Khoa học bác bỏ 10 quan niệm truyền miệng từng khiến thai phụ khổ sở
Trong hành trình làm mẹ, phụ nữ thường nghe đủ điều truyền tai từ người lớn trong gia đình, từ những lời răn truyền thống cho đến kinh nghiệm dân gian đầy cảm tính. Dù có thể xuất phát từ sự quan tâm và lo lắng, không ít quan niệm ấy lại đi ngược với y học hiện đại khiến thai phụ hoang mang, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của y học, các bác sĩ sản khoa đã có thể theo dõi thai kỳ bằng thiết bị siêu âm, xét nghiệm và các hướng dẫn chăm sóc bài bản. Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Những hiểu lầm về thái kỳ phổ biến nhất đã bị khoa học bác bỏ
Nhìn trăng tròn gây hại cho thai nhi
Ở nhiều nền văn hóa châu Á, có lời dặn rằng phụ nữ mang thai không nên nhìn trăng rằm vì sẽ sinh non hoặc gây chuyển dạ sớm. Tuy nhiên, hàng loạt nghiên cứu quy mô lớn đã xác nhận không có mối liên hệ nào giữa chu kỳ mặt trăng và thời điểm chuyển dạ.
Thậm chí nhiều thai phụ còn được khuyến khích đi dạo nhẹ dưới ánh trăng để thư giãn tinh thần. Một số quan niệm cực đoan hơn còn cho rằng không nên ăn gì trong lúc nguyệt thực, điều này càng nguy hiểm nếu người mẹ mắc bệnh lý như tiểu đường thai kỳ.

Ăn dâu tây khiến con sinh ra có vết bớt đỏ
Một trong những lời đồn phổ biến là “ăn dâu thì con có bớt màu đỏ giống quả dâu”. Thực tế, loại bớt đỏ thường gặp ở trẻ sơ sinh được gọi là u máu (infantile hemangioma), xuất hiện do sự tăng sinh bất thường của mạch máu dưới da, không liên quan đến thực phẩm.
Ngược lại, dâu tây là loại trái cây giàu vitamin C, tốt cho sức đề kháng, giúp hấp thụ sắt tốt hơn, miễn là ăn với lượng vừa phải.
Nhìn bụng bầu để đoán giới tính
Dáng bụng cao hay thấp, tròn hay nhọn... thường bị gán cho giới tính thai nhi. Cao là con trai, thấp là con gái hoặc ngược lại. Tuy nhiên, y học khẳng định hình dáng bụng không nói lên được giới tính của em bé.
Thay vào đó, dáng bụng phụ thuộc vào cơ địa người mẹ, số lần mang thai, vị trí thai nhi và độ giãn của thành bụng. Lần đầu mang thai, thành bụng săn chắc khiến bụng trông cao hơn. Ở những lần sau, bụng có xu hướng thấp hơn do cơ bụng đã giãn.
Bước qua dây thừng làm dây rốn quấn cổ
Một quan niệm sai lầm khác là nếu bà bầu bước qua dây thừng hoặc giơ tay lên cao, dây rốn sẽ quấn vào cổ em bé, tình trạng y học gọi là “dây rốn quấn cổ” (nuchal cord).
Tuy nhiên, hiện tượng này phần lớn là do chuyển động của thai nhi trong tử cung hoặc do chiều dài dây rốn bất thường. Không có hành vi bên ngoài nào của người mẹ có thể khiến dây rốn bị cuốn như vậy. Hơn nữa, dây rốn quấn cổ không phải lúc nào cũng nguy hiểm và có thể được phát hiện kịp thời qua siêu âm.
Không được cắt hoặc nhuộm tóc khi mang thai
Nhiều bà bầu được khuyên kiêng cắt tóc vì cắt tóc sẽ khiến con bị tật ở mắt, hoặc không nên nhuộm tóc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Thực tế, việc cắt tóc không ảnh hưởng gì đến sức khỏe mẹ hay bé, thậm chí còn giúp mẹ cảm thấy tươi mới và thoải mái hơn.
Riêng việc nhuộm tóc có thể cần cân nhắc trong 3 tháng đầu thai kỳ, do đây là giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi và nên hạn chế tiếp xúc hóa chất. Nếu muốn làm đẹp, hãy hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa để đảm bảo an toàn.
Viêm vú thì phải ngừng cho con bú để mau khỏi
Viêm vú là tình trạng nhiễm trùng tuyến vú thường gặp trong 3 tháng đầu sau sinh, khiến mẹ bị sốt, đau, sưng tấy vùng ngực. Một số người nghĩ rằng nên ngừng cho con bú để tuyến vú “nghỉ ngơi”, nhưng điều này lại khiến tình trạng viêm nặng thêm.
Trên thực tế, tiếp tục cho bé bú hoặc hút sữa đều đặn giúp thông tuyến sữa, giảm ứ đọng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Tất nhiên nên kết hợp theo dõi sát sao và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mang thai con trai thì xinh hơn
Một quan niệm hài hước nhưng khá phổ biến là mẹ bầu mang thai con trai thì da đẹp, mặt mũi sáng sủa còn nếu là con gái thì “con gái hút hết nét đẹp của mẹ”. Dưới góc độ y học, sắc vóc của mẹ bầu chịu ảnh hưởng bởi hormone, thể trạng, chế độ ăn, nghỉ ngơi và cả tinh thần.
Hiện tượng “bà bầu phát sáng” thực chất là do tăng tuần hoàn máu và thay đổi, không liên quan gì đến giới tính thai nhi.
Vỡ ối là phải chảy nước ào ào
Hình ảnh vỡ ối ào ạt thường thấy trong phim ảnh khiến nhiều bà bầu tưởng rằng cứ vỡ ối là phải chảy ào ào. Thực tế, nước ối có thể chỉ rỉ nhẹ, nhỏ giọt hoặc đơn giản là cảm giác ẩm ướt âm đạo.
Dù là rỉ rả hay ào ạt, vỡ ối là dấu hiệu sắp chuyển dạ và bất cứ khi nào xảy ra, bà bầu cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và theo dõi.
Nằm ngửa gây hại cho em bé
Khi bụng lớn, nhiều mẹ cảm thấy nằm ngửa không thoải mái hoặc nghe lời khuyên nên tránh tư thế này vì có thể gây ngạt cho thai nhi. Đây là quan điểm có phần đúng.
Theo các chuyên gia, nằm ngửa lâu trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ có thể gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai. Tuy nhiên, việc nằm ngửa trong thời gian ngắn không gây nguy hiểm. Tư thế ngủ tốt nhất là nghiêng trái giúp tối ưu tuần hoàn và giảm áp lực lên tử cung.
Ăn đồ cay có hại cho thai nhi
Một số bà bầu được khuyên tránh xa đồ cay vì lo sợ ảnh hưởng đến bé. Thực tế, thức ăn cay không gây hại trực tiếp cho thai nhi nhưng có thể khiến mẹ bị ợ nóng, đầy hơi, vốn đã là tình trạng phổ biến trong thai kỳ.
Nếu cơ thể dung nạp tốt, mẹ bầu hoàn toàn có thể thưởng thức món cay nhẹ nhàng với điều kiện không lạm dụng.
Mang thai là một hành trình vừa thiêng liêng vừa nhạy cảm. Điều quan trọng nhất là hãy dựa vào kiến thức y khoa đã được kiểm chứng và lắng nghe cơ thể mình. Những điều được truyền lại từ thế hệ trước có thể mang giá trị văn hóa, nhưng không phải lúc nào cũng đúng.