Thứ bảy, 02/11/2024 02:41     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ ba, 27/06/2023 14:00

Con ước mình có cơ hội để hiểu ba

Nhiều năm trôi qua, khi nghĩ về ba, con vẫn canh cánh. Có phải ba có nỗi lòng, mà không ai hiểu, đẩy ba ra xa. Nếu được quay lại, liệu có cơ hội nào cho cả nhà đầm ấm bên nhau hay không…

Ba!

Cách đây hai tháng người bạn gửi con thông tin về cuộc thi “Cha và con gái”. Đọc những bài trên đấy, đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào yêu thương của cha con dành cho nhau. Con ngẫm nghĩ, mình sẽ viết gì. Con tưởng tượng mình là người bạn, kể lại câu chuyện cảm động của cha con bạn ấy. Nhưng đó đâu phải ba con mình.

Đắn đo mãi, con quyết định trải lòng. Một lần cho vơi, ba nhé!

Tình thương con dành cho ba, là điều hiển nhiên. Ba cũng yêu con, như bao người cha khác, phải không. Tuy nhiên đâu đó vẫn tồn tại một cái hố sâu thăm thẳm, ngăn cách ba con ta. Mỗi khi nhắc về ba, trái tim con nảy lên nhịp không tròn.

Khi con bắt đầu nhận thức, con chỉ biết mẹ. Một phụ nữ gầy gò ốm đau, gồng mình nuôi hai đứa con trong những năm nghèo đói. Mẹ sinh con được hai tháng thì ba bỏ đi biền biệt. Tuổi thơ của con là những ký ức chập chờn thiếu vắng hình bóng ba. Thuở con bé tí, mẹ đi làm gửi con cho hàng xóm. Người ta mặc con lang thang đầu làng cuối ngõ. Mẹ kể có hôm về sớm, thấy con gái mặc mỗi chiếc quần cộc, mũi chảy tèm lem, đầu trần giang nắng chang chang. Thấy mà xót. Lớn hơn chút, con và anh hai tự chơi với nhau.

Trưa đói bụng lục nồi cơm mẹ nấu từ sáng. Con nhớ món ăn thường ngày chỉ là quả cà pháo hái sau hè chấm mắm, trái bầu trước hiên đem om. Thêm vài con cá nhỏ xíu. Thỉnh thoảng mẹ bóp bụng mua miếng thịt cho hai anh em đỡ thèm.

nhung-cau-noi-hay-ve-tinh-yeu-buon-cua-con-gai-1

Ảnh minh họa.

Con được năm tuổi, ba trở về. Ba nói mấy năm qua ba đi bán “chợ trời”. Lúc đó con chưa hiểu, sao ba đem trời ra chợ bán. Ba xoa đầu con cười ha hả. Ba mang về nhiều đồ lỉnh kỉnh, mày mò lắp cái nọ gỡ cái kia, ra chiều bí mật. Vài ngày sau ba tặng con chiếc đồng hồ hình chuột mickey xinh đẹp. Không phải đồ mới, con vẫn thích vô cùng, luôn đeo trên tay, dù chưa biết xem giờ. Thỉnh thoảng nó giở chứng không chạy, ba đùa, giống con hay khóc nhè.

Mẹ kể hồi mới lấy nhau, ba mẹ rời chốn thị thành, dắt díu về quê phát hoang làm rẫy. Công sức bỏ ra nhiều, nông sản không bán được. Cuộc sống heo hút nơi khỉ ho cò gáy, đêm đêm làm bạn với tiếng muỗi vo ve, tiếng côn trùng rỉ rả. Ba quen lối sống nhộn nhịp, muốn trở về tìm kế sinh nhai. Không có kinh nghiệm, bị lừa, tay trắng hoàn trắng tay.

Những năm tám mấy, lao động tay chân là chính, lúa gặt xong cần người đập cho rơi hạt ra, gọi là suốt lúa. Mùa gặt ba làm công việc ấy. Ngày rảnh, ba nhận làm cỏ vườn. Ai thuê gì làm nấy. Chiều chiều đi làm về, ba cho con quả lê ki ma hái ven đường. Bây giờ, mỗi lần nhìn màu vàng óng ả đó, con lại hoang hoải nhớ về ba.

Yên ấm chưa bao lâu thì hai anh em phải sống trong sợ hãi vì những trận cãi vả của ba mẹ. Ba quát tháo đập đồ trong cơn say chếnh choáng. Không ít lần mẹ dắt hai đứa chạy sang nhà hàng xóm trốn, chui vào gầm ván nhà họ, sợ ba trông thấy. Nhiều đêm nín thở run rẩy ngồi bên hè, đợi ba ngáy đều mới rón rén vô nhà. Trí óc non nớt của con không thể nào hiểu nổi, người lớn không vui vẻ được sao?

Mẹ nói ba thất thời lỡ vận, nhiều chuyện không như ý, buồn chán mượn rượu giải sầu. Ban đầu uống lúc rảnh rỗi cho vui. Sau mỗi ngày đều uống, thành nghiện.

