Con xin lỗi vì không thể là con trai của bố
Tôi từng ghét bố vì khi tức giận ông ấy hay dùng những từ ngữ vô cùng tàn nhẫn để làm tổn thương một ai đó. Tôi từng coi thường bố vì ông ấy chỉ học hết lớp bảy rồi bỏ học.
- Nếu mày ở lại đây, bố sẽ lo cho mày tiền ăn học đến hết bốn năm đại học. Còn nếu ngày mai mày xách đồ đi theo mẹ mày, sau này chúng nó có đánh đập hay đuổi mày ra khỏi nhà thì cũng đừng quay về cái nhà này nữa.
- Con… sẽ đi theo mẹ. Nhưng con có ở với mẹ thì con vẫn về thăm bố vì bố vẫn là bố của con
- Nhưng nếu mày chọn đi theo mẹ mày thì tao không coi mày là con tao nữa…
***
Tôi từng ghét bố vì khi tức giận ông ấy hay dùng những từ ngữ vô cùng tàn nhẫn để làm tổn thương một ai đó. Tôi từng coi thường bố vì ông ấy chỉ học hết lớp bảy rồi bỏ học.
Ngày xưa ông bà nội tôi rất nghèo nhưng đó không phải lý do khiến bố tôi phải nghỉ học mà vì… ông ấy ghét đi học. Mẹ tôi về làm dâu chịu nhiều thiệt thòi vì chỉ là con một gia đình tri thức, không phải gia đình có điều kiện như ông bà nội mong đợi. Bố tôi là con trai trưởng và còn là trưởng họ nên mọi người ở quê khi biết bố tôi không có con trai nối dõi, họ khinh thường ra mặt. Mẹ tôi bị bệnh nên cũng chỉ sinh được mỗi mình tôi. Mọi người ở quê bố tôi và thậm chí cả ông bà nội tôi còn từng ủng hộ việc ông ấy có con ngoài giá thú.
Ảnh minh họa.
Do chịu nhiều áp lực từ phía gia đình rồi xảy ra cãi vã với mẹ tôi, bố quyết định đi làm phu vàng từ khi tôi còn đang đi học mẫu giáo. Ông ấy cứ đi biền biệt quanh năm. Vài tháng về thăm nhà được một lần, nghỉ ngơi tầm một tuần là lại khăn gói lên đường như đi ra trận. Thời gian trôi đi, bố tôi có tiền gửi về cho mẹ con tôi. Rồi tích cóp dần, ông xây được nhà đẹp và mua được xe ô tô. Từ hồi mẫu giáo, tôi đã có khuyên tai vàng mà nhiều bạn nữ khác trong lớp chỉ có thể nhìn ngắm và mơ ước. Rồi khi đi học cấp một, mẹ tôi mua cho tôi toàn quần áo đẹp và giày dép đắt tiền.
Thỉnh thoảng tôi còn được bố đưa đi học bằng xe ô tô nữa. Tôi biết nhiều bạn trong lớp hay ghen tị với tôi lắm vì cứ thấy bố đưa tôi đi học là sẽ có bạn ở cổng trường trầm trồ và xuýt xoa như thể tôi là ngôi sao Hollywood vậy.
Vào cuối năm học lớp 10, tôi bị tai nạn gãy chân phải. Bác sĩ nói rằng vết gãy đó không dễ lành, ngay cả khi xương liền lại thì khả năng chân bị dị tật cũng rất cao. Nghe tới đó, bố tôi bàn với mẹ cho tôi nghỉ học hẳn để ở nhà bán hàng tạp hoá vì điểm rả của tôi không được khả quan cho lắm. Các bác trong họ từng nói với bố tôi rằng tôi mắc chứng tự kỷ hoặc bị thiểu năng trí tuệ. Bởi tôi chỉ thích làm mọi việc một mình và không nhanh nhẹn hoạt bát được như các anh chị họ tôi. Quan trọng hơn, tôi không phải một thằng con trai tính hướng ngoại thích giao lưu với mọi người như bố tôi từng kỳ vọng khi mẹ mang bầu tôi.
Như một lẽ đương nhiên, sau khi tôi đỗ đại học, bố mẹ tôi quyết định ly dị. Hai con người sống ở hai thế giới ấy chịu ở cạnh nhau tới lúc ấy cũng chỉ vì tôi mà thôi, họ đã chẳng còn ngủ chung giường từ năm tôi mười tuổi rồi. Ngày mà mẹ con tôi chuẩn bị ra khỏi nhà, ông đã ném vào tôi những lời nói tàn nhẫn nhất tôi từng được nghe từ ông, như có hàng ngàn mảnh vụn thuỷ tinh cứa vào tim.
