Thứ bảy, 18/01/2025 14:55     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 07/08/2023 07:00

Tôi yêu quý cha nhưng đã từng sợ hãi và xa lánh

Khi còn bé thơ, tôi luôn mang trong lòng một tình cảm hết sức mâu thuẫn với cha tôi. Thứ tình cảm vừa tự hào vừa yêu quý nhưng lại sợ hãi và xa lánh. Tôi cứ lúc gần lúc xa, khi thì thân thiết quyến luyến, khi lại rụt rè muốn bỏ trốn khỏi nhà.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình. Làng tôi nhỏ xíu có lũy tre xanh, có dòng sông nhỏ. Tuổi thơ tôi gắn liền với câu ca dao của mẹ và những câu chuyện kể của cha. Cha tôi – Người chiến sĩ cụ Hồ.

Thuở ấu thơ, tôi và anh trai hay ngồi bên hiên nhà nghe cha kể chuyện. Ông kể cho chúng tôi nghe về một thời hào hùng đầy nhiệt huyết. Cha kể tôi nghe, những đường hào quanh co đầy tiếng bom đạn, đồng chí này ngã xuống, đồng chí khác lên thay. Cha kể tôi nghe những đêm dài hành quân, con đường rừng đầy bụi gai dốc lên dốc xuống, có ánh trăng làm bạn đồng hành.

Tôi nghe thấy tiếng mưa rơi, làm ướt áo biết bao nhiêu đồng chí, tay vuốt mặt, nụ cười tươi hớn hở, đường lầy lội chân bước thấp bước cao. Cha kể tôi nghe những cánh đồng cát mênh mông gió lớn,nhắm mắt mà đi gian khổ ngại gì. Giặc Mỹ ném bom, dưới lớp đất chôn biết bao đồng đội, hòa bình rồi sẽ đón anh về với quê hương.

_101998700_whatsubject

Ảnh minh họa.

Cha kể tôi nghe miếng lương khô chia năm xẻ bảy, đói quặn lòng mà vẫn nhường cho nhau. Bầu nước cạn mỗi người đôi ba giọt, môi khô toác máu mà miệng vẫn cười đùa. Trong một trận đánh cam go, cha trúng đạn, một phát vào đầu một phát vào tay. Cha ngã xuống giữa cái ôm đồng đội, miệng vẫn thì thào: “Tiến lên đồng chí ơi”. Tôi thấy cha nằm trên cáng miên mang, trong cơn sốt vẫn nghe quê hương vẫy gọi. Vẫn còn lời hứa với mấy đứa em thơ dại, khi nào về sẽ làm diều cho em. Cha kể tôi nghe khi cha tỉnh lại, ông bác sĩ già vỗ vai cha khen ngợi: “Tưởng cậu sẽ không qua khỏi được cơ”. Viên đạn gắp ra mang theo một phần não, nhưng cha vẫn là chàng trai trẻ đầy sức sống thanh xuân.

Lại tiếp tục những buổi hành quân, vẫn chiến đấu như chưa từng đổ máu, vẫn tin tưởng ngày mai chiến thắng, sẽ về nhà với những đứa em thơ. Từ những ký ức của cha, tôi thêm yêu quê hương biết mấy. Yêu những cánh đồng lúa vàng mây mẩy hạt thấm đẫm giọt mồ hôi. Yêu rừng xanh gió hát rì rào, cả biển lớn cá tôm đầy ắp. Thêm yêu nước mình vì những hi sinh của lớp cha ông đi trước, máu và nước mắt không đếm hết được đâu. Tôi thêm yêu bầu trời trong xanh không tiếng bom, thêm yêu cả ánh hoàng hôn bình thản, thêm yêu đời và yêu cả cha tôi.

Chiến tranh qua đi, chàng trai ấy về làng. Những trận đánh chỉ còn trong miền nhớ, cha lại cặm cụi trên luống cày sâu. Những đứa con lần lượt sinh ra, miếng cơm manh áo cũng làm cha vất vả, còn đâu thời gian mà nghĩ những chuyện xa xăm. Chiến tranh không chỉ để lại đau thương, còn để lại những cơn mê không bao giờ dứt, đêm trái gió trở trời tôi thấy cha kêu đau. Nỗi đau giằng xé ngập tràn màu đỏ, để đến khi hết đau ông lại bần thần. Một phần não thiếu đi làm cha tôi hay ảo tưởng, những người xung quanh đều là kẻ thù. Ông nóng tính hay cáu và quát tháo, đứa con nào cũng sợ run. Mẹ tôi đẹp, nên ông ghen ghê lắm. Chỉ cần mẹ đi đâu hơi lâu một chút là ông lại nổi cơn thịnh nộ, đập phá đồ đạc và mắng chửi. Bao đêm tôi giật mình tỉnh giấc, bởi tiếng nhiếc móc nặng nề của cha, tiếng khóc rấm rứt của mẹ.

