Thứ năm, 16/05/2024 04:23
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 24/06/2019 09:04

Những kẻ đi bắt nạt là dễ bị đánh bại nhất, con trai ạ!

Có một chuyện con trai tôi nhất định phải hỏi “cho ra nhẽ”. Cuối cùng bố con tôi đã thống nhất chuyện, có nên đánh lại bạn hay không.

Cái thằng bạn cùng bàn tỏ ra khá ngầu và thích thể hiện. Còn cu con tôi thì điềm đạm, nhường nhịn. Có một lần thầy hiệu trưởng gọi cho mẹ nó. Mẹ nó hốt hoảng gọi tôi: “Con trai anh đánh bạn bay cả kính. Anh qua trường đón con, đang ở phòng hiệu trưởng đấy”. Tôi đến xin lỗi hiệu trưởng và đền kính cho bạn ấy ngay và luôn.

Trên đường về, nó lầm lì. Tôi cầm chặt tay nó băng qua mấy đoạn đường. Tôi giả vờ nghiêm khắc, nhưng tay vẫn nắm chặt tay để nó không có cảm giác bị bỏ rơi sau khi hiệu trưởng và cô chủ nhiệm làm to chuyện lên. Tuy nhiên, tôi vẫn chờ cu cậu mở lời giải thích chuyện đánh bạn, nhưng tôi không chủ động hỏi. Cứ để cu cậu suy nghĩ kỹ, thư thái, bình tĩnh rồi hãy trình bày. Mọi việc cần phải được xem xét một cách công bằng. Không vội.

Nó 9 tuổi, tính cả tuổi mụ. Dù sao nó cũng là đàn ông. Cần đối xử một cách đàn ông với cu cậu. Tôi dắt nó vào quán cà phê, gọi cho nó đồ uống ưa thích. Hai bố con nhìn nhau một lúc, nó lên tiếng:

- Bố không mắng con à?

+ Sao bố mắng con khi chưa biết chuyện gì xảy ra. Hơn nữa, con cần biết rằng, dù con mắc lỗi gì thì con vẫn là con của bố. Bố phải bảo vệ con trước đã.

- Con xin lỗi bố. Bạn ấy quá đáng lắm.

Nó bắt đầu sụt sùi. Có lẽ nó ức. Tính thằng này ít giải thích lằng nhằng. Nó nói vài câu, nếu không tin, nó chấp nhận thiệt thòi, im lặng.

+ Con trai không nên khóc. Con cứ từ từ nói.

- Suốt ngày bạn ấy làm bẩn áo con. Sách con bạn ấy cũng vẽ bậy... Bạn ấy hay nói dối, nói bậy nữa. Hôm nay con chỉ vô tình gạt tay trúng mặt bạn ấy, bay kính, chứ con không đánh. Cô giáo cứ làm to chuyện, sợ bố mẹ bạn ấy đến kiện. Bố mẹ bạn ấy ghê lắm.

+ Cô giáo không bảo vệ con à? Con học cô bao nhiêu năm mà cô không hiểu tính con, không hiểu tính bạn ấy sao? Con phải giải thích chứ?

- Giải thích cô giáo cũng không nghe đâu bố. Cô bắt con xuống phòng hiệu trưởng vì sợ bố mẹ bạn kia đến làm ầm ầm lên đấy. Bố mẹ bạn ấy đã làm thế mấy lần rồi.

Hai bố con nói chuyện như hai người bạn. Tôi hiểu thêm nhiều chuyện xảy ra trong lớp nó. Một xã hội thu nhỏ, phản ánh đặc sệt văn hóa, hoàn cảnh gia đình và hình ảnh phụ huynh qua cách hành xử của mỗi đứa. Cô giáo nó cũng là một hình ảnh “gió chiều nào, theo chiều đó”, “mềm nắn, rắn buông”. Cô này vì an toàn của mình trước sau đó mới vì công bằng của học sinh. Đại khái, với đứa bé 9 tuổi như cu cậu nhà tôi, nó hiểu lớp học, hiểu cô và hiểu cả những gì nó chịu đựng hơn tôi nghĩ nhiều. Tôi nghe chuyện và thông cảm hơn với con.

Bao-luc01

Những kẻ đi bắt nạt là dễ bị đánh bại nhất (Ảnh minh họa)

>>> Dạy con trở thành người tinh tế

Hai bố con bắt đầu vui vẻ, không khí thay đổi. Nó tin rằng, bố sẽ luôn bên nó, bảo vệ nó, nhưng không cổ vũ nó làm sai. Một lúc sau tôi đùa:

+Tôi biết thừa, ông gạt tay vô tình trúng mặt bạn kia, rơi kính. Chứ ông gan đâu mà đánh bạn.

Nó cười hiền lành, rồi hỏi:

- Con có được đánh bạn không bố?

+ Sao con phải đánh? Con còn nhiều cách khác mà. Nếu bị bắt nạt thì báo với cô giáo, hoặc bảo bố…

- Cô có quan tâm đâu mà. Cô chỉ dạy thôi. Bố đi làm, ở xa trường con, khi bị đánh bố về kịp à?

Thực ra, nó nói rất có lý. Tôi cũng muốn nó mạnh mẽ bảo vệ công bằng tối thiểu của nó. Chứ mấy chuyên báo cáo kia, có thấu tới nó cũng bị đánh cho nhừ tử. Hơn nữa tôi đã nghe cách giáo viên xử lý tình huống rồi, hơi nản. Nghe lời bố mà chịu đòn, mặt mũi tím bầm cũng khổ. Nhưng nếu đồng ý cho con sử dụng bạo lực thì cũng không ổn. Tuy nhiên, bọn trẻ con cứ nhìn mặt thằng nào hiền, tử tế là bắt nạt, thậm chí làm nhục.

Cũng phải gai góc chứ lý thuyết suông dạy dỗ kiểu hình thức để con mình chịu bất công thì cũng không hay. Tuy nhiên, có lẽ phải nói cho con hiểu ngọn nguồn việc sử dụng vũ lực.

+Bố không muốn con bị bắt nạt rồi khóc như con gái. Nhưng bố cũng không muốn con dữ dằn như mấy thằng côn đồ. Con sẽ đánh lại kẻ bắt nạt mình trong hoàn cảnh nào, nói bố nghe, rồi bố con mình thống nhất.

- Con nhịn nhiều rồi, con báo cáo cô rồi mà bạn ấy vẫn bắt nạt, đánh con thì con sẽ đánh trả.

+ Con nên nhớ, bạo lực sẽ sinh ra bao lực. Ví dụ, con đánh bạn, bạn sẽ ấm ức, trả thù, rồi con cũng ấm ức, con cũng tìm cách đánh trả… Như vậy, con và bạn ấy sẽ mãi đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn. Cách này cũng rất mệt mỏi đấy con ạ. Con có thể sử dụng các cách như nói chuyện, chơi với nhau các trò ưa thích, mời bạn về nhà, dự sinh nhật của nhau… Đại khái là làm nhưng việc thiện chí để hòa giải, nhưng con không được làm như một cậu bé yếu đuối, sợ sệt. Con hiểu không?

- Nếu con đã làm như bố nói mà bạn ấy vẫn đánh con hằng ngày thì con phải làm sao?

+ Con biết chiến tranh xảy ra như thế nào rồi đúng không. Chiến tranh sẽ có chết chóc, người ta bắn chết nhau. Thường thì một bên đi xâm lược (ví dụ bạn con chuyên đi bắt nạt các bạn hiền lành trong lớp), và một bên tự bảo vệ mình (ví dụ là các bạn hiền lành, tử tế trong lớp bị mấy bạn đầu gấu bắt nạt buộc phải đứng lên chống trả). Vì sao chiến tranh xảy ra? Vì không còn cách nào nữa, sau khi đã hòa giải, đàm phán (ví như con đã cố gắng hết sức để cải thiện mối quan hệ với bạn đã đánh con) đều không được, buộc hai bên phải sử dụng vũ lực (tức là đánh nhau). Con hiểu không?

- Con hiểu rồi bố ạ. Tức là con sẽ được đánh, nhưng không chủ động đánh, và là đánh để tự bảo vệ mình, đúng không bố?

+ Đúng rồi con trai. Đó là giải pháp cuối cùng. Giải pháp không mong muốn. Nhưng bố muốn con hiểu một điều nữa. Nếu buộc phải đánh nhau, con nhất định phải bảo vệ được mình. Nếu con không bảo vệ được mình, bố mẹ sẽ buồn, khi thấy con bị thương. Bởi vậy, con không chỉ khỏe mạnh, mà phải thông minh. Về nhà ăn nhiều hơn, có thể đi học võ để rèn luyện thân thể.

Nó hiểu những gì tôi nói một cách sâu sắc, khi vừa trải qua những ấm ức trong lòng. Tôi cũng tin, với những gì bố con tôi đã nói và thấu hiểu, tôi biết con trai tôi sẽ xử lý mọi việc đúng hoàn cảnh.

Tuy nhiên, để bảo vệ được mình, tôi biết, nó sẽ phải trải qua nhiều bài học, thậm chí thất bại và tổn thương. Nhưng chẳng còn cách nào, ở trường, nó phải đối diện những chuyện như vậy để trưởng thành. Còn tôi sẽ bên con, cùng nó vượt qua khó khăn để trở thành người đàn ông hiểu chuyện và biết cách cư xử ở đời.

Nhưng không dễ dàng đâu con trai. Cuộc đời này chỉ có bố mẹ và người thân trong gia đình mới yêu con vô điều kiện. Còn ngoài kia, thiên thần có, ác quỷ cũng có và không ai thương con như bố mẹ cả.

Con trai cần nhớ, cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã nói đại ý rằng, trên đời này những kẻ hay đi bắt nạt người khác chính là những kẻ dễ bị đánh bại nhất. Bởi vậy, những kẻ đó, không phải là những kẻ đáng sợ nhất, con trai nhé!

Những kẻ đáng sợ nhất, con lớn lên chút nữa, bố sẽ chỉ cho con biết.

Lê Anh Đạt  
Vì sao người xưa nói “nghèo không lễ Phật”?
“Cái chết trắng” bên thảm cỏ xanh
Cổ nhân khuyên gì từ câu nói “nghèo củi, giàu bể nước”?
Một lần vào bệnh viện
Cuộc sống vô nghĩa khi bất chấp vứt bỏ 3 thứ
Đi du lịch để... sống ảo và 'cúng' Face
Hé lộ 20 sự thật cuộc đời trong buổi họp lớp sau 30 năm tốt nghiệp Harvard
Cuộc chiến vào… lớp 10
Cho người con cá không bằng chỉ người cách câu
Nghèo khó không thề thốt 3 điều, không tiền đừng dính vào 3 tình cảm
Ngựa không tranh tốc độ với trâu, chồng không tranh thắng thua với vợ
Đức mỏng quyền cao ắt gặp họa
Vì sao không phải lễ vật nào dâng lên cũng được thần linh chấp nhận?
Đàn ông sợ vợ
Khốn cảnh của người trung niên
Chậm rãi sống bình yên sau tuổi 40
Một đời làm nghề y, ba đời khanh tướng
Người có 3 hành vi này dễ bị hủy hoại vận may trong năm mới
Vì sao nói “Cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ”?
Tuổi 70 sợ điều gì?
Xem thêm