Thảo dược có hoàn toàn vô hại?
Ngay như nước đun sôi để nguội là một thứ tưởng chừng rất vô hại nhưng cũng có thể gây chết người...
Không có gì vô hại
Theo dược sĩ Trần Xuân Thuyết, tất cả các sản phẩm từ thực phẩm, thuốc men cho tới mỹ phẩm… không có gì là vô hại. Bất cứ sản phẩm nào cũng có độc tính. Hại hay không hại tùy thuộc vào liều lượng, thời gian dùng, cách dùng và tình trạng bệnh tật của người sử dụng.
Ngay như nước đun sôi để nguội là một thứ tưởng chừng rất vô hại nhưng cũng có thể gây chết người (người bị bệnh phù tim uống một cốc 200ml nước sôi để nguội có thể tử vong). Hay như muối bếp và đường trắng, hai chất tưởng như không có hại gì, cũng được gọi là 2 chất trắng giết người nếu như dùng nhiều (ăn quá mặn, quá ngọt) trong thời gian dài.
Muối bếp chỉ nên dùng tổng số 3-5g/ngày cho người lớn. Nếu ăn quá mặn sẽ hại thận, hại tim mạch, sinh bệnh cao huyết áp. Đường trắng và các sản phẩm có đường như: nước ngọt, kẹo, bánh ngọt… nếu ăn nhiều sẽ sinh bệnh “đường huyết”, đường huyết cao còn gọi là đái tháo đường hay tiểu đường loại II. Nếu không tích cực cứu chữa sẽ sinh nhiều biến chứng như mù loà, hoại tử chân...
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đó là chưa kể các loại “độc dược” như hạt mã tiền, củ ô đầu, vỏ hoàng nàn… có độc tính rất cao, chỉ cần uống nhầm vài gam là có thể “sang thế giới bên kia” một cách nhanh chóng.
Thảo dược cũng có thể bị nhiễm độc chất
Việc không biết sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hay biết nhưng vẫn dùng sai vì mục đích thương mại đã khiến cho các sản phẩm cây trồng bị nhiễm hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, đất trồng trọt không sạch do chất độc chiến tranh (dioxin) còn tồn đọng, do các chất thải độc hại từ những nơi sản xuất cũng góp phần tạo ra những sản phẩm cây trồng không sạch.
Nhiều người cứ thấy sản phẩm có gắn mác hoặc có nguồn gốc thảo dược là dùng vô tư vì cho rằng những thứ như vậy thường lành và vô hại. |
Một điều ít người biết nữa là bên cạnh dioxin chiến tranh, ngày nay đất đai vẫn tiếp tục bị nhiễm dioxin do các lò sản xuất thép, lò đốt rác, nơi súc rửa động cơ đốt trong… thải ra hàng ngày. Dioxin ngấm vào đất, bay vào không khí cũng là nguyên nhân khiến cho cây trồng bị nhiễm độc.
Ví dụ như cải bắp trồng trên những vùng bị nhiễm dioxin thường giữ dioxin tận trong tế bào và như vậy, dù chúng ta có rửa cách nào đi nữa thì dioxin vẫn còn nguyên trong cây cải bắp.
Ngoài những điều nêu trên, việc sử dụng quá nồng độ cho phép các hóa chất trong bảo quản cũng là một kênh đưa chất độc vào sản phẩm. Ví dụ, người ta thường chống mốc, mọt cho các thảo dược khô bằng cách xông hơi lưu huỳnh (SO2).
Nhưng liều lượng lưu huỳnh bao nhiêu để đảm bảo diệt được mốc mọt thì không ai dám chắc. Chỉ người có kinh nghiệm, cẩn thận, thông minh, mới làm được đúng, đủ liều, còn đại bộ phận là “thà thừa còn hơn thiếu”. Thừa SO2 cũng gây nhiễm độc cho thảo dược và ô nhiễm môi trường.
Quỳnh Nga