Con nợ cha kiếp này
Cha đi rồi con mới nhận ra rằng, con nợ cha nhiều lắm. Con nợ cha những bữa cơm nóng sốt lúc cha khỏe mạnh, nợ cha sự chăm sóc ân cần lúc ốm đau, nợ cha sự an tâm về một mái ấm hạnh phúc riêng của đứa con gái xa nhà.
Lại thêm một mùa hoa phượng đỏ, tiết trời đầu tháng sáu dường như cũng ngỗ nghịch, chợt nắng chợt mưa, chợt oi bức và chợt lạnh giá. Nhìn những cánh phượng buồn rơi lã chã dọc hai bên đường, con nhớ cha vô cùng. Mới đó mà đã sáu năm trôi qua, ngày cha ra đi cũng vào mùa phượng nở.
Sau một đêm dài không ngủ, xe cũng đến được đầu làng. Một không khí thanh bình của quê hương tràn ngập. Từng cành cây, ngọn cỏ, dòng sông quê và cả những tia nắng tinh khôi kia cũng trở nên thận thuộc đến lạ. Trong lòng của đứa con gái xa quê bỗng rộn lên những trạng thái cảm xúc đan xen thật khó tả - sự vui mừng của trạng thái hội ngộ xen lẫn những hoài niệm ấu thơ một thời đã xa. Dù cảnh vật có thay đổi đến đâu con vẫn cảm nhận được những dấu chân thời thơ bé của mình quanh quẩn đâu đây. Những bước chân của con bỗng chùng lại trước tiếng gọi thổn thức của ký ức. Dáng mẹ già tất tả bước ra sân đón mừng con gái. Con choàng tay qua ôm mẹ, cảm giác ấm áp lan tỏa, xua tan hết những nhọc nhằn âu lo ngoài kia. Con bước vào gian nhà thờ để chào cha. Thắp nén nhang trầm, con chắp tay trước ngực: Con về đây rồi, cha! Ngày mai là giỗ cha, đã sáu năm trôi qua con không được gặp cha, con rất nhớ cha…” mắt con bỗng nhòe đi trong làn khói hương mờ ảo. Sáu năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm qua…
Ảnh minh họa.
Khi nghe tin bệnh của cha trở nặng, con thu xếp về ngay. Nhưng quê nhà xa xôi quá, tâm trạng con trĩu nặng dần theo những bánh xe lăn. Đêm ấy trên xe với con là một đêm thật dài. Lòng con cồn cào sốt ruột, mong cho mau về đến nhà. Vậy mà, … lần đầu tiên trong đời, con cảm thấy mười phút quý giá vô ngần, vì đó là mười phút con trễ hẹn với cha, trễ hẹn cho lần gặp mặt cuối cùng!
Cha nằm đó, thản nhiên như nằm ngủ. Con đứng lặng nhìn cha, những tháng ngày thơ ấu bên cha như cuộn phim quay chậm, dần dần hiện lên trong ký ức. Nhớ mỗi tối sau khi ngoài đồng về, cơm nước xong, bên ngọn đèn dầu leo lét, cha hay kể chuyện cho các con nghe. Với các con lúc đó, cha là một kho tàng cổ tích, truyện cười và là nguồn văn chương vô tận. Lần nào cha kết thúc câu chuyện hài cũng là những trận cười vang của trẻ thơ. Cha kể về tuổi thơ của cha, về những lần cha đi học được thầy giáo khen những bài văn cha viết, cha đọc lại cho các con những câu văn cha tâm đắc nhất.
Cha là người thầy đầu tiên của các con theo đúng mọi mọi khía cạnh. Cha dạy các con đọc những con chữ đầu tiên, dạy các con viết những nét đầu tiên. Cha dạy các con cách viết sao cho đúng chính tả, cách hành văn sao cho chặt chẽ. Cha là người đầu tiên dạy con biết ước mơ, và con đã từng mơ ước rằng, sau này lớn lên con sẽ trở thành một nhà văn, để viết những tác phẩm theo cách riêng của mình.
Mười lăm tuổi con đã xa vòng tay cha mẹ để chuẩn bị cho tương lai. Những điều mới lạ chốn thị thành có một một sức hút mãnh liệt với một cô gái thôn quê. Thế nên, con đã chọn xứ người làm bến đỗ cho đời mình sau khi xong đại học. Ai đó đã nói rằng, một khi chọn cuộc sống xa cha mẹ đã là điều bất hiếu. Ngẫm lại con thấy rất đúng. Năm mươi năm có cha trên đời, con chỉ sống gần cha được mười lăm năm đầu đời. Rời tổ ấm lên thành phố học, con lại tiếp tục tạo thêm gánh nặng cho cha mẹ trong thời buổi nhà mình còn quá nhiều khó khăn.
Vào đại học một thời gian con được chọn đi thực tập ở một nước Đông Âu, cha mẹ phải tạm gát công việc đồng áng, khăn gói lên thành phố tiễn con đi. Lo sợ con không quen với thời tiết lạnh nơi xứ người, cha mẹ sắm sửa cho con nhiều đồ ấm, và mọi thứ cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi của con. Con nhận lấy như một lẽ dĩ nhiên mà không cần biết cha mẹ lấy đâu ra số tiền nhiều như thế để lo cho con. Sau một năm con trở về, từ xa con đã thấy bóng dáng cha đứng bên cạnh mẹ, liên tục vẫy tay hướng về phía con giữa những đám người đông đúc ở sân bay.
Rồi con lấy chồng, do điều kiện địa lý xa xôi, đám cưới của con chỉ được tổ chức ở thành phố. Cha lại khăn gói lên thành phố dự đám cưới con gái. Lần đầu tiên con thấy cha khoác lên người chiếc áo vét tông sang trọng. Tiệc cưới tàn, cha về chỗ trọ của con, cởi áo khoác ra và nói: Cha ráng mặc chứ nóng quá, cha không quen… Nhìn lưng áo sơ mi của cha ướt đẫm mồ hôi con thấy nghèn nghẹn trong lòng… Rồi các con của con ra đời, con càng thêm bận nỗi lo cơm áo, ít khi về thăm cha mẹ. Khi các con của con đang tuổi ăn học thì cha không còn khỏe nữa, chứng bệnh viêm phổi mãn tính đã lấy đi dần sức lực của cha. Thi thoảng con mới về thăm cha vì còn công việc. Con thường nói với cha, cha cố gắng khỏe chờ đến khi con nghỉ hưu con sẽ về quê sống với cha mẹ thật lâu. Nhưng rồi, cha đã không thể chờ con được nữa!
Cha đi rồi con mới nhận ra rằng, con nợ cha nhiều lắm. Con nợ cha những bữa cơm nóng sốt lúc cha khỏe mạnh, nợ cha sự chăm sóc ân cần lúc ốