Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng
Từ khi con ấu thơ cho đến lúc trưởng thành đều vành vạnh, vằng vặc như thế. Tình phụ tử trong sáng như trăng rằm, ấm áp như nắng sớm, nói bao nhiêu, nói thế nào cũng không cạn được
Năm 1982, xong khóa đào tạo sĩ quan chính trị trong quân đội, với quân hàm thiếu úy, tôi trở về đơn vị cũ đóng ở thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Nhớ câu "lấy vợ thì cưới liền tay", tôi bàn với người yêu, một cô giáo tiểu học mới ra trường vài năm đi tới hôn nhân luôn.
Thực ra, tôi và Hoàng Mai yêu nhau ba năm rồi, lúc này tôi hai mươi sáu, em hai mươi ba tuổi, cưới nhau cũng không phải sớm quá. Trời thương chúng tôi, chỉ sau đám cưới nhà binh vài tháng cô giáo đã thèm của chua. Nghe vợ báo tin, tôi mừng lắm, trong lòng lúc nào cũng tưng bừng khúc ca chiến thắng.
Có đêm không ngủ được, cứ mường tượng ngày con đầu lòng chào đời tôi vừa bâng khuâng, vừa hồi hộp. Chẳng biết gái hay trai. Trai hay gái đều tốt cả, bây giờ ta cứ đặt cho em bé một cái tên trước đã. Tên gì nhỉ? Phải rồi, nếu con trai chú bé mang tên Việt Thắng, ý là Việt Nam chiến thắng. Nếu con gái? Con gái có nhiều tên đẹp. Này nhé, nào Nguyệt, Thu, Hương, rồi Huệ, Vân, Thủy… Nhưng tôi muốn chọn một cái tên con gái ít nhiều có dính dáng tới vợ mình.
Mai. Có thể nghĩ đó là bông mai vàng thường nở vào mùa xuân hay là ngôi sao mai mọc trước bình minh. Ừ nhỉ, thời niên thiếu tôi thường dậy sớm đi chặt củi về bán và ngôi sao mai lấp lánh luôn chờ đón tôi ở khoảng trời thoáng đãng phía đông. Hình ảnh ngôi sao ban mai của thời thơ ấu chưa bao giờ tắt trong tôi. Đúng rồi, mình sẽ đặt tên cho con gái đầu lòng (nếu đúng như thế) là Mai Sao.
Mùa đông rét mướt năm 1983, vào tháng 12 dương lịch, đứa con đầu lòng của chúng tôi cất tiếng khóc oe oe. Con gái! Nhận được tin vợ báo tôi khoe ngay với anh em trong đơn vị. Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng, thủ trưởng vỗ vai tôi: "Chúc mừng chú nhé!".
Tôi mong được đạp xe về ngay (nhà vợ cách đơn vị tôi khoảng hai mươi cây số) để xem mặt và gọi tên con gái “Mai Sao”.
Mai Sao và con gái
Con gái đầu là niềm yêu vô bờ bến của vợ chồng tôi. Đồng lương thiếu úy chẳng là bao nhưng tôi vẫn cố dành dụm để mua thức ăn bồi bổ cho vợ. Tuần nào lên nhà thăm vợ con, trên xe tôi cũng có chân giò, cá bống đèo theo. Mẹ khỏe, con sẽ khỏe mà. Chẳng biết diễn tả sao đây những phút giờ được ngồi gần bên vợ con.
Mai Sao bé bỏng mặt tròn, da trắng hồng, đôi mắt đen láy và cái miệng chóp chép rất dễ thương. Thỉnh thoảng lại cất tiếng khóc oe oe. Chắc “công chúa” đã tè ra, tã ướt bị lạnh nên cất tiếng báo hiệu với mẹ đây. Cái hạnh phúc của người lính khi được ngồi ngắm con gái bé bỏng vừa bình dị vừa bao la biết bao.
Mối liên kết cha - con là gì, mà sao nó cứ hiện hữu bền lâu và rõ ràng đến vậy. Từ khi con ấu thơ cho đến lúc trưởng thành đều vành vạnh, vằng vặc như thế. Tình phụ tử trong sáng như trăng rằm, ấm áp như nắng sớm, nói bao nhiêu, nói thế nào cũng không cạn được.
Mai Sao thời bé lúc đầu chỉ kết với mẹ và dì Tâm (em út của vợ tôi). Lạ là con gái tôi chỉ chịu để cho mẹ và dì Tâm bồng thôi. Khi muốn được mẹ bế thì con gái tôi bập bẹ gọi “Bụ…bụ…”. Khi Mai Sao gọi thế thì đang làm việc gì vợ tôi cũng bỏ đấy để đến với con.
Tôi đi vắng nên dì Tâm được bà ngoại cử lên ở với chị để bồng cháu. Mai Sao quen hơi nên cũng quấn quýt với dì Tâm lắm. Chỉ có bố cháu, vài tuần mới lên nhà một lần, có lẽ vì lạ hơi nên Mai Sao không thích cho bế. Tôi bàn với vợ: "Hay là để anh ru con thử xem sao". Vợ tôi cười: "Nhưng để em cho con ngủ chút đã".
Khi Mai Sao thiu thiu ngủ, tôi ngồi bên vừa đưa võng, vừa cất tiếng ru "Ạ ơ…Ru em, em théc cho muồi/ Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu"…Cứ thế, dần dần Mai Sao cũng đã chịu cho ba bế.
Tôi bồng con gái, tay đưa đưa và nhè nhẹ cất lời: Ạ ơ…Ra đi ngó trước, ngó sau/ Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng… Chỉ sau giây lát, cô bé đã ngủ trong lòng tay tôi. “Thế là ổn rồi, hết bất mãn chồng nhé!”, vợ tôi buông một câu đùa.
Thời gian trôi nhanh. Con gái trở thành thiếu nữ rồi cái ngày cầm giấy báo trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã đến. Lúc này, tôi đã ra Hà Nội nhận nhiệm vụ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi xin nghỉ phép về Quảng Trị đưa con gái vào thành phố Hồ Chí Minh nhập học.
Từ ga Đông Hà, hai cha con vui vẻ lên tàu Thống Nhất đi về phương Nam. Nhìn gương mặt con gái rạng rỡ đầy háo hức tôi cũng vui lây. Niềm vui của con lan tỏa sang tôi, một người bố đa cảm, yêu văn thơ thật nhanh. Tôi thầm nghĩ, mới ngày nào đó còn bồng con trên tay ru hời cho nó quen hơi nay Mai Sao sắp trở thành sinh viên Khoa Văn hóa du lịch của Trường Cao đẳng Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, sau đó Trường chuyển lên thành Đại học Văn Hóa thành phố Hồ Chí Minh và con gái tôi học liên thông lấy bằng Cử nhân.
Tàu đi được nửa chặng, bỗng nhiên tôi thấy gai gai người. Cơn mệt mỏi cứ thế tăng dần lên. Cảm giác về một cơn sốt đang đến gần hiện rõ trong tôi. Miếng cơm nhai trong miệng không còn cảm giác ngon lành nữa. Ốm rồi! Nhìn con gái đang phấn chấn tôi cố giấu điều đó, vẫn cố quên đi mệt mỏi nhức buốt tay chân để chuyện trò bình thường với con gái. Chỉ mong tàu mau tới đích để mình lo mọi việc xong xuôi cho Mai Sao rồi ốm cũng được. Việc nhập học của con gái lúc này là quan trọng hơn hết, tôi nghĩ thế.
May là, cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn, tôi lo cho con gái nhập học suôn sẻ và tìm nơi ăn chốn ở chu đáo. Xong mọi việc thì tôi bị ngã bệnh không gắng nổi nữa, phải điện cho nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, Trưởng Văn phòng đại diện Văn nghệ Quân đội ở phía Nam đưa vào Quân y viện 175. Bị sốt siêu vi, bác sĩ khám bảo thế.
Con gái thấy ba ốm, mếu máo khóc: “Thế mà, ba giấu con”. Tôi cầm tay Mai Sao: “Có sao đâu con, hồi ở Trường Sơn ba còn bị sốt rét kéo dài hàng tháng mà rồi vẫn qua…”. Tôi dặn con thêm: “Con đừng báo cho mẹ nhé, mẹ sẽ lo đấy. Cứ học hành cho tốt là ba vui, ba khỏe ngay thôi mà”. May mà, cũng mau cắt sốt, tôi chỉ nằm viện một tuần thôi.
Ra trường, Mai Sao xin được việc ở báo Nhi đồng (nay là báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng). Nói thêm, cả hai vợ chồng cháu đều làm ở đây từ thời nhà thơ, tiến sĩ Trần Quang Đạo đang giữ chức Tổng biên tập báo Nhi đồng. Nay hai con tôi làm việc tại Văn phòng đại diện báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng ở thành phố Nha Trang.
Cho tôi khoe con gái một chút là Mai Sao chăm chỉ, khéo tay, nấu ăn ngon, dạy con giỏi, thích trồng cây chăm hoa như bố cháu vậy. Có lẽ, cái đó thu được từ những năm học về văn hóa du lịch. Biết tôi thích mặc đẹp nên sinh nhật nào của ba, vợ chồng Mai Sao cũng đều mua tặng một cái áo sơ mi rất được mắt. Món quà tuy nhỏ nhưng đó là sự yêu thương, trân trọng của vợ chồng con gái nên tôi thương quý lắm. Mà chẳng gì áo, món quà nào của con gái tặng bố đều mang những ân tình giản dị và sâu lắng không nói hết, có phải thế không các bạn nhỉ.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
- Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
- Địa chỉ: Số nhà 66 Trần Hưng Đạo thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!