Thứ bảy, 18/01/2025 14:43     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 12/07/2023 07:00

Nhìn ba mà sống

Con tự hào khi gặp ai đó ở xóm hoặc bà con họ hàng gần xa, họ luôn có những câu chuyện để nhắc, để kể về ba. Để con biết rằng sống một cuộc đời có ích đơn giản lắm. Con chỉ cần nhìn ba mà sống, vậy thôi.

Hồi chiều, gia đình nhỏ tụi con có dịp về thăm ngoại. Mẹ vẫn ngồi trước hiên nhà, an nhiên đọc sách, nhạc thiền không lời róc rách tĩnh tâm. Bước vào nhà, con cứ ngỡ chút xíu nữa thôi, trời sập tối ba đi tập thể dục sẽ về và các cháu có thể tản bộ đi uống sữa đậu nành cùng ông ngoại. Mọi thứ vẫn được giữ nguyên vẹn như trước: đôi dép ba thường mang vẫn nằm trên kệ, xe đạp ba hay chạy dựng ở góc cầu thang, chiếc ghế dài ba thích ngồi đọc sách vẫn yên chỗ cũ.

Bọn nhỏ tíu tít khoe với bà ngoại về thành tích học tập, giấy khen mới được lãnh, rồi cả phần quà nhân ngày lễ thiếu nhi từ cơ quan của ba. Bà ngoại vui cười nheo cả mắt khi nghe cháu kể chuyện, xếp lại quyển sách và cất đi cặp kính lão. Ngoại trò chuyện, âu yếm ngắm nhìn hai đứa cháu đang lớn phổng phao mỗi ngày. Con biết, tối nay mẹ sẽ thắp nhang cho ba để thủ thỉ kể lại chuyện bọn nhỏ vui vầy khi nãy.

1

Ông và cháu

Mẹ hay gọi “anh ơi” rồi từ tốn kể cho ba nghe chuyện nọ chuyện kia. Mẹ đi chợ về cũng nhẹ nhàng “anh ơi em đi chợ mới về”. Dẫu biết rằng ba đang đi tiếp con đường của ba, ở một nơi mà cả gia đình ta không nhìn thấy được, nhưng mẹ vẫn duy trì nếp sống như khi có ba, kể cả việc chạy xe đạp mỗi sáng trên các cung đường ba hay đi. Thật ra trước đây, mẹ chưa từng thích thể thao. Con biết mẹ đang sống với ký ức về ba và giúp ba duy trì nề nếp vận động thể thao lành mạnh làm gương cho cháu con.

Ba dặn chúng con: “Gian khổ sẽ dành phần ai, gian khổ thì mình tự xung phong lên thôi con. Cuộc đời rất công bằng, khổ trước rồi sướng sau hay sướng trước rồi khổ sau đều do ta lựa chọn".

Lúc đó còn trẻ, con chưa hiểu được lời dạy của ba. Cho đến ngày ba ra đi sau tám năm ròng rã chiến đấu với căn bện ung thư. Con chông chênh, chao đảo, con hoàn toàn mất phương hướng. Con lao đầu vào công việc ngày đêm lẫn lộn. Con lên mộ ba bất kể khi nào con có thời gian chỉ mong có một phép màu nào đó xuất hiện. Cho đến ngày mãn tang ba, con mới buông tay, thừa nhận sự thật đau lòng là con đã mất ba. Ba có biết không, con rất khó khăn để thừa nhận từ sâu thẳm trong lòng rằng con có giận và oán trách ba.

Thương là chuyện tất nhiên rồi vì ba là thần tượng của con. Trong mắt con, ba việc gì cũng làm được, chuyện gì ba cũng giỏi, cũng biết. Vậy nên thừa nhận việc mình giận ba vì những điều ba không có lỗi nghe thật vô lý. Con giận sự cần cù chịu thương chịu khó, luôn luôn giành phần “khổ trước” về cho bản thân, để dành phần “sướng sau” lại cho gia đình.

Ký ức tuổi thơ trở về bữa cơm những ngày cơ cực, con giận ba luôn đẩy phần cơm nạc và đồ ăn tươi mới cho tụi con, còn ba luôn giành phần cơm cháy và món kho xà bần là phần đồ thừa của nhiều ngày trước dồn lại kho lên thật mặn.

Ngày phát hiện ba bệnh, cả gia đình nghe tin dữ mà lòng dạ ngổn ngang âu sầu. Vậy mà ba bình thản suy nghĩ rồi từ tốn chấp nhận sự việc như nó vốn dĩ việc gì đến phải đến. Con biết, trong đêm tối đen, ba cũng ngồi hút thuốc trầm tư và suy nghĩ. Nhưng cách ba nghĩ cũng lạ đời. Ba trăn trở tìm cách duy trì nguồn kinh tế bền vững cho người thương sau khi ba rời đi.

Ba dọn dẹp tiệm nhôm kiếng đang kinh doanh phát đạt thành cửa hàng tạp vật. Suốt hai tuần liền, ba đều đặn đi về bảy mươi cây số, ngồi ở chợ Kim Biên với quyển sổ trong tay. Ba ghi chú lại tiệm nào bán món gì, lượt người ra vào bao nhiêu, mỗi lượt người mua món gì, ở tiệm nào là nhiều nhất. Ba áp dụng môn xác suất thông kê thô sơ để lọc ra từng cửa hàng tiêu biểu bán món hàng có giá tốt và chất lượng; thay vì phải đi hỏi giá và thử nghiệm chất lượng của hàng trăm cửa hàng.

Khâu chuẩn bị hoàn tất, chợ quê mình lại xuất hiện một cửa hàng tạp vật lấy uy tín, chất lượng và giá cả phải chăng, cung cấp đa dạng hàng hóa cho bà con khỏi phải đi cả mười cây số lên thị xã mua hàng.

Ba hợp tác rất tốt trong việc chữa bệnh, từ đốt điện, hóa trị, phẫu thuật cắt một phần gan, dẫu mỗi lần như vậy rất đau đớn nhưng ba đều chấp nhận, ba nỗ lực từng chút một để chiến đấu với căn bệnh. Câu chuyện nhập viện luôn diễn ra cảnh ba nhõng nhẽo gọi vợ: “Em ơi!”. Con gái cũng luôn luôn đứng kề bên nhưng ba chỉ gọi “em ơi”.

Ba nhập viện, lại kết giao quen biết nhiều người cùng cảnh ngộ, động viên nhau lạc quan vượt qua nghịch cảnh. Ba càng nỗ lực cố gắng duy trì cái tiệm bán hàng. Ba muốn chủ động có kinh phí chữa bệnh mà không phiền đến con cái, cũng chính là chủ động có dư dôi để trao tặng lại một phần nho nhỏ cho những cảnh đời thiếu thốn đang nằm viện chung với ba.

Cho đến một năm sau đứa em trai xuất ngũ, đỡ đần cho mẹ cái cửa hàng, ba mới chấp nhận lui về nghỉ ngơi. Ba kiên trì tập thể thao, thỉnh thoảng hoặc cuối tuần ba đạp xe chín cây số đến nhà con, lôi con ra khỏi sự lười biếng ủ dột, cùng vợ chồng con đạp xe loanh quanh. Ba không chấp nhận việc rỗi rãi, lại đi học đàn ghi ta, tham gia một ban nhạc hưu trí với các bác lớn tuổi trong xóm. Các bác hài hước đặt tên “ban nhạc bệnh viện” vì gần như mỗi tháng đều có một bác nào đó phải đi bệnh viện. Nhìn vào cuộc sống tích cực như vậy, không ai biết ba giấu nỗi buồn vào đâu. Ba giúp chúng con lạc quan thay vì đáng lẽ chúng con mới phải là người lo lắng cho ba.

Ngày cháu ngoại thôi nôi, ba mang cây kèn Harmonica bỏ vào khay. Cháu đã chọn cây viết tay phải, cây kèn tay trái. Ngoại cười sảng khoái, mừng vì đứa cháu đầu tiên có sở thích giống mình. Ông nói rằng sẽ ráng uống thuốc, ráng tập thể dục để đồng hành với cháu tới đại học. Khó khăn thay, cuộc đời lại không phải lúc nào cũng như mong muốn. Một ngày kia, ngoại đang đi tập thể dục thì bị té vì xây xẩm, may mắn có người quen chở về nhà giùm.

Tụi con biết lúc này không còn nhiều thời gian nữa nên càng năng về thăm ngoại, trân trọng từng phút giây thời gian quý giá gia đình ta cùng nhau. Trước hôm ra đi một ngày, ba đã gặp mặt đủ cả nhà, cười đùa sum vầy cùng ba đứa cháu; đã để cho các cháu báo hiếu trọn vẹn bằng việc bóp tay chân, đấm lưng thình thịch cho ông đỡ mỏi mà ngủ ngon.

Trước lúc chuẩn bị ra đi, lúc mà đau đớn đến độ phải dùng miếng dán giảm đau cấp độ cao nhất, ba cũng không cho con gái được ở gần bên vì sợ con đau lòng. Chiều tối ba đuổi con gái về vì còn có điều muốn nói riêng với mẹ. Mà ba biết không, con nào có về, dùng dằng chẵng nỡ, con ghé vào chùa lạy Phật. Ở đấy trọn vẹn một giờ đồng hồ lạy Phật với một lời khẩn cầu phép màu giúp ba bớt đau đớn. Đó là ngày rằm tháng chín.

Con biết ba đã thanh thản ra đi sau một kiếp người lao động, cống hiến, hết mình chỉn chu trong từng việc lớn nhỏ. Con tự hào khi gặp ai đó ở xóm hoặc bà con họ hàng gần xa, họ luôn có những câu chuyện để nhắc, để kể về ba. Để con biết rằng sống một cuộc đời có ích đơn giản lắm. Con chỉ cần nhìn ba mà sống, vậy thôi.

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Trang Đinh

Địa chỉ: 10/3 đường số 46, khu phố Khánh Thạnh, Tân Phước Khánh, Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm