Những điều cần biết trước khi chẩn đoán sốt xuất huyết
Bài viết dưới đây chia sẻ những điều cần biết trước khi chẩn đoán sốt xuất huyết để tránh gây tử vong cho bệnh nhân.
Những điều cần biết trước khi chẩn đoán sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại virut rất giống nhau gây ra. Bao gồm các tuýp 1, 2, 3 và 4.
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng; nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue thường căn cứ vào 3 mức độ khác nhau là sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng.
Những lưu ý cần biết trước khi chẩn đoán sốt xuất huyết
Mỗi mức độ có diễn biến triệu chứng bệnh lý lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau nên cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện, chẩn đoán bệnh chính xác nhằm có căn cứ để xử trí can thiệp điều trị phù hợp.
Tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue ở người lớn thường không khác với tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em. Tuy nhiên, khi vào bệnh viện, ở người lớn, ngoài bệnh chính là sốt xuất huyết Dengue với các đặc điểm triệu chứng lâm sàng như sốt đột ngột, kéo dài, đau nhức, khó thở..., bệnh nhân có thể kèm theo bệnh lý của một số bệnh mạn tính khác mắc phải nên làm cho việc phát hiện, chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết Dengue ở người lớn thường gặp nhiều khó khăn, dễ nhầm lẫn.
Tránh chủ quan khiến chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác
Các cơ sở y tế tuyến đầu, kể cả bệnh viện ở tuyến trên cần quan tâm, tránh chủ quan vì có thể chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng; bệnh xoắn khuẩn leptospirosis, thương hàn, sốt rét, viêm gan siêu vi...
Cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt virut
Giống nhau:
Sốt virut dễ gây thành dịch, đều gây ra sốt cao, đau đầu, người phát ban, mẩn đỏ, nôn.
Khác nhau:
Sốt virus là bệnh thường gặp vào mùa hè, đây là bệnh không nguy hiểm tuy nhiên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để tham khám vì sốt virus thường dẫn tới bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm. Sốt virus dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi trẻ bị ốm, không nên cho đến trường. Một số bệnh do virus đã có văcxin như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, rubella…
Sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Theo các bác sĩ đầu ngành, ở người lớn có hai dạng sốt xuất huyết: dạng biểu hiện ra bên ngoài và dạng không biểu hiện ra bên ngoài (thường gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết não).Sốt xuất huyết tiêu hóa (trong ruột) ở người lớn có biểu hiện ban đầu rất bình thường, chỉ sốt, ít ho, không sổ mũi, không nổi ban.
Sau 1 hoặc 2 ngày, bệnh nhân sẽ đi tiêu ra máu nhưng không nhiều và bắt đầu có những hạt lấm tấm trên da, người xanh xao.Sốt xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, nhưng rất dễ gây tử vong. Ban đầu, người bệnh sốt, bị nhức đầu, ngay sau đó tay bị tê liệt, không thể cử động. Cuối cùng, người bệnh sẽ bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong.
Phương Vũ (tổng hợp)