Lúc tỉnh rượu ba rất hiền, ai nói gì chỉ cười khề khà. Con nhớ ba thường công kênh con trên vai, đi khắp xóm. Dịp noel ba chở con trên chiếc xe đạp cũ nát, ra thị xã chơi, cách nhà hơn mười cây số. Chơi mệt, trên đường về con thiu thiu ngủ. Một tay ba giữ ghi đông xe, một tay quàng ra sau vịn sợ con ngã, chở con mang theo giấc mơ về những ngọn đèn lấp lánh nơi phố thị.

Con lên lớp ba, ba bỏ gia đình lần nữa. Những ngày vắng ba, con buồn, không ai chở đi chơi. Mẹ than ngắn thở dài. Nhiều lần muốn hỏi mẹ khi nào ba về mà không dám. Con học lớp năm, ba quay về. Niềm vui sum họp chưa tày gang, ba mẹ con lại khốn khổ vì những cơn say của ba. Con tự hỏi, rượu đắng nghét, cay lè, có gì ngon mà hấp dẫn ba đến thế.

Tốt nghiệp cấp một, ba mang hồ sơ nộp cho con thi vào lớp chuyên toán của tỉnh. Con không chịu. Ba dỗ dành, thi thử sức thôi. Ngày đi thi, ba cọc cạch đạp xe chở con ra thị xã, ngồi chờ con thi xong, muốn hỏi con làm bài được không lại thôi, chỉ động viên, con về ăn ngủ cho ngon. Hôm có kết quả, ba đi từ sớm tinh mơ chờ xem. Về chưa đến nhà, giọng ba oang oang đầu ngõ, con gái tui đậu chuyên toán rồi. Ba rủ bạn bè nhậu ăn mừng. Hôm sau, cả xóm ai cũng biết con thi đỗ. Con gắn liền với môn toán từ đó, cho đến khi tốt nghiệp đại học Bách Khoa. Nhiều lần con tự hỏi, nếu hồi đó ba không nộp hồ sơ thì giờ con như thế nào. Có lẽ con sẽ làm một công việc gì đó liên quan đến văn chương. Dù vậy, con vẫn cảm ơn ba, giúp con có được cách tư duy của người học khối tự nhiên, giúp con phai bớt tính mít ướt của mình.

Con học ngày hai buổi, tối về học bài đến khuya, sáng dậy sớm cho kịp đến trường vì nhà xa. Đêm thanh vắng, con vừa học vừa lóng tai, hễ nghe tiếng chó sủa vang đầu ngõ, con vội đóng sách vở, tắt đèn chui vô mùng, sợ ba về thấy nhà còn thức thì lèm bèm. Sau một hồi yên ắng, con trở dậy, mở đèn học tiếp. Con không thể làm gì, chỉ biết nỗ lực học, mong thoát khỏi cảnh phập phồng lo sợ.

Rượu bào mòn cơ thể, thêm lớn tuổi không còn sức lao động, ba đi làm cho hội bảo thọ của xã. Nhà nào có tang, ba nhiệt tình giúp đến khi người mất về nơi an nghỉ. Ai cũng khen ngợi, mấy ai biết cảnh héo hon trong nhà. Ba ở luôn trên hội, ít về. Càng về sau, ba càng phụ thuộc vào rượu. Con ma men bắt mất người ba hiền từ của con.

Con lên đại học xa nhà, mỗi lần về xót xa nhìn mẹ cắn răng chịu đựng ba la lối trong hơi men. Nghĩ đến cảnh con tự bươn chải vừa học vừa làm, mẹ đau bệnh ở nhà còn bị ba hành hạ. Con muốn cãi. Mẹ lắc đầu, khuyên con nín nhịn.

Con học năm thứ hai, anh hai vừa tốt nghiệp Bách Khoa. Một lần ba quát nạt khiến mẹ ngất xỉu. Anh hai quyết tâm đưa mẹ bỏ nhà đi nơi khác cho yên thân. Cơn giận của ba nhấn chìm mọi lý lẽ. Những câu chuyện được thêu dệt bên bàn nhậu về cuộc ra đi khiến ba mẹ con không còn đường về.

Vài năm sau, ba ngã bệnh, con và anh hai quay về chăm lo. Những ngày vừa đi làm vừa tất tả ra vào bệnh viện, con tự hỏi, khi xưa ba nói không cần vợ con, bây giờ nằm đây, bạn bè ba đâu cả rồi.

Không lâu sau ba mất. Lời cuối cùng ba nói, con xin cho ba xuống nhà xác, nằm đây ba đau ba la phiền người ta.

Ba không dành lời nào cho ba mẹ con.

Ba!

Nhiều năm trôi qua, khi nghĩ về ba, con vẫn canh cánh. Có phải ba có nỗi lòng, mà không ai hiểu, đẩy ba ra xa. Nếu được quay lại, liệu có cơ hội nào cho cả nhà đầm ấm bên nhau hay không…

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Hoàng Ngọc Thanh.

Địa chỉ: 1/10Đ, Nguyễn Văn Quá, P. Đông Hưng Thuận, Q12, Tp. Hồ Chí Minh

Ban tổ chức  
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Nhận bài dự thi “Cha và con gái” đến 24 giờ hôm nay
Xem thêm