Lập trình viên 23 tuổi phải điều trị tâm thần vì “ám ảnh cuộc họp”
“Cứ nghe đến họp là tim em đập loạn, tay chân bủn rủn, chỉ muốn biến mất” - đó là lời chia sẻ đầy ám ảnh của H. (23 tuổi, Hà Nội), một lập trình viên trẻ đang phải điều trị tâm thần vì hội chứng sợ họp.
Ở tuổi mà nhiều người còn say mê khám phá công việc, gặp gỡ đồng nghiệp để học hỏi và phát triển, H. (23 tuổi) lại sống trong trạng thái căng thẳng tột độ chỉ vì... các buổi họp.
Với tính cách cầu toàn, kỹ tính và luôn tự đặt áp lực hoàn hảo cho bản thân, H. không chỉ tự biến mỗi cuộc họp thành “kỳ thi khắc nghiệt” mà còn biến chính mình thành “tù nhân” của nỗi sợ hãi vô hình.
Ban đầu, H. chỉ thấy hồi hộp nhẹ mỗi khi phải báo cáo trước sếp. Nhưng rồi, sự lo lắng dần xâm chiếm toàn bộ cuộc sống như tim đập nhanh, cảm giác nghẹn ở cổ, trào ngược dạ dày, choáng váng, mất thăng bằng. Sợ hãi, anh đi khám khắp nơi từ tiêu hóa, tim mạch đến thần kinh nhưng kết quả hoàn toàn bình thường.
Khi không tìm được “tên” cho bệnh, H. càng hoảng loạn, lo lắng. Anh từ bỏ những buổi dã ngoại, tránh xa bạn bè, mất ngủ, giảm năng suất làm việc và dần đánh mất niềm vui sống.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E (Hà Nội), H. là điển hình của rối loạn dạng cơ thể, một dạng rối loạn tâm thần thường gặp ở những người trẻ trí thức, có xu hướng kiểm soát, lo xa và khao khát mọi thứ phải hoàn hảo.
Bác sĩ Chung phân tích: “Nỗi lo của bệnh nhân không chỉ nằm ở sức khỏe thể chất, mà còn ẩn sâu trong nỗi ám ảnh bị đánh giá, bị phán xét và không hoàn thành kỳ vọng của người khác. Khi không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến suy sụp tinh thần, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, thậm chí mất khả năng hòa nhập xã hội.”
Để điều trị cho H., bác sĩ đã áp dụng liệu pháp nhận thức – hành vi, giúp anh học cách nhận diện và điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực, giảm dần nỗi sợ “bị soi”, “bị phán xét”. Đồng thời, các bài tập thư giãn, vận động thể chất nhẹ nhàng, kỹ năng điều hòa cảm xúc và việc học cách chấp nhận sự không hoàn hảo được đưa vào liệu trình.
Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân được hỗ trợ thêm thuốc chống trầm cảm liều thấp, song song với tư vấn tâm lý định kỳ. Quan trọng nhất, H. cần học cách thiết lập ranh giới công việc, cân bằng giữa trách nhiệm và chăm sóc bản thân, điều tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng khó khăn với người cầu toàn.
Bác sĩ Chung khuyến cáo, rối loạn dạng cơ thể đang trở thành “kẻ thù thầm lặng” của giới trẻ hiện đại, nhất là trong môi trường công sở khắc nghiệt, nơi “deadline” và “chỉ tiêu” luôn đè nặng. Nếu không được can thiệp sớm có thể gây hậu quả tâm lý và xã hội nghiêm trọng. Tình trạng này phổ biến ở những người trẻ có áp lực công việc cao và tính cách cầu toàn.
Để điều trị hiệu quả, cần sự phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, bác sĩ đa khoa và nhà tâm lý trị liệu, đảm bảo tiếp cận toàn diện, giúp bệnh nhân phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống.