Cha nghèo lo sợ con gái học nhiều... ế chồng
Tác giả Nguyễn Thị Thương kể, cha cô sợ con gái học nhiều ế chồng nhưng kỳ thực trên chiếc xe đạp cà tàng ông đã mang cho con gái từng cơm nắm, bơ gạo, dăm ba quả trứng và "không cho phép" con được bỏ bất cứ cuộc thi nào.
"5 ngôn ngữ tình yêu" là một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Gary Chapman. Trong đó, khái niệm "ngôn ngữ" trong tình yêu không chỉ là những lời nói mà còn có hành động quan tâm, khoảng thời gian ý nghĩa, những món quà, giao tiếp cơ thể.
Với văn hóa Á Đông nói chung hay người Việt nói riêng, việc nói lời yêu thương không phải điều dễ dàng, nhất là thế hệ đi trước. Mẹ không nói “Mẹ yêu con lắm!”, cha cũng chẳng bảo “Cả nhà mong con về!”, nhưng tất cả tình yêu thương ấy luôn gom góp, chắt chiu yêu thương bằng những quan tâm giản dị đời thường.
Dẫu vậy, thật khó để những đứa trẻ thuở ngây dại cảm nhận được hết tình cảm gửi gắm trong những hành động của cha mẹ. Chỉ đến tận khi trưởng thành, con mới chợt nhận ra những gì tốt nhất cha mẹ đều dành cho con.
Trong số các tác phẩm gửi đến cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 do Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức, tác phẩm “Cha tôi!” của tác giả Nguyễn Thị Thương (Nghệ An) khắc họa lại những tháng năm khó khăn, vất vả, khi mà cái đói, cái nghèo còn len lỏi trong từng căn nhà, trong mỗi bữa cơm khiến Ban tổ chức cuộc thi không khỏi xúc động.
Tác giả chia sẻ, bản thân sinh ra và lớn lên ở nông thôn, có biết bao thứ suy nghĩ lạc hậu cứ vây bủa lấy thân phận con gái: "Con gái học chi lắm, lo học rồi ế chồng cho coi”.
Thế nhưng, người cha nông dân chân lấm tay bùn vùng quê nghèo lam lũ lại dám vượt lên những định kiến thuở bấy giờ để yêu thương và nuôi nấng con gái theo cách của riêng mình.
“Con đường học hành của tôi gắn liền với hành trình những chuyến thi cử. Mỗi năm bao nhiêu là cuộc thi, thi học sinh giỏi các cấp, thi vào trường chuyên. Cha vừa phải lo cho tròn công việc chung của làng xã, lại vừa đảm đương cái nhiệm vụ đưa đón con đi thi đây đó. Với một chiếc xe đạp cà tàng, cha chở tôi băng từ huyện này qua phố khác. Về trong ngày thì mang theo một đùm cơm nắm, đi qua ngày thì mang theo vài bơ gạo, dăm ba quả trứng. Khó khăn không nói hết, nhưng cha không cho phép con được bỏ bất cứ cuộc thi nào.”
Trưởng thành giữa những ngày gian khó, có những bữa cơm chẳng đủ no, người cha ấy lại lầm lũi nhặt từng củ khoai, củ sắn về cho con chống đói qua ngày.
“Tôi còn nhớ, có lần sau bữa ăn , mấy đứa con vẫn kêu đói. Vậy là cha đi tìm được một mớ sắn củ, về luộc cho con ăn tiếp . Và rồi đêm đó cha không ngủ. Lâu lâu cha lại đi lay từng đứa một, chỉ để hỏi “con có bị mệt hay đau chi không”. Thì ra, vì không nỡ để con phải đói, mà cha lại ôm nỗi lo các con bị say sắn.”, tác giả Nguyễn Thị Thương kể lại.
Câu chuyện về những ngày gian khó tưởng như đã cũ nhưng cảm xúc thì vẫn luôn vẹn nguyên trong lòng mỗi người con. Cùng chung dòng hồi tưởng ấy, bài dự thi “Ký ức về những chiếc vòng chun” của tác giả Nguyễn Vỹ Yến (Đắk Lắk) mang đến câu chuyện thật đặc biệt về bát bún bò thơm nức giữa những ngày khốn khó.
Tác giả kể, tuổi thơ của mình gắn liền với những hành trình rong ruổi từ phố huyện lên thành phố Buôn Ma Thuột trên chiếc xe đạp Favorit của cha. Cứ mỗi lần vào đến chợ Buôn Ma Thuột, cha của tác giả đều vào hàng bún mua đúng một kilogam bún. Sau đó, hai cha con mới dắt nhau vào hàng bún bò.
“Lúc đó tôi chỉ biết cắm đầu ngấu nghiến bát bún bốc khói thơm nức mà không hề thắc mắc vì sao cha đưa tôi đến chợ để mua một kilôgam bún rồi lại mang vào cửa hàng mua một bát bún. Hóa ra hồi ấy bún bánh là món quà xa xỉ đắt đỏ, cha không đủ tiền để mua bát đại ăn đủ cho cả hai cha con nên đã nghĩ ra cách mua thêm bún.”
Vậy là bao nhiêu yêu thương con gái, bao nhiêu yêu thương gia đình, cha đều góp lại để dành cho con. Cha cho con món ngon nhất, cho con toàn phần hơn nhưng chẳng kể lời nào. Tình cảm ấy có lẽ còn được cảm nhận rõ nét hơn bởi những người con phải sống xa nhà.
Từ Thừa Thiên Huế, tác giả Hồ Thị Như Thủy chia sẻ lại những khoảnh khắc đầy xúc động khi xa gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp năm 23 tuổi trong tác phẩm “Nốt lặng cuộc đời ghi nhớ nặng tình cha”.
Nhớ lại đêm cuối ở nhà trước khi vào Sài Gòn, tác giả viết: “Thu xếp quần áo, loay hoay quên thứ này thứ nọ, vào ra vẫn thấy cha thao thức, lủi thủi tới lui nhấp ngụm trà nguội, con bất giác bật hỏi, cha ậm ừ lôi cái bọc ni lông quấn chặt ba bốn lớp dúi vào tay con. Tò mò mở xem, một xấp tiền lẻ hơi cũ nhàu cột dây thun thẳng thớm cha cho thêm để làm lộ phí đi đường, một chai dầu gió kèm ít thuốc đau đầu, hạ sốt phòng khi ốm vặt và vài ba gói kẹo mè xửng để ăn cho bớt nhạt miệng và đỡ thèm vị quê hương.”
Có lẽ chẳng cha me nào nỡ rời xa con. Cha không thể ngăn cản hành trình tương lai của con cái nhưng lòng vẫn đầy lo lắng, chỉ có thể để dành món ngon, chắt chiu đồ tốt cho con. Tất thảy những điều ấy, dung dị mà cảm động, giản đơn mà khiến ai cũng thấy bồi hồi, cũng thấy thôi thúc để vững bước hơn trên đường đời.
Giữa những ngày vất vả mưu sinh, cơm hàng cháo chợ, chen chân nơi đất khách, cô gái 23 tuổi khi ấy không tránh khỏi chút lúng túng, tủi thân, nhớ nhà da diết. Thứ duy nhất để tác giả Hồ Thị Như Thủy bám lấy có lẽ chính là lời dặn của người cha ở miền quê xa.
“Canh năm gà gáy, cha đã dậy từ lúc nào, rục rịch lau chùi mới toanh chiếc Honda Cub 50 bám bụi. Chuẩn bị kĩ càng đâu vào đấy, xe rồ rồ nổ máy chở con thấu ga tàu. Khẽ rưng rưng, cha ân cần dặn dò "Lần đầu xa nhà như con tằm mới phá kén chui ra, giữa những cám dỗ xa hoa con phải biết giữ mình nơi xứ lạ!" Cảm xúc tuôn trào, đan xen lẫn lộn, thổn thức trỗi dậy, ghì chặt vali đựng hành lý nhẹ tênh hơn ý chí, con cay cay sống mũi.”, tác giả Hồ Thị Như Thủy bộc bạch.
Thế mới thấy, cha có thể khó khăn hay sung túc, có thể chênh lệch về tài chính, về địa vị. Duy chỉ có một điều không đổi, ấy là tình yêu và sự quan tâm họ dành cho con gái của mình.
Thể lệ cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024
Yêu cầu đối với bài dự thi
- Bài dự thi phải là những bài viết chưa đăng phát trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo, đài hay mạng xã hội và chưa tham gia dự thi ở các cuộc thi khác. Viết về những câu chuyện có thật do tác giả là nhân vật hoặc người chứng kiến, những kỷ niệm, lời tâm tình, tự sự của cha dành cho con gái và ngược lại được thể hiện dưới dạng bài ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, tản văn, nhật ký… Ban tổ chức khuyến khích các tác giả sử dụng hình ảnh thật của các nhân vật trong bài dự thi.
- Bài viết thể hiện bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi và phải chịu trách nhiệm về độ chân thực, tính chính xác về nội dung. Cấm sao chép, đạo văn của người khác dưới mọi hình thức.
- Bài dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ được trả nhuận bút theo quy định và thuộc sở hữu của tòa soạn; tác giả không có quyền khiếu nại về bản quyền.
Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước trừ những người là nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng cuộc thi.
Thời gian và địa chỉ nhận bài dự thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27/03/2024 đến ngày 10/06/2024 tính theo dấu bưu điện và thời gian nhận mail. Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2024.
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]
Giải thưởng
Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 có cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích và 05 giải phụ.
Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, được tặng 01 quyển sách có đăng các bài dự thi cùng quà (nếu có) của nhà tài trợ.
Ban Giám khảo cuộc thi
- Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo
- Nhà thơ Trần Hữu Việt - Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân
- Nhà văn Nguyễn Một
- Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu - Báo Tiền phong
Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ
- Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
+ Nhà báo Phan Khánh An - Tổng TKTS, Thành viên Ban tổ chức. Số điện thoại: 0975.470.476
+ Ms Bùi Thị Hải Én - Cán bộ toà soạn. Số điện thoại: 0973.957.126
- Email: [email protected].