Tin tài chính - kinh tế 30/1/2015: Agribank 5 năm liên tiếp tốp 10 VNR500
Tin tài chính - kinh tế 30/1/2015: Agribank năm năm liên tiếp nhận giải tốp 10 VNR500; VietinBank dành 40.000 tỷ đồng ưu đãi doanh nghiệp TP.HCM; Pháp: Kinh tế cần tăng trưởng tới 2% để hạ tỷ lệ thất nghiệp; UNCTAD: Kinh tế suy thoái, FDI toàn cầu giảm 8% năm 2014...
Tin tài chính - kinh tế trong nước ngày 30/1/2015
# Agribank năm năm liên tiếp nhận giải tốp 10 VNR500
Tin tài chính - kinh tế 30/1: Trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Vietnamnet công bố mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) lần thứ 5 liên tiếp là ngân hàng thương mại duy nhất thuộc top 10 VNR500. Đến hết năm 2014, tổng tài sản có của Agribank đạt 762.869 tỷ đồng, tăng 10,08%; tổng nguồn vốn đạt 690.191 tỷ đồng, tăng 10,2%, trong đó, tiền gửi dân cư tăng trưởng tốt, chiếm tỷ trọng 78,4% vốn huy động.
Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc nhận Giấy chứng nhận của Ban tổ chức
# Sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện trong năm 2015
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết năm nay, sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện. Dự kiến, thị phần số nhà máy trực tiếp tham gia thị trường sẽ tăng từ 42% của năm 2014 lên gần 70% tổng mức công suất đặt của các nhà máy toàn hệ thống.
# Hải Dương thu hút hơn 88 triệu USD FDI trong tháng đầu năm
Tin tài chính - kinh tế trong nước: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, trong tháng Một, tỉnh Hải Dương đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 88,1 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 4 dự án với số vốn tăng thêm 78,1 triệu USD (2 dự án trong khu công nghiệp với số vốn tăng thêm là 68 triệu USD; 2 dự án ngoài khu công nghiệp là 10,1 triệu USD).
# VietinBank dành 40.000 tỷ đồng ưu đãi doanh nghiệp TP.HCM
Tại Hội nghị tổng kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cam kết tiếp tục tài trợ nguồn vốn 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp tại khu vực này trong năm 2015. Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu cho vay chương trình ngân hàng - doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh với mức lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp.
# Ngân hàng Quốc Dân báo lãi 75 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 của ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 75 tỷ đồng, nợ xấu giảm 58,48% so với đầu năm, chiếm 2,52% so với tổng dư nợ. Ngoài ra, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 36.867 tỷ đồng, tăng 26,8%; tổng nguồn vốn huy động và cho vay là 33.144 tỷ đồng và 16.641 tỷ đồng, cũng tăng lần lượt 29,91% và 23,49% so với cùng kỳ năm trước.
# SeABank hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn mua xe Mercedes-Benz
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) sẽ là đối tác tài chính chiến lược được Công ty trách nhiệm hữu hạn Mercedes-Benz lựa chọn để hỗ trợ các khách hàng có nhu cầu vay vốn mua xe Mercedes-Benz trên toàn quốc. Bên cạnh đó, SeABank sẽ là ngân hàng chính trả lương qua tài khoản và thực hiện các dịch vụ tài chính quốc tế cho Mercedes-Benz với chất lượng cao và nhiều ưu đãi. Việc hợp tác này sẽ cho ra đời sản phẩm độc đáo với tính năng ưu việt dành riêng cho khách hàng của Mercedes – Benz và SeABank.
# Còn hơn 4.000 tỷ đồng trong quỹ bình ổn xăng dầu
Số liệu chi tiết về số dư quỹ bình ổn giá (BOG) tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tính đến hết năm 2014 vừa được Bộ Tài chính công bố. Theo đó, đến ngày cuối cùng của năm trước, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp trên 4.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với lần công bố cuối quý III cùng năm.
Tin tài chính - kinh tế quốc tế ngày 30/1/2015
# Pháp: Kinh tế cần tăng trưởng tới 2% để hạ tỷ lệ thất nghiệp
Tin tài chính - kinh tế quốc tế 30/1: Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nhận định: nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cần tăng tốc nhịp độ tăng trưởng lên khoảng 1,5-2% mới có thể hạ tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức cao kỷ lục. Bộ Lao động Pháp công bố số lượng người thất nghiệp của Pháp đã vọt lên mức cao kỷ lục trong tháng 12/2014, tăng 0,2% so với tháng trước đó.
# Đầu tư nước ngoài vào Mỹ Latinh giảm sau 4 năm tăng liên tiếp
Sau 4 năm tăng trưởng liên tiếp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe giảm 19% trong năm 2014, xuống 153 tỷ USD, do hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) giảm 26% và đầu tư trong ngành công nghiệp khai khoáng suy yếu vì giá nguyên liệu đi xuống. Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) được công bố ngày 29/1, Mexico bị giảm mạnh nhất, với mức giảm tới 56%, xuống 22 tỷ USD.
# Giá cả tiêu dùng tại Đức đã giảm lần đầu tiên trong 6 năm
Số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) vừa cho hay giá cả hàng hoá và dịch vụ tại Đức trong tháng 1/2015 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu việc giá cả tiêu dùng của nước này giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009. Trước đó, tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 12/2014 là 0,2%.
# UNCTAD: Kinh tế suy thoái, FDI toàn cầu giảm 8% năm 2014
Tin tài chính - kinh tế quốc tế mới nhất: Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được công bố ngày 29/1, trong năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 8% xuống 1.260 tỷ USD do tình trạng "mong manh" của nền kinh tế thế giới, những rủi ro địa chính trị và các chính sách thiếu ổn định. Năm 2014, tuy với mức tăng khiêm tốn 3% lên 128 tỷ USD, nhưng Trung Quốc vẫn trở thành nước nhận FDI lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ trượt xuống vị trí thứ ba.
# Hy Lạp đệ trình kế hoạch kinh tế không kèm chính sách khắc khổ
Ngày 30/1, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ trình lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz một kế hoạch cải cách quy mô, nhằm tiến tới đàm phán lại về nợ quốc gia và chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" của nước này. Thủ tướng Alexis Tsipras khẳng định, Chính phủ Hy Lạp đã xây dựng được một kế hoạch khôi phục lại tăng trưởng kinh tế mà không cần phải áp dụng các biện pháp khắc khổ như 5 năm qua.
# IMF: Các cuộc xung đột đẩy kinh tế Gaza rơi vào suy thoái
Các cuộc xung đột giữa Israel với các tay súng Palestine tại Dải Gaza đã khiến nền kinh tế Palestine lần đầu tiên bị suy giảm kể từ năm 2006. Đây là nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về hậu quả xung đột tại Gaza đối với chính quyền Palestine trong một báo cáo công bố ngày 29/1. Theo IMF, trong khi kinh tế khu vực Bờ Tây tăng 4,5% trong năm ngoái, các hoạt động kinh tế của Gaza giảm khoảng 15% do các vụ không kích và nã đạn pháo dữ dội từ phía Israel nhằm vào dải đất này.
# Đức nâng mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2015
Chính phủ Đức vừa nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2015 lên 1,5%, cao hơn so với ước tăng 1,3% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nói: “Kinh tế Đức đã trở lại con đường tăng trưởng, bất chấp bất ổn địa chính trị trong năm 2014. Động lực kích thích kinh tế trong năm nay sẽ chủ yếu đến từ chi tiêu tiêu dùng nhờ giá hàng hóa thấp và mức lương gia tăng”.
Thanh Tùng (tổng hợp)