Thứ tư, 15/05/2024 02:14
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ năm, 13/06/2019 07:43

Đất rừng tiếp tục bị “xẻ thịt”công khai, chính quyền tỉnh Hoà Bình cần mạnh tay xử lý

Lợi dụng việc san gạt mặt bằng, nhiều quả đồi trồng rừng tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) bị “móc ruột” đem bán công khai.

Sự việc lợi dụng việc san gạt để múc đất rừng đem bán ở xã Đồng Tâm mà Báo Gia Đình Việt Nam đã phản ánh trước đó chưa kịp lắng xuống thì thực trạng này lại tiếp tục diễn ra công khai, “nhức nhối” ở xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình).

Nhiều quả đồi bị “nạo vét” dựng đứng như bức thành hơn 20m nham nhở những vết cày xới, nhìn từ xa là những vệt loang đỏ đang dần xóa đi màu xanh của cánh rừng. Người dân xã Yên Bồng cho biết, hoạt động san gạt vận chuyển đất rừng đã diễn ra nhiều năm nay, công khai và như có một sự móc nối nào đó.

Đại công trường khai thác đất rừng “trái phép”

Nằm cách UBND xã Yên Bồng khoảng vài trăm mét là điểm san gạt của một người đàn ông tên T. (người trong xã Yên Bồng) đang rậm rộ hoạt động, máy xúc cào xới trên đỉnh đồi, xe tải liên tục ra vào vận chuyển đất. Đất được chở từ nơi khai thác ra ngoài, đổ xuống các tàu chở có trọng tải hàng trăm tấn đang đậu ngoài cảng và từ đây đất tiếp tục “tuồn” đi phục vụ dự án, bán cho nhà máy xi măng và sản xuất gạch.

Video được phóng viên báo Gia đình Việt Nam ghi lại

Người dân cho biết, việc lợi dụng san gạt hạ thấp độ cao đất rừng rồi mang đi bán tại xã Yên Bồng diễn ra đã 2 năm nay, nó bình thường tới mức người dân đã quen mắt, quen tai. Bà T một người dân thôn Mạnh Tiến 2 cho biết: “Khu đất rừng đang khai thác là của gia đình ông T. mua lại của 1 số hộ dân, lúc đó bán đất chỉ có 150 triệu/ha thôi, bây giờ mua phải 280 triệu/ha. Thế nhưng không biết ai cho phép mà khu đất này được khai thác 2-3 năm nay rồi!”.

Trong câu chuyện với chúng tôi bà T. cũng cho rằng, không đơn thuần hoạt động khai thác trái phép này chỉ cục bộ mà nó như có một hệ thống các cá nhân có sự "móc nối" với nhau một cách bài bản để cùng hưởng lợi.

Sát thôn Mạnh Tiến 2 là thôn Đồi Chùa, xã Yên Bồng, cũng diễn ra tình trạng tương tự, đồi bị “xén” già nửa, thậm chí những quả đồi vừa mới trồng keo cũng bị “móc ruột” khai thác không thương tiếc. Ngang nhiên hơn, nhóm “đất tặc” còn mua đất trồng lúa của người dân mở hẳn một con đường vào điểm gọi là san gạt để vận chuyển đất ra ngoài mang đi tiêu thụ.

A2.HB

Quả đồi bị “móc ruột” nham nhở tại thôn Đồi Chùa, xã Yên Bồng

Một người dân sống ngay khu vực khai thác đất thôn Đồi Chùa chia sẻ: “Lợi dụng san gạt đất đồi người dân có đất rừng đã “cấu kết” với người nơi khác để múc đất đưa bán cho đầu nậu ở các bến cảng. Còn nếu muốn mua cả quả đồi để khai thác thì họ cũng bán, chỉ cần tiền nhiều không cần giấy tờ gì hoặc nhờ chủ đất chạy cho giấy tờ san gạt thì cứ thế khai thác thoải mái. Đất ở đây chủ yếu là khai thác lậu. Không ai cấp phép đất rừng làm điểm mỏ cả. Thường thì mỗi chủ có đất đồi bán 240 triệu/ ha, khi họ khai thác đất xong thì phải trả mặt bằng cho người dân để xây nhà”.

Lãnh đạo xã Yên Bồng có "tiếp tay"?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một số giấy tờ san gạt đất rừng của một số hộ dân chỉ được phép san gạt mặt bằng, không có mục nào ghi là được khai thác mà vận chuyển đất ra ngoài địa phương để bán. Ngoài ra trong giấy nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) với nội dung là “Thu tiền quyền cấp phép khai thác san gạt” chứ không có nội dung thu tiền tận thu khoáng sản san gạt khi dư thừa.

A1. Hb

Đại công trường khai thác đất của ông T. ở thôn 2 xã Yên Bổng

Điều lạ là, ở quyết định cho phép cải tạo mặt bằng của UBND huyện Lạc Thủy có mục cho phép: “Cải tạo mặt bằng, san lấp tại chỗ; phần dôi dư có nhu cầu khai thác cung cấp để san, lấp các công trình dự án trên địa bàn huyện”. Phải chăng lợi dụng quy định này một số cá nhân đang có dấu hiệu mắc ngoặc để khai thác vượt ranh giới cho phép, “tuồn” đất đi nơi khác một cách công khai, gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia?

Trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Gia Đình Việt Nam, ông Trần Mạnh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Yên Bồng khẳng định chắc nịch: “Việc san gạt đất hạ thấp độ cao của đất rừng có phép và được phép mang bán ra ngoài” (?).

“Đối với các hộ dân có đất rừng sản xuất họ đã có giấy xin phép chính quyền địa phương san gạt, hạ thấp độ cao để xây dựng nhà ở và xây dựng trang trại và xã đã có xác nhận gửi về huyện đề nghị tỉnh cấp phép để được san gạt. Còn trên địa bàn xã không cấp phép cho điểm mỏ nào khai thác mà chỉ cho điểm san gạt, san lấp”, ông Tuấn nói.

A3.HB

Xe tải vận chuyển đất từ điểm san gạt ra ngoài không che bạt làm ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Khi phóng viên đề cập đến việc lợi san gạt để vận chuyển đất ra ngoài mang đi bán có được phép không, thì ông Tuấn xác nhận:“Có việc vận chuyển đất ra ngoài để bán cho các dự án san lấp và nhập cho các tàu ở cảng. Vì tỉnh đã có chủ trương cho phép san gạt tại chỗ, số đất dư ra sẽ được chở đi ra ngoài địa phương rồi vận chuyển theo đường thủy. Số đất dư ra chuyển đi sẽ đươc thu thuế khai thác, thuế tài nguyên môi trường, thuế cấp quyền khai thác”.

Còn việc khối lượng đất bán ra ngoài thì ông Tuấn không biết, không biết huyện có giám sát hay không còn xã không quản lý và nắm bắt được khối lượng là bao nhiêu.

Câu trả lời của lãnh đạo xã Yên Bồng thì nói vậy, nhưng trên thực tế việc khai thác đất đem đi bán ra ngoài cảng không có ai kiểm soát và nhiều hecta đất rừng hàng ngày vẫn bị nhóm đất tặc khai thác một cách công khai mà không bị xử lý. Việc đất rừng đang bị “chạy máu” lãnh đạo xã Yên Bồng vẫn biết mà không động thái nào ngăn chặn, liệu lãnh đạo xã có bao che cho “đất tặc” tàn phá đất rừng?

Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc!

Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐT: 0916 950 168. Email: [email protected]

P. Sỹ - H. Hiếu  
Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm