏ lên cửa nhà. Cửa chính sẽ được dán nhiều tờ hơn (thường là 3, 5,7 hoặc 9 tờ). Giấy đỏ cũng được dán lên các gốc cây, chuồng gia súc, gia cầm và dán lên các nông cụ như cày, cuốc… với ý nghĩa là người và vạn vật đều được đón năm mới, mong muốn mọi sự được tốt đẹp, vật nuôi chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn, cây trái sai quả, mùa màng bội thu.

Cúng Phi tỳ (Pỏn tỳ): Không thờ cúng, thắp hương vào mùng 1, ngày rằm hàng tháng như miếu thổ công, dân bản chỉ dâng lễ, thắp hương tại nơi thờ Phi tỳ một ngày duy nhất là chiều 30 Tết. Vào ngày đó, tùy vào thời gian chuẩn bị, gia đình nào chuẩn bị xong trước thì sẽ đem lễ vật đi cúng Phi tỳ. Không quy định cụ thể, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, lễ vật thường là con gà (hoặc vịt, ngan, miếng thịt lợn) kèm theo bánh chưng, cơm trắng, rượu, giấy vàng, hương… Thường là người chủ trong gia đình sẽ trực tiếp ra cúng Phi tỳ.

binh lieu 2

Chiều 30 Tết các gia đình đem lễ vật đi cúng Phi tỳ

Với vai trò chủ gia đình, người cúng khấn mời, xưng họ và thứ tự của những người trong nhà mong Phi tỳ phù hộ. Người đến sau lần lượt góp phần phát quang dây leo, cây gai xung quanh đó rồi thực hiện việc cúng. Sau tuần hương, trước khi kết thúc, người ta dán giấy đỏ lên gốc cây với ý nghĩa đánh dấu một năm mới, làm sáng sủa nơi cư ngụ của Phi tỳ. Người đến trước dán từ dưới gốc, lần lượt các gia đình khác dán lên phía trên và người đến cúng sau nhìn vào đó sẽ biết được là đã có bao nhiêu gia đình đã thực hiện xong việc cúng Phi tỳ. Cuối cùng, sau khi đốt giấy vàng, rút gốc hương, người cúng xếp chai rượu và đổ các chén rượu đã rót vào gốc cây rồi trở về nhà, chuẩn bị cho bữa cơm tất niên.

Ngày mùng 1 Tết với tục lấy nước đầu năm: Để thực hiện việc đi lấy nước đầu năm, những vật phẩm cần có của mỗi gia đình gồm xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương. Người đi lấy nước thường là chủ nhà, có thêm con cái hoặc anh em cùng đi. Trên đường đi có cắm hương ở một số nơi mà lúc quay về sẽ xin cành lộc. Đến suối, chọn hướng nước chảy sau khi cắm cành hoa dâu, cắm hương và đổ các thứ bỏ đi đem theo, chủ nhà lầm rầm nói: “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng” rồi múc lấy nước để gánh về dùng. Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được trong sạch và mát mẻ như suối đầu nguồn.

binh lieu 3

Ngày mùng 1 Tết với tục lấy nước đầu năm

Trong lúc đó, những người đi cùng sẽ lấy vỏ cây dâu buộc lấy một số hòn đá, mang về theo mong ước nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân. Trên đường về, có xin một vài cành lộc nho nhỏ và tin rằng tiền của theo đó mà về dồi dào...

Thờ cúng tổ tiên: Theo các dòng họ khác nhau thì sẽ có cách sắp mâm lễ thờ cúng tổ tiên khác nhau. Đa số các dòng họ người Tày ở Bình Liêu sắp mâm cúng chay gồm bánh chưng chay (không có nhân, gói nhỏ), xôi vàng, hoa chuối rừng, mía, rượu ngọt. Các gia đình có người làm thầy cúng còn sắp mâm lễ chay khác, các lễ vật chay tương tự như lễ vật cúng tổ tiên. Gia chủ sắp mâm lễ cúng tổ tiên từ sáng sớm, thắp hương đến quá trưa thì xong.

binh lieu 4

Mâm lễ vật trên ban thờ của người Tày

Trong ngày mùng 1 Tết, người Tày ăn chay trong buổi sáng, đến lúc thực hiện xong lễ cúng tổ tiên. Làm như vậy để thể hiện sự thành kính, kính trọng tổ tiên. Họ kiêng không to tiếng, không quét nhà, không nói những điều xấu với mong muốn có một năm mới an lành, ai cũng được may mắn.

Ngày mùng 2 Tết Pây tai (Đi ngoại): Là phong tục về thăm gia đình bên ngoại của những người con gái đã đi lấy chồng. Từ sáng sớm, cả nhà sửa soạn lễ vật để đi thăm nhà ngoại. Trong đó luôn có những chiếc bánh chưng chính tay con gái gói cùng với gà sống thiến, rượu và chút gạo nếp. Người Tày quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày Pây tai là dịp người phụ nữ cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cho cha mẹ. Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ.

Ngày mùng 3 Tết Pây thảu slay (pây mé sày): Thảu slay (thầy cha) là từ xưng gọi của những người làm thầy cúng, được các đệ tử nhận làm sư phụ. Mé sày (thầy mẹ) có nghĩa tương tự đối với phụ nữ, thường là các bà then. Ngày mùng 3 Tết là dịp để các đệ tử thể hiện lòng biết ơn với những người bảo trợ, dìu dắt mình trong lĩnh vực tâm linh. Lễ vật gồm các đồ nhưng lễ Pây tai. Đây là dịp các học trò được cùng người thầy của mình gặp gỡ, nói chuyện về đạo đức làm nghề về những ước mong và những mục tiêu cần phải đạt được đối với mỗi học trò.

Ngày nay, những phong tục đón Tết của người Tày sinh sống ở huyện Bình Liêu vẫn còn được thực hiện và lưu giữ mặc dù đã có nhiều sự thay đổi.

Tô Hiệu  
Đồng hồ 7 tỷ đồng xem giờ bằng cách… đếm hoa
Hơn 400 người thương vong do TNGT trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Đột nhập bệnh viện đánh thuốc mê trộm tài sản
5 món lẩu chay nghe lạ tai nhưng thơm ngon, thanh lành
Messi, Ronaldo đi giày của hãng nào?
Gửi 50 đơn hàng đồ ăn đến nhà chơi khăm bạn gái cũ
Toàn quốc xảy ra 277 vụ TNGT, làm 109 người chết trong 4 ngày nghỉ lễ
Vụ “chặt chém” khách Tây 3 quả dứa 500 nghìn đồng gây xôn xao dư luận
Vụ hai xe khách tông nhau ở Gia Lai: 1 xe chạy tốc độ 84km/h
Du khách tới huyện đảo Vân Đồn không được mang theo các sản phẩm nhựa
2 xe khách chở trên 50 người tông nhau, nhiều người thương vong
Dự báo thời tiết 30/4: Miền Bắc nhiều nơi nắng gắt, đêm có mưa giông
Lễ thượng cờ thiêng liêng mừng chiến thắng 30/4 tại quảng trường Ba Đình
Sôi động Khai mạc Giải đua ngựa Shanrila Mường Lò trong rừng trúc đẹp nhất Việt Nam
Xem pháo hoa dịp lễ 30/4 - 1/5 ở đâu?
Hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 3 ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5
5 điểm trông giữ xe vào viếng lăng Bác dịp nghỉ lễ
Đau bụng âm ỉ cả tháng, bất ngờ phát hiện xương cá đâm xuyên thành ruột
Nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khi nào?
Gần 350 cơ sở bán lẻ thuốc tại Hà Nội phục vụ người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Xem thêm