Người đàn ông ngừng tim nghi do điện giật khi đang sửa bồn nước
Đang sửa bồn nước, người đàn ông 66 tuổi bất ngờ gục ngã, bất tỉnh, trên cơ thể xuất hiện nhiều vệt cháy nghi do điện giật.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa kịp thời cứu sống ông N.P.T (66 tuổi, Hà Nội) sau khi bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn, nghi do điện giật khi đang sửa bồn nước trên tầng thượng.
Theo thông tin từ gia đình, khoảng 15 phút trước khi được phát hiện, ông T. đang sửa bồn nước thì bất ngờ bất tỉnh. Khi người thân tìm thấy, ông đã mất ý thức hoàn toàn, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Mặc
dù không ai chứng kiến trực tiếp sự việc, nhưng qua các dấu hiệu lâm sàng như hôn mê sâu (G3 điểm Glasgow), không bắt được mạch và huyết áp, đồng tử hai bên giãn đều 5 mm, không có phản xạ ánh sáng. Đặc biệt, trên cơ thể xuất hiện nhiều vệt cháy ở hai gối, mu bàn tay, quanh rốn và đầu dương vật, các
bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhân bị ngưng tim theo dõi do điện giật.

Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp khoa Cấp cứu nhanh chóng khởi động quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn: ép tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenaline, đặt ống nội khí quản và sốc điện hai lần. Sau 30 phút nỗ lực không ngừng, tim bệnh nhân đã đập trở lại. Tuy nhiên, ông T. rơi vào tình trạng toan chuyển hóa nặng, kali máu cao và phải duy trì hai loại thuốc vận mạch hỗ trợ tuần hoàn.
Các bác sĩ đã quyết định áp dụng hồi sức nâng cao, kết hợp thở máy, lọc máu liên tục và hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não bộ, giảm nguy cơ tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Nhờ điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã có tiến triển khả quan: đồng tử trở lại bình thường, có phản xạ, ngưng thuốc vận mạch và ngừng lọc máu. Các bác sĩ đang giảm dần thuốc an thần để đánh giá ý thức trong những ngày tới.
ThS.BS Lê Sơn Việt, khoa Cấp cứu, cho biết: “Đây là ca bệnh có nguy cơ di chứng thần kinh rất nặng nề sau ngừng tuần hoàn. May mắn, hiện tại bệnh nhân đang dần ổn định. Tuy nhiên, việc hồi phục hoàn toàn vẫn cần thêm thời gian và theo dõi sát".

Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, điện giật trong sinh hoạt gia đình tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Người dân tuyệt đối không được chủ quan khi thao tác sửa chữa điện, đặc biệt ở những vị trí cao như mái nhà, bồn nước.
Trước khi sửa chữa, cần ngắt hoàn toàn nguồn điện (cắt cầu dao hoặc aptomat), tay và chân phải khô ráo, đứng trên nền không ẩm ướt và sử dụng đầy đủ dụng cụ cách điện như găng tay, kìm, tua vít chuyên dụng. Tuyệt đối không được trèo lên cao để kiểm tra hệ thống điện khi chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Các thiết bị điện hư hỏng, cũ nát hoặc nghi có rò rỉ cần được kiểm tra và thay thế kịp thời. Ngoài ra, người dân nên kiểm tra, bảo trì hệ thống điện định kỳ để giảm thiểu nguy cơ sự cố.
Bác sĩ Việt lưu ý, nếu phát hiện người bị điện giật, điều quan trọng đầu tiên là phải giữ bình tĩnh, nhanh chóng ngắt nguồn điện hoặc dùng vật cách điện (gậy gỗ, cán chổi…) để tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào nạn nhân.
Ngay lập tức gọi cấp cứu 115 và kiểm tra phản ứng của nạn nhân. Nếu nạn nhân không còn mạch và không thở, người hỗ trợ (nếu đã được hướng dẫn kỹ năng) cần thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo cho đến khi đội cấp cứu đến.
Với những nạn nhân còn tỉnh, nên đặt nằm yên, giữ ấm và theo dõi liên tục cho đến khi nhân viên y tế đến. Tuyệt đối không đổ nước lên người bị nạn và hạn chế di chuyển trong trường hợp nghi ngờ chấn thương cột sống.