Tôi luôn tự hỏi mẹ tôi có lỗi gì. Từ ngày về làm vợ cha tôi, đến khi các con khôn lớn, bà chưa được một phút bình yên. Những lỗi lầm của bà đều do ông ấy tưởng tượng ra, không một chuyện gì là có thật. Nhưng mẹ tôi bị đánh là thật, bị mắng chửi là thật, nước mắt mẹ nóng hổi cũng là thật. Lúc bé tôi chỉ biết ôm chân mẹ khóc, lớn lên tôi lại chán nản vì đã quá quen.

Tôi bảo mẹ li dị đi, bỏ chồng đi. Nhưng bà ấy không chịu. Tuổi thơ tôi có vui có buồn, có đau khổ, có khát vọng. Tôi muốn mình lớn lên thật nhanh để rời xa gia đình, rời xa người cha nóng tính cộc cằn, rời xa người mẹ nhu nhược.

Thứ tình cảm vừa yêu vừa ghét với cha tôi theo tôi suốt thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Tôi bỏ lại lũy tre làng, khoác ba lô đến một thành phố xa lạ. Tôi sợ gọi điện về nhà, sợ nghe tiếng mẹ khóc lóc kể lể, sợ nhớ lại những đêm mất ngủ. Tôi cũng ít khi về quê, bởi tôi về chỉ vui vẻ được một vài ngày, những ngày sau lại tiếng mắng chửi tiếng quát tháo. Tôi có thể làm gì, khuyên cha không được, an ủi mẹ chẳng xong.

Có lần cha tôi viết cho tôi một lá thư, kể những tội lỗi của mẹ, dù tôi biết đó là những điều không có thật, nhưng tim tôi quặn đau. Tôi nhớ mình đã viết một lá thư rất dài, bảo ông đừng sống như vậy nữa, khổ cả hai người, tôi khuyên ông bỏ vợ. Nhưng cuối cùng lá thư ấy tôi đã không gửi. Vì tôi biết, nếu như ông đọc được, người chịu khổ sẽ lại là mẹ tôi. Tôi đốt lá thư của ông cũng đốt cả lá thư của mình. Nhìn đám tro tàn, tôi thấy lòng mình nguội lạnh, chẳng còn thương, chẳng còn trách móc, chỉ như một người xa lạ đang lặng im xem vở kịch nhân sinh.

Lần gần đây nhất tôi về thăm quê, thấy cha tôi đã già rồi, mái tóc hết đen chỉ còn màu năm tháng, đôi mắt khi xưa chỉ còn lại ánh buồn. Cha nói càng già cha càng nhớ về chuyện cũ, về những hình bóng cha đã quên mất tên. Những tấm huân huy chương cha vẫn luôn gìn giữ, đó là hoài bão, là cả tuổi thanh xuân. Thỉnh thoảng cha lại mang ra coi, ngồi ngắm nghía, nghĩ xem tấm này có từ khi nào ấy nhỉ, trận đánh nào mà được tặng đây. Có tấm thì rơi mất trong rừng sâu, có tấm đã chôn theo đồng đội, có tấm cha để đâu giờ cũng không nhớ nổi. Tấm huy chương cũng ngả màu thời gian, nhưng vẫn mang trong mình niềm tự hào dân tộc – nhỏ bé mà kiên cường. Mỗi tấm huy chương là một miền ký ức, cả miền vui và cả miền đau. Nhưng có một sự thật ông không bao giờ thừa nhận. Đó là ông không phải người chồng tốt, không phải người cha tuyệt vời. Ông cứ sống với những gì ông cho là đúng, để cuối cùng nhà là nơi tôi không muốn trở về.

Thời gian sẽ xoa nhòa mọi nỗi đau. Khi bé tôi vỗ ngực tự hào trước bạn bè vì cha tôi là bộ đội. Khi lớn tôi xấu hổ với xóm làng vì những ồn ào cãi vã cha gây ra. Nhưng tận sâu trong tâm khảm, tôi vẫn xin cúi đầu cảm ơn ông, người đã đổ mồ hôi đổ máu vì tự do của đất nước.

Tôi vẫn biết ơn ông vì đã cho tôi hình hài, cho tôi đi học đến nơi đến chốn. Chỉ mong những ngày tháng sau này, cha sẽ luôn bình yên, nhàn tản bế cháu trồng cây. Nhìn nụ cười nhẹ nhõm của mẹ, tôi biết mình không oán trách cha nhiều như tôi vẫn nghĩ. Bởi dẫu có thế nào ông ấy vẫn mãi là cha tôi, là người anh hùng hiên ngang trong mỗi câu chuyện kể mà đứa trẻ tôi khi xưa vẫn luôn nhớ về.

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả : Đinh Thị Hảo

Địa chỉ: Số 32 ngõ 221 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm