Tin lời ChatGPT, nam thanh niên 22 tuổi hốt hoảng đến viện xin phẫu thuật vùng kín
Đau tức vùng kín, chàng trai 22 tuổi không tới viện mà hỏi ChatGPT. Nhận được "chẩn đoán" phải mổ gấp để cứu tinh hoàn, cậu hốt hoảng chạy vào bệnh viện xin bác sĩ can thiệp ngay kẻo "mất khả năng làm cha".
Hoảng loạn vì "bệnh án" từ AI
Bác sĩ Mai Văn Lực, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu và Nam học, Bệnh
viện E (Hà Nội) cho biết, mới đây khoa tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt là nam
thanh niên 22 tuổi đến khám với tâm trạng vô cùng lo lắng, hốt hoảng. Theo đó, chàng trai liên tục gõ cửa phòng khám, mong muốn được xử lý gấp vì cho rằng, mình đang gặp tình trạng
nguy hiểm.
Ngay khi gặp bác sĩ, cậu lo lắng đến mức run rẩy và liên tục khẳng định mình bị xoắn tinh hoàn - một cấp cứu nam khoa có thể khiến mất tinh hoàn nếu không xử lý kịp thời. Vì hiểu mức độ nguy hiểm, bác sĩ Lực lập tức ưu tiên kiểm tra, mặc dù phòng khám đang đông bệnh nhân lớn tuổi chờ đến lượt.
Sau khi khai thác kỹ, bệnh nhân cho biết trước đó có cảm giác đau tức vùng bìu trái, nhưng thay vì đến viện, cậu đã hỏi ChatGPT. Công cụ AI này "chẩn đoán" rằng cậu bị xoắn tinh hoàn và cần phẫu thuật khẩn cấp để tránh hoại tử, thậm chí cảnh báo nguy cơ vô sinh.
Thông tin này khiến cậu hoảng loạn, ngay lập tức chạy đến viện, yêu cầu "can thiệp gấp".
Sau khi thăm khám kỹ lưỡng và siêu âm Doppler, bác sĩ xác định bệnh nhân không hề bị xoắn tinh hoàn mà chỉ bị giãn tĩnh mạch thừng tinh trái độ II - một bệnh lý không cần mổ cấp cứu và không nguy hiểm ngay lập tức. Bệnh nhân được kê thuốc, hướng dẫn theo dõi và tái khám định kỳ.

AI không thay thế được bác sĩ
Theo bác sĩ Lực, thời gian vàng để cứu tinh hoàn khi bị xoắn là 4–6 giờ đầu từ lúc xuất hiện đau cấp tính. Nếu được can thiệp kịp thời, khả năng bảo tồn tinh hoàn rất cao. Ngược lại, chậm trễ có thể dẫn đến hoại tử, phải cắt bỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản và tâm lý người bệnh.
Xoắn tinh hoàn thường xảy ra ở tuổi vị thành niên, phổ biến hơn vào mùa lạnh. Dấu hiệu điển hình gồm: đau bìu dữ dội một bên, cơn đau đột ngột, có thể kèm buồn nôn, nôn, bìu sưng đỏ, tinh hoàn có thể bị kéo lên cao.
Bác sĩ khuyến cáo: "Các thông tin trên mạng, kể cả từ AI, chỉ nên dùng để tham khảo. Người bệnh không nên tự chẩn đoán và đặc biệt không tự điều trị. Việc tự tin quá mức vào các công cụ trực tuyến không những gây hoang mang không cần thiết mà còn có thể khiến bỏ lỡ 'thời gian vàng' cứu chữa khi gặp bệnh lý nguy hiểm thật sự".
Bác sĩ nhấn mạnh, thay vì "tra Google" hoặc hỏi AI khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và điều trị chính xác.