Mới gần đây, bố gọi điện cho tôi hỏi về mức lương hiện tại. Và rồi ông ấy lại thốt lên những lời khiến tôi chạnh lòng: “Mang tiếng là học trường đại học hàng đầu cả nước, tốt nghiệp hai bằng đại học rồi còn từng đi Nhật nữa mà làm giữa thủ đô, lương có hơn chục triệu như thế này là hỏng rồi. Đầy thằng chúng nó bằng tuổi mày, chẳng học hành gì mà lương đã hơn hai chục triệu một tháng. Có đứa còn mua được nhà, mua được xe rồi chứ chẳng phải ở nhà thuê như mày. Tốn bao công sức tiền của. Học nhiều mà để làm gì?
Bố tôi thích so sánh tôi với con nhà người ta lắm. Tôi đã học ngày học đêm để được trở thành sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội, để ông ấy có thể đứng trước những con người “ít học" ở quê mà tự hào về tôi lấy một lần. Nhưng mà không, dưới quê cũng có một chú có con học cùng trường với tôi. Mà quan trọng hơn là nó đã kiếm được tiền từ năm nhất đại học còn tôi thì vẫn phải ngửa tay xin tiền mẹ tới tận khi tốt nghiệp. Tôi đã cố gắng phỏng vấn đỗ chương trình đi thực tập Nhật Bản, vượt qua bao nhiêu bạn khác giỏi hơn tôi. Sang đó tôi đã kiếm được khoản tiền kha khá và có gửi về một ít để bố mua quà cho họ hàng vào dịp tết âm thì ông bảo ít quá chẳng mua được gì nên ông không lấy.
Và tôi ao ước một ngày nào đó tôi có đủ dũng khí để trả lời cho câu hỏi “Học nhiều mà để làm gì?” của ông như thế này.
“Mỗi con người sinh ra trong đời đều có sứ mệnh riêng và có những bài học cần phải học để sống trọn vẹn một kiếp người. Con sinh ra để làm con của bố và điều đó giúp con học được cách vượt qua tổn thương, học cách yêu thương những điều không hoàn hảo trong cuộc đời. Một người thầy từng bảo con rằng học cao rồi mang thứ kiến thức cao siêu ấy về tranh luận với cha mẹ ít học ở nhà để tự mãn về bản thân và coi thường cha mẹ thì đừng học nữa, càng học chỉ càng mang lại mâu thuẫn và bất hạnh thôi. Con người ta chỉ nhìn thấy cái được của người khác mà chẳng hề biết họ đã đánh mất thứ gì. Và khi nhìn vào bản thân, người ta lại nhìn theo chiều hướng ngược lại: Chỉ thấy những thứ mình thiếu thốn mà quên mất rằng mình đang có thứ quý giá mà nhiều người đánh mất. Học nhiều giúp con nhìn mọi vấn đề theo cách ngược lại.
Bố không phải người bố lý tưởng như trong những câu chuyện cảm động về người cha mà con từng đọc trên sách báo. Nhưng con chưa bao giờ ao ước có một người bố khác hay ước ao được sinh ra trong một gia đình khác. Bố tuy độc miệng nhưng trong tâm luôn quan tâm và lo lắng cho con, sợ con phải chịu khổ và thiệt thòi. Người ta nói con bất hạnh vì bố mẹ bỏ nhau. Nhưng thật ra là con rất biết ơn vì bố mẹ đã chịu hy sinh hạnh phúc của chính mình để con được có một gia đình cho tới năm mười tám tuổi.
Con có người bố biết kiếm tiền, chẳng để con chịu thiệt bất kỳ điều gì so với bạn bè. Con có người bố không bao giờ say xỉn, đánh đập và chửi bới vợ con vô cớ. Con có người bố từng có thời gian đeo tạp dề vào bếp nấu những món ăn thật ngon cho vợ con rồi mang quần áo của cả nhà đi giặt tay từng thứ một. Con có người bố chẳng qua trường lớp đào tạo nào cũng biết tự sửa quạt điện, máy vi tính và máy giặt hỏng
Đại học Quốc gia Hà Nội có thể không giúp con kiếm được nhiều tiền như bố mong đợi nhưng đã giúp con biết tha thứ, biết yêu thương và trân trọng những người mình từng oán ghét. Sau tất cả, bố biết không, điều con thấy buồn là bố đã cố gắng cho con mọi thứ con cần trong suốt cuộc đời này nhưng dù con có cố gắng đến đâu thì con vẫn không thể là thằng con trai mà bố luôn khao khát có được. Bố ơi, con xin lỗi vì không thể trở thành niềm tự hào của bố”.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Phạm Thị Nhật Linh
Địa chỉ: Phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội