Lá thư từ trại giam
Ở đây mỗi người tìm cho mình một lý do để sống, ba nghĩ về con như một thân cây khô mục rỗng bỗng dưng nảy một mầm xanh đẹp đẽ. Ba nghĩ về con trong hơi thở, để mong đến ngày được trở về làm một người lương thiện.
Trong những phạm nhân hoàn thành cải tạo trở về với cộng đồng tại Trại giam Thanh Lâm hôm ấy, có một người đàn ông buồn bã bước ra khỏi cổng trại. Bình minh phía núi hắt tới lộ khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt lướt người đàn ông chậm rãi ngó nghiêng như kiếm tìm điều gì mong manh. Chợt có người quản giáo gọi lại đưa cho người đàn ông một phong thư dán kín: “Vài tháng trước có người nhờ tôi đưa cho anh cái này khi mãn hạn”.
Người đàn ông cảm ơn rồi mở phong thư, bàn tay run run lấy ra một tấm ảnh có hình một cô gái trẻ đang cười, đôi mắt người đàn ông đỏ hoe, nước mắt lã chã rơi xuống lá thư anh ta đã viết cho con gái mười mấy năm trước.
“Con gái thân yêu của Ba!
Xung quanh ba lúc này là bốn bức tường lạnh lẽo, chúng vẫn đang trừng phạt lỗi lầm ba bằng sự cô đơn, dằn vặt hàng ngày, hàng giờ. Ở đây mỗi người tìm cho mình một lý do để sống, ba nghĩ về con như một thân cây khô mục rỗng bỗng dưng nảy một mầm xanh đẹp đẽ. Ba nghĩ về con trong hơi thở, để mong đến ngày được trở về làm một người lương thiện.
Ba đã có một cuộc đời không trọn vẹn, cuộc đời của những sai lầm này đến sai lầm khác. Ba không trách ai, không đổ lỗi cho ai, bởi thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ đều do chính bản thân mỗi người lựa chọn. Con đường ba đã đi mang lại sự khổ đau cho nhiều người và sự đổ vỡ của gia đình mình.
Ảnh minh họa.
Ba không phải là một người cha tốt, càng không phải là người chồng có trách nhiệm, biết lo toan cho tổ ấm của mình. Những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng, những ván bài đỏ đen khiến ba đem hết những tài sản ra đi và mang những khoản nợ về. Từ một cuộc sống đàng hoàng, bao người mơ ước, ba thành kẻ không tiền, gia đình mình trở nên nghèo túng, lâm vào cảnh khốn cùng. Họ hàng quay lưng, bạn bè xa lánh, hắt hủi, chỉ có mẹ con vẫn ngày ngày lam lũ, chịu thương chịu khó làm việc gánh gồng trả nợ chẳng một lời oán thán.
Chính lúc khó khăn, tuyệt vọng nhất thì con gái của ba xuất hiện, con như một thiên thần thắp sáng niềm tin đang u uất, tăm tối. Ba hạnh phúc, ba nâng niu con như thể con là thứ lớn lao, là điều ý nghĩa và duy nhất mà một kẻ vô tích sự như ba có thể làm được trên đời. Ba lao vào làm đủ mọi nghề để kiếm tiền nuôi gia đình và để con gái của ba có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng cái nghèo cứ bám riết, niềm tin về một cuộc sống no đủ, giàu sang lay lắt, xa vời.
Một ngày ba giằng lấy số tiền tích góp của mẹ con, bỏ lại người phụ nữ ôm đứa con vài tháng tuổi ngằn ngặt khóc, ba bỏ đi cùng hy vọng mù quáng. Khi ba thất thểu trở về, nhà mình đã trống không ngoài tờ giấy ly hôn trên bàn mẹ con đã ký sẵn, mẹ đã mang con đi niềm tin của người đàn bà đã cạn. Khi ấy ba đau khổ đón nhận, bởi chẳng ai có thể chấp nhận một người đàn ông như vậy làm chồng.
Trên đời này khi đánh mất những gì đã có trong tay, con người ta bắt đầu dằn vặt, nuối tiếc. Ba ân hận tại sao điều ấy không đến với ba sớm hơn, ba đã đánh mất những giá trị về đạo đức. Mất vợ, mất con, ba trốn chui trốn lủi khi bị đám đòi nợ thuê săn lùng.
Ba đã đến một nơi thật xa, xa lắm con ạ, đi để trốn chạy! Cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ trở về nữa, nhưng trong cội nguồn cảm xúc của mình ba vẫn không quên mình có một người con gái bé bỏng, ba luôn tưởng tượng khuôn mặt, nụ cười và tiếng khóc của con mỗi đêm. Tình máu mủ, tình phụ tử cứ thế gặm nhấm, dày vò, thôi thúc ba trở về.
Năm năm sau ba đã trở về, khi ấy mẹ con đã hạnh phúc bên người đàn ông khác, gọi người đó là chồng, con gọi người đó là ba, lòng ba đau như cắt. Ba chỉ muốn lao đến ôm chầm lấy và nói với con rằng “Không con ơi, ta mới chính là ba của con, ba của con đây”! Góc đường nơi trường con học, ba lén lút giấu sự đau khổ, đắng cay. Ba biết, dẫu có xuất hiện trước mặt con, thì con sẽ chẳng nhận ra ba, bởi khi ba đi con mới vài tháng tuổi, trong tiềm thức của mình, con chẳng có ba.
Ba đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha. Suốt những ngày sau đó, con sẽ chẳng bao giờ biết được có một người đàn ông ngày ngày đứng chờ để ngắm nhìn con mỗi lần tan học, bởi chỉ cần nhìn thấy con thôi thì ngày hôm đó với ba là ngày hạnh phúc. Ba nhận ra giá trị của gia đình, nào có cần cao sang, nào có cần ăn ngon mặc đẹp,chỉ cần hài lòng với cuộc sống bằng sức lao động chân chính, chỉ cần con người biết yêu thương nhau, chia sẻ với nhau. Ba lặng lẽ rời đi.
Một người chủ nợ biết sự trở về của ba, xô xát đã xảy ra, ba vô tình gây ra án mạng, chẳng ai có thể bào chữa cho hành động ấy. Trái tim vốn đã đầy vết thương, giờ bàn tay ba dính máu. Những ngày bị tạm giam, ba như một cái xác không hồn, sống không bằng chết. Ba không có ý định sống, niềm tin đã tắt, ngọn lửa đã tàn. Nhưng trong thời khắc sinh tử ấy, hình ảnh về con lại xuất hiện, khuôn mặt con có đôi mắt của ba, nụ cười của mẹ. Trong giấc mơ ba thấy con nắm lấy bàn tay khô ráp, tội lỗi của cha mình chạy về phía bình minh bừng sáng, nơi có cánh đồng mơn mởn cỏ non, xanh mướt niềm tin, ngập tràn hy vọng. Là con gái đã giúp ba lê lết qua cái đêm muốn từ bỏ thế giới này.
Mẹ con đã đến thăm ba, người đàn bà ấy vẫn không bỏ ba. Ba xấu hổ, tủi nhục, bởi chính mình là người đập vỡ hạnh phúc. Ba đã cầu xin sự tha thứ. Mẹ con nói ba hãy viết cho con một lá thư, khi nào con đủ mười tám tuổi sẽ đưa cho con đọc, mẹ sẽ không giấu diếm việc con gái có hai người cha. Và ba đã viết cho con lá thư từ tâm can, từ máu mủ ruột già.
Ba nợ mẹ con ân nghĩa.
Ba nợ con cả cuộc đời này.
Cầu chúc cho con mạnh khỏe, lớn khôn và sống một cuộc đời có ý nghĩa
Hãy tha thứ cho ba”
Ngắm nghía rất lâu, thi thoảng lại tủm tỉm cười, người đàn ông hôn lên bức ảnh, anh cẩn thận cất vào túi ngực mình rồi bước về phía bình minh.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Bùi Tuấn Minh
Địa chỉ: Phòng Chính trị, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội