Thứ bảy, 02/11/2024 02:28     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ bảy, 24/06/2023 07:00

Tìm cha trong mỏi mòn cơ cực

Năm tôi mười ba tuổi, mẹ cho tôi đi tìm cha. Mẹ nói: “con là con gái đã lớn, con phải về để biết mặt kẻo lớn lên lấy nhầm người trong họ”. Đó là một ngày hè oi ả, nắng miền Trung với gió Lào bỏng rát, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cũ cọc cạch, qua những con đường với những hàng cây rũ lá.

Con đường từ nhà tôi đến nhà cha tôi cách một xã nữa, ngồi sau xe mẹ tôi tưởng tượng đủ thứ trong đầu. Tôi nghĩ đến cảnh được hồ hởi đón mừng, họ sẽ vây quanh tôi hỏi han đủ thứ, sẽ cho tôi tiền để mua sách vở, may quần áo cho năm học tới, sẽ quý mến đứa trẻ lạc loài từ lâu mới tìm lại được. Thỉnh thoảng, xe lọt xuống ổ gà hoặc leo lên mỏm đá khiến tôi bừng tỉnh những suy nghĩ miên man nhưng trong đầu vẫn chưa nguôi về viễn cảnh tươi đẹp.

Đến nơi, mẹ dừng xe ngoài đầu ngõ, chỉ cho tôi đó là nhà của cha, tôi lặng lẽ đi vào còn mẹ quay xe ra về với giao hẹn hai ngày nữa sẽ trở lại đón tôi. Cũng không nằm ngoài dự đoán, người ta truyền tai nhau và lũ lượt kéo đến nhà cha tôi để xem mặt tôi, sau màn chào hỏi, tôi đứng dựa lưng vào tường, hai tay khoanh ra sau để đón nhận những cái nhìn dò xét và từ tốn trả lời những câu hỏi han của mấy người hàng xóm, họ hàng. Khi họ kéo về hết, chỉ còn lại cha tôi, dì (mẹ kế) của tôi và ba đứa em cùng cha khác mẹ, chúng tôi bắt đầu bữa cơm đầu tiên cùng nhau, ngượng ngùng và rụt rè.

Lâu nay tôi được mẹ kể về cha, về những tháng ngày họ yêu nhau, lấy nhau cho đến ngày xẻ nghé tan đàn. Trong chiến tranh, cha mẹ tôi đều theo cách mạng, sau ngày giải phóng, họ được cho đi học và về công tác tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, ông nội kêu cha tôi bỏ việc về quê làm ruộng, mẹ tôi bụng mang dạ chửa theo cha cùng về. Vùng nông thôn miền núi đói khổ, cực nhọc, nhiều hủ tục, cha mẹ tôi bắt đầu lục đục.

hinh-anh-girl-co-don-25_120117548-4

Ảnh minh họa.

Với thương tật thời chiến tranh để lại, cha tôi không bình thường đã đánh đập mẹ tôi tàn ác, đến lúc không chịu nổi mẹ tôi đành phải ly hôn khi tôi chưa được hai tuổi. Cha tôi ra điều kiện phải để ông nuôi con thì ông mới ký đơn, vì muốn thoát khỏi cảnh đánh đập, mẹ tôi đồng ý. Nhưng sau đó, bà vẫn thường về thăm tôi, trong một lần xóm cha tôi có người làm nhà, cha cùng những người trong xóm đi giúp, mẹ tôi nhân cơ hội bế tôi bỏ trốn, lúc đó trời nhá nhem tối.

Bà không dám đi theo đường sẵn và bến sông vì sợ phát hiện, mẹ tôi băng qua cánh rừng trước nhà, lội qua con suối lởm chởm đá. Vì không quen địa hình và vừa lo sợ bị phát hiện, mẹ đã cõng tôi trên vai lội bừa và sập xuống dòng nước sâu, may mắn bám được cành cây để sang bờ bên kia, quần áo ướt sũng và xin được nhà bên đường cho trốn nhờ để sáng mai đi tiếp.

Cả nhà cha về thấy mất tôi. Họ hô hoán chia nhau đi tìm, có người phụ nữ thấy mẹ mang tôi đi ra hướng bờ sông, bà thương tình đánh lạc hướng rằng thấy mẹ tôi đi về phía ngược lại…. Tôi xa cha từ đó và bắt đầu cuộc sống lưu lạc cùng mẹ vì phải lẩn trốn sự truy tìm của cha. Có lẽ trong cuộc đời tôi, những năm tháng đó là khoảng thời gian duy nhất cha dành tình thương cho tôi.

Dòng họ bên ngoại thấy mẹ tôi nuôi tôi ai cũng xua đuổi. Lúc mới ly hôn, mẹ tôi bế tôi về họ hàng nhà ngoại xin tá túc nhưng ai cũng từ chối, họ sẵn sàng đóng sầm cái cửa rào bằng tre ngoài đầu ngõ và phũ phàng quay lưng với câu điều kiện “mẹ tôi phải trả tôi cho cha tôi thì họ mới nhìn mặt mẹ, nếu không thì mang tôi đi đâu thì đi”.

Trước sự truy lùng của cha, mẹ tôi khi thì trốn ngoài nghĩa địa, khi thì tá túc nhà hàng xóm. Cuối cùng, bà mang tôi đi khắp nơi cho đến năm 1991 mới dám về quê cũ.

Cuộc sống cơ cực đôi khi khiến con người ta hờn giận với chính bản thân mình, mẹ tôi vì quá khổ cực đã đâm ra thù oán cha tôi, vì những đòn roi trước đó ông gây ra với bà cùng cuộc sống lưu lạc sau này, nhìn tôi giống cha như đúc, mẹ tôi càng căm phẫn.

Mọi hằn học, bực dọc mẹ trút hết lên tấm thân bé nhỏ của tôi bằng những trận đòn thừa chết thiếu sống, trong tiềm thức, trong bản năng, mỗi lần bị đòn tôi ao ước có cha để can ngăn mẹ, trong đau đớn tôi muốn được hét lên hai tiếng “cha ơi!”.

Tôi lớn lên trong đói khổ, thiếu thốn và đòn roi của mẹ, trước những câu miệt thị “đồ con không cha” của người đời. Những lần xe đạp bị hỏng, tôi ước có dáng cha lom khom sửa lại cho mình như bao đứa trẻ khác. Tôi chơi thân với đứa bạn mồ côi mẹ từ nhỏ, cha nó nhất quyết không lấy vợ mà ở vậy để nuôi anh chị em nó lớn lên, mỗi lần đến nhà nhìn ông vụng về ngồi khâu vá quần áo cho chúng nó, tôi đã nuôi lớn trong tim mình hình ảnh người cha chưa từng gặp mặt.

Có lần nhà tôi sửa nhà, mấy người thợ coi thường mẹ góa con côi, vừa làm vừa chơi nên đến tối thì không xong việc, căn nhà xong phần vách nhưng mái ngói thì chưa lợp được. Đêm đó lo sợ không có chỗ ngủ nên khi thợ dọn dẹp ra về, tôi leo lên mái nhà, mẹ đưa ngói lên, tôi loay xoay tự lợp cho đến tận nửa đêm, tôi lại càng ao ước trong lòng nếu tôi có một người cha…

Mọi ao ước, mọi viễn cảnh về cha đã dần tắt khi hết hai ngày giao hẹn, mẹ đến đón tôi về, cha cũng không cho tôi đồng tiền hay cân gạo nào. Thỉnh thoảng sau đó tôi cũng có về nhà cha, có lẽ vì đã có mẹ kế, có những đứa em tôi nên tình cảm cha dành cho tôi nhạt nhẽo vô cùng.

Mỗi lần tôi về, cô em gái nhỏ cùng cha khác mẹ có nhiệm vụ lẽo đẽo theo tôi không rời, tôi lên nhà trên nó lên nhà trên, tôi xuống nhà dưới nó xuống nhà dưới, tôi ra sân nó ra sân, tôi vào nhà nó vào nhà với ánh mắt dò xét, canh chừng (có lẽ dì tôi dặn nó trông chừng kẻo tôi lấy hoặc cha lấy gì đó cho tôi!).

Lần cuối cùng tôi hy vọng về cha là năm 1999, khi tôi đỗ đại học. Thời đó, đỗ đại học là một niềm vinh dự lớn. Nhưng mẹ nói với tôi mẹ không có tiền để nuôi tôi ăn học, mẹ bảo tôi về cầu cứu cha tôi, nếu không được thì đành bỏ học.

Lại một buổi trưa hè bỏng rát, tôi về tìm cha với hy vọng cha sẽ là chiếc phao cứu sinh cho tôi bám vào để bơi hết bốn năm đại học. Tôi khẽ dựng xe vào gốc nhãn trước sân, rón rén bước vào nhà, cả nhà cha tôi đang ngủ trưa, cha nằm trên chiếc chõng tre gần cửa sổ. Tôi đứng tần ngần không dám gọi. Một hồi lâu, lấy hết can đảm, tôi gọi khẽ, cha ơi! Cha mở mắt ra nhìn tôi rồi “ờ” một tiếng, tôi run run đứng bên cạnh giường cha nói nhỏ: “con đậu đại học rồi cha à!”.

Cha tôi “ờ” thêm một tiếng nữa rồi quay mặt vào vách ngủ tiếp. Tôi buồn bã lặng lẽ bước xuống sân dắt xe đạp ra về, lòng tràn đầy tủi hờn, chông chênh trên con đường lởm chởm đá và cái nắng chói chang.

Kể từ đó, tôi không còn ước mơ có cha nữa, tôi quyết tâm đi học để xóa nỗi cơ cực của đời mình. Mỗi lần về thăm, nhìn cha chăm nom bế bồng các em, rồi con của các em mình, tôi chỉ biết trách hờn số phận mà không hề hy vọng vào sự giúp đỡ nào của cha nữa.

Rồi tôi bước vào cuộc hôn nhân của đời mình, đôi lúc bế tắc đến mức muốn ly hôn, muốn tự kết liễu cuộc đời mình nhưng rồi tôi nghĩ lại, tôi cố gắng gồng mình vượt qua, bởi tôi không muốn các con của mình lại tiếp tục hành trình “Tìm cha”.

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Lê Thị Bích Hà

Địa chỉ: Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, xã Tân Thanh - huyện Lâm Hà - tỉnh Lâm Đồng

Ban tổ chức  
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Nhận bài dự thi “Cha và con gái” đến 24 giờ hôm nay
Xem thêm