Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường
Anh nông dân chân chất Lô Văn Quyền tại huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An không ngần ngại hiến tặng hơn 4.000m2 đất để gieo ước mơ con chữ, giúp đường đến trường của con em bản làng vơi bớt gian nan.
Vượt quãng đường hơn 200 km từ TP.Vinh, ngồi xe ôm gần nửa ngày trời băng qua những con đường sỏi đá bên núi bên vực với vô số khúc cua tay áo, chúng tôi tìm đến nhà Lô Văn Quyền tại bản Nậm Xái, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền khi ánh hoàng hôn vừa chìm khuất sau những dãy núi mờ xa, Quyền chỉ tay về phía thanh niên chạy xe ôm đang trở ngược ra thị trấn sau chuyến khách muộn, thủng thẳng: "Các anh khá liều. Ông đó được mệnh danh "tổ lái" khét tiếng tại địa phương, "chuyên trị" những cung đường rừng hiểm nguy rình rập".
Đêm tại bản Nậm Xái tĩnh lặng, thi thoảng chỉ nghe tiếng gà rừng. Bên bát nước chè dạo, đôi mắt Lô Văn Quyền long lanh. Ký ức những ngày hiến đất xây trường chưa xa chầm chậm ùa về.
"Mảnh đất này trước đây biệt lập với thế giới bên ngoài. Không điện, không đường, không ánh sáng văn minh, không con chữ" - Quyền bắt đầu câu chuyện. Bóng tối bao trùm, phủ màn đêm và nỗi cơ cực lên những phận đời lam lũ.
Nụ cười thường trực trên môi anh nông dân 2 lần hiến đất xây trường
Dân Nậm Xái chừng 25 năm trước thiếu thốn trăm bề. Miếng ăn thường nhật còn cơ cực, thì hành trình đi tìm con chữ quả không dễ dàng. Muốn đi học, con em dân bản phải mất nửa ngày trời cùng bố mẹ dắt díu băng qua con suối Nậm Xái gập ghềnh, dòng sông Quàng hiểm trở để đến được trung tâm xã. Sự học quá gian nan, lâu dần thành nản. Các thế hệ dân bản cứ thế lớn lên mà không biết "mặt mũi" con chữ nó ở phương nào.
"Như em đây... số đỏ, được bố mẹ gửi ra xã Cắm Muộn ở nhờ nhà một người bà con, thành ra... biết chữ" - Quyền cười.
Sự học của các thế hệ trẻ thơ Nậm Xái có lẽ cứ thế mịt mờ như màn sương giăng những đêm mưa rẻo cao buồn heo hút nếu không có một thông tin "chấn động" vào năm 2014. Một nhà tài trợ tại TP.Vinh đang tìm hiểu để xây một điểm trường tiểu học tại xã Quang Phong. Địa điểm được chọn là bản Nậm Xái.
Tin vui ập đến như "sấm ngang tai". Quyền lúc này đang là Phó Bí thư Chi bộ kiêm phó bản Nậm Xái. Gần tuần liền anh nông dân hồn hậu vùng biên mừng đến mức mất ăn mất ngủ. Điểm trường cũ bên suối Nậm Xái đã xuống cấp trầm trọng. Những ngày mưa lũ, thầy cô và học sinh không thể đến trường vì quá hiểm nguy.
"Ngày vui ngắn chẳng tày gang", hôm đoàn tài trợ về khảo sát, họ lắc đầu ái ngại. Vị trí tại điểm trường cũ không đảm bảo yêu cầu. "Tối hậu thư" được đưa ra, nếu không có vị trí mới họ sẽ chuyển đi xây trường cho địa phương khác. Quyền hay tin, như mấy hôm trước, lại... mất ăn mất ngủ. Lần này vì buồn, thất vọng. Con em dân bản phải đi học xa, địa điểm lại xuống cấp. Giờ gói tài trợ xây trường vừa loé lên lại vụt xa tầm với. Vợ Quyền thấy chồng buồn bã mấy tuần liền, người gầy rộc, tóc lấm chấm bạc lại lo chồng đổ bệnh.
Dân bản Nậm Xái từ ngày hay tin hụt mất gói xây trường, sáng sáng thấy Quyền một mình buồn rầu ngồi bó gối ở đồi keo trước nhà, đôi mắt vô hồn ngó về phía mảng rừng trọc và xác xơ trước mắt. Mảnh đất trên đồi của gia đình Quyền bằng phẳng, vị trí đẹp. Năm 2012, Quyền mạnh dạn bỏ ra 10 triệu đồng, con số khá lớn so với mức thu nhập dân nghèo bản địa, mua hơn 1.000 cây keo giống về trồng.
"Hay mình hiến tặng mảnh đất này để xây trường cho các cháu?" - Quyền nghĩ rồi giật bắn người, cảm giác như tìm ra ánh sáng nơi cuối con đường mòn bế tắc. Quên cả xỏ dép, Quyền lao thục mạng trên những con đường ngoằn ngoèo sỏi đá hối hả về nhà bàn với vợ, ngờ đâu chị Vi Thị Lan không mất đến 10 giây suy nghĩ, gật đầu đánh rụp.
Vậy là 3.650m2 đất được cặp vợ chồng nhân hậu miền biên viễn hiến tặng làm trường không chút đắn đo.
Lô Văn Quyền bên điểm trường được anh hiến đất
Hành trình lan toả giá trị sống của anh nông dân chân chất xứ rẻo cao chưa dừng lại. Năm 2017, Lô Văn Quyền thời điểm này là Bí thư Chi bộ bản Nậm Xái, khi hay tin một nhà tài trợ tại Hà Nội muốn xây điểm trường mầm non tại bản đã không ngần ngại hiến tặng thêm 500m2 đất.
"Nói thật sau khi hiến đất làm trường gia đình đã không còn đất rừng sản xuất, cuộc sống khá khó khăn, chỉ trông chờ vào phụ cấp của tôi và hơn 2.000m2 ruộng nước. Nhưng tôi rất vui, và chưa bao giờ hối tiếc. Vì lợi ích trăm năm trồng người a ạ” - Quyền cười hiền.
Bí thư Đảng ủy xã Quang Phong, ông Vi Thái Điệp cho hay nghĩa cử hiến đất xây trường của anh Lô Văn Quyền thực sự ý nghĩa và ấm áp, được chính quyền địa phương, người dân bản địa hết sức cảm kích, khâm phục.
"Tấm lòng của bí thư chi bộ Lô Văn Quyền có sức lan toả, vì con em dân bản, vì sự nghiệp trồng người” - ông Điệp chia sẻ.
Rời Nậm Xái trong chiều muộn, dưới cơn mưa rừng phảng phất hơi sương miền biên giới. Tôi ngó lại, thấy Lô Văn Quyền đứng ở điểm trường gia đình anh hiến đất, gương mặt ướt nhoè, ánh mắt long lanh trìu mến nhìn đám em thơ phút tan trường.
"Hết đất rồi. Có tôi còn hiến nữa"... Câu nói của Quyền lúc chia tay nghe đâu đó văng vẳng bên tai!
-> Chuyện rơi nước mắt sau ngôi mộ 2 chị em người Trung Quốc trôi dạt vào biển Hà Tĩnh