Thứ năm, 09/05/2024 18:14
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ năm, 08/02/2024 14:46

Tết sớm ở bản Dao vùng biên giới Quảng Ninh

Tết của dân tộc Dao ở Bình Liêu, Quảng Ninh (Thanh Phán và Thanh Y) diễn ra sớm hơn, khác biệt với Tết của đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn. Từ rất lâu, bà con người Dao nơi đây có cách tính riêng về lịch ăn Tết, cách Tết Nguyên đán của cả nước khoảng nửa tháng – phong tục đón Tết sớm.

Ngay từ giữa tháng Chạp, khi những cành đào đua nhau khoe sắc tô điểm thêm cho các bản làng cũng là thời điểm nhà nhà của bà con người Dao trên địa bàn huyện rộn ràng đón Tết sớm. Tết sớm của người Dao nơi đây không ồn ào náo nhiệt, mà bình dị, mộc mạc, đầm ấm, chân tình.

binh lieu

Mâm cỗ thường là những sản vật do người dân tự nuôi trồng

Theo lời mời của anh Chìu Quay Chầu – Thôn Kéo Chản, xã Đồng Tâm, mặc dù đây không phải là lần đầu được đón Tết sớm cùng bà con, nhưng mỗi lần tham dự tại một dòng họ, chúng tôi lại có cảm giác mình cũng là những đứa con đi xa lâu ngày trở về nhà sum vầy, được mọi người chào đón niềm nở.

Anh Chầu cho biết, bà con người Dao nơi đây vẫn lưu giữ được phong tục đón Tết sớm, mà để Tết sớm được tổ chức phải bắt đầu từ nhà trưởng họ (nhà tổ) rồi mới về từng nhà riêng tổ chức sum vầy. Từ rằm tháng Chạp trở đi, tùy theo dòng họ sẽ nhờ thầy cúng chọn ngày đẹp (ngày đẹp ở đây được tính theo cách chọn ngày của thầy cúng) để tổ chức ăn Tết tại nhà tổ - nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao. Ngày tổ chức được thông báo tới các gia đình trong dòng họ. Mỗi gia đình khi đến ăn Tết sớm sẽ mang theo lễ vật như gà, thịt lợn, rượu, gạo nếp, hương, giấy vàng... đến góp hoặc góp tiền để cùng nhau tổ chức đón Tết.

Mâm cỗ cúng của đồng bào dân tộc Dao rất đơn giản, là những nông sản bình dị mà nhà nuôi, trồng được như gà, thịt lợn, bánh chưng, rau xào, cơm để chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tại nhà tổ, mỗi người được phân công, sắp xếp công việc cho phù hợp. Thông thường, chị em phụ nữ nấu cơm, nhặt rau, chế biến gia vị, làm các món ăn truyền thống; cánh đàn ông, thanh niên khỏe mạnh thì mổ lợn, thịt gà; người già thì giúp thầy cúng cắt vàng mã, sắp xếp đồ lễ.

binh lieu 1

Ngoài mâm cúng trong nhà, còn có mâm cúng ngoài sân để cảm tạ trời đất đã cho mưa thuận, gió hòa

Ông Chìu Quay Phùng – Thôn Kéo Chản, xã Đồng Tâm chia sẻ thêm: “Theo tục lệ của người Dao chúng tôi, Tết ở đây thường bắt đầu từ 15 tháng Chạp đến 30 tháng Giêng. Mọi người quan niệm, mình đã mời tổ tiên xuống giúp bảo vệ nhà cửa, mùa màng trong một năm (thực hiện ở nghi lễ đầu năm mới), thì đến cuối năm thì phải có lễ tạ ơn.

Bình thường các hộ gia đình trong thôn tổ chức cũng sẽ mời những người hàng xóm thân thiết, gần nhà nhau như chúng tôi cùng tham dự Tết sớm cùng với dòng tộc của họ. Thông qua mâm cỗ Tết sớm anh em họ hàng sẽ cùng nhau chia sẻ về thành quả gặt hái của mỗi gia đình sau một năm lao động vất vả, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển kinh tế trong năm tiếp theo”.

Điểm khác biệt nữa trong thực hiện các nghi lễ cúng tổ tiên của dân tộc Dao Thanh Phán so với các dân tộc khác là tiền vàng. Thay vì mua tiền vàng, con cháu trong nhà tỉ mẩn chuẩn bị từng xấp giấy màu vàng, được làm từ vỏ cây keo, sau đó đóng dấu bằng dầu đen để tổ tiên có “lộ phí” về nhà.

Khi tất cả lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng được gia đình mời về, đại diện cho gia chủ báo cáo những việc đã làm trong năm qua, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho các thành viên trong dòng họ và cầu cho năm mới may mắn, bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Sau khi làm lễ xong, chủ nhà đem vàng tiền hoá cho tổ tiên, lễ vật được mang xuống bày ra mâm cho con cháu cùng hưởng lộc.

binh lieu 2

Sau nghi thức cùng con cháu trong dòng tộc sẽ cùng thụ lộc

Cũng giống như bà con Dao Thanh Phán, từ rằm tháng Chạp trở đi, các dòng học dân tộc Dao Thanh Y trên địa bàn huyện lại tất bật các công đoạn dọn dẹp nhà cửa và gọi anh em, bạn bè đến giúp các nhà tổ thịt lợn, thịt gà, gói bánh để cùng dòng họ đón Tết sớm. Không khí ấm cúng, thắm tình đoàn kết thôn bản đã xua đi cái giá lạnh của thời tiết, chỉ còn tiếng nói, tiếng cười rộn rã, vui tươi của bà con sau một năm làm việc vất vả được quây quần cùng nhau đón Tết.

Bên bếp lửa hồng, những người dân bản Dao miền núi biên giới Bình Liêu lại cùng nhau quây quần bên mâm cỗ Tết ấm tình đoàn kết, đượm nồng hương sắc của mùa xuân. Họ gửi gắm không chỉ là những mong ước đầu xuân mới, hy vọng về cuộc sống đổi thay sung túc, tiến bộ hơn mà còn chứa đựng cả tình yêu, niềm trân trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống quê hương.

Những năm gần đây, mặc dù có sự tiếp thu, giao thoa, hội nhập văn hóa từ các dân tộc khác, nhưng người Dao ở Bình Liêu (Thanh Phán và Thanh Y) vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. "Tết sớm" từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, mang vốn riêng có của con người Dao trên vùng đất biên cương này.

Hoàng Gái  
Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường
Cô gái Lào 'hồi sinh' trên giường bệnh viện Bạch Mai
Hình ảnh ấn tượng tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bật điều hòa trước hay sau khi đóng cửa?
Chuyện rơi nước mắt sau ngôi mộ 2 chị em người Trung Quốc trôi dạt vào biển Hà Tĩnh
Tài xế và thức uống bổ sung năng lượng luôn đồng hành trong mỗi chuyến đi
Dùng xe cút kít vận chuyển gần 12.000kg lương thực tiếp tế chiến dịch Điện Biên Phủ
Bỏ chứng khoán đầu tư... đồng hồ Rolex
Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Giải Golf Lương Văn Can
'Đêm thương hội' trao giải Giải Golf Lương Văn Can: Nhiều giá trị để lại
Chiêm ngưỡng bức tranh Panorama toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ rộng hơn 3.200m2
Sút cân, nuốt vướng, cụ ông 67 tuổi không ngờ mình mắc bệnh hiểm
Công việc nhàm chán gây mất 37% trí nhớ sau tuổi 70
Chán cảnh nghỉ lễ dài ngày rồi lại làm bù
'Siêu phủi' Racheen Bello dự giải bóng đá 7 người tỉnh Thanh Hóa
Già hóa dân số tại Việt Nam: Phụ nữ cao tuổi chịu nhiều ảnh hưởng nhất
3 bước từ bỏ Google
Học viện cưỡi ngựa Hoàng Gia ghi danh Việt Nam lên bản đồ môn thể thao quý tộc thế giới
Gần 1.500 công trình đề cử tham gia giải thưởng VinFuture 2024
Lên núi Thạch Bàn tận mắt xem nơi tiên đánh cờ
Xem thêm