Cách xử lý sốt xuất huyết: Cách xử lý tránh lây lan dịch
Hàng năm ở nước ta vào các tháng mùa hè, có mưa nhiều, bệnh sốt xuất huyết rất dễ bùng phát, bệnh không khu trú ở một vùng nào của đất nước. Bệnh có tính chất lây lan nhanh và rất có khả năng gây thành dịch. Dưới đây là những cách xử lý sốt xuất huyết để tránh lây nhiễm thành dịch.
Cách xử lý sốt xuất huyết trong phạm vi gia đình
Trong phạm vi gia đình, chúng ta nên dành 10 phút mỗi tuần để thực hiện 5 biện pháp sau:
Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước 1 tuần/ lần.
Thu gom đồ phế thải quanh nhà, lật úp các vật thải có chứa nước.
Đậy kín các chum, lu chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.
Cho trẻ mặc quần áo dài và mắc màn khi trẻ ngủ (kể cả ban ngày).
Diệt muỗi bằng bình xịt muỗi, nhang thơm trừ muỗi hoặc bộ máy xông đuổi muỗi tại các khu vực sinh hoạt của gia đình.
Khi nghi ngờ thành viên trong gia đình nhiễm bệnh sốt xuất huyết
Theo chia sẻ của PGS.TS. Bùi Khắc Hậu trên báo Sức Khỏe & Đời sống, khi trong gia đình, một lớp học có người sốt cao, đặc biệt có nhiều người cùng mắc thì nên nghĩ đến là bệnh sốt xuất huyết. Cần khẩn trương cho người bệnh đến cơ sở y tế để khám bệnh, đặc biệt là trẻ em (trẻ càng nhỏ càng phải được đặc biệt quan tâm).
Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết cần đưa bệnh nhân đi khám ngay.
Sau khi đã có ý kiến của bác sỹ khám bệnh, nếu thể bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà riêng. Tại nhà riêng phải luôn luôn có người chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh của người bệnh (đặc biệt là trẻ em) kèm theo cho uống nhiều nước, nhất là dung dịch oresol (ORS).
Ngoài ra nên cho người bệnh (trẻ em, người lớn) uống thêm nước hoa quả tươi như cam, chanh, dưa hấu, xoài… Nên cho ăn nhẹ như cháo, súp, canh và uống thêm sữa (với trẻ còn bú mẹ thì không hạn chế số lần bú và số lượng sữa bú).
Nhận thức để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong người dân còn thấp
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, dù được tuyên truyền nhưng nhận thức của người dân về công tác phòng chống bệnh, phát hiện bệnh sốt xuất huyết chưa cao. Do đó công tác tuyên truyền người dân về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể là tuyên truyền về biểu hiện của bệnh, mức độ nguy hiểm, phương thức lây truyền, cách điều trị bệnh…
“Do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị và không có vaccine nên các biện pháp phòng bệnh là vấn đề cần được chú trọng. Phòng bệnh sốt xuất huyết không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế, các cấp chính quyền mà người dân và cộng đồng cũng cần phối hợp chặt chẽ, chủ động thu gom phế thải, diệt bọ gậy, chống muỗi; chủ động nằm màn tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Phương Vũ (tổng hợp)
Nên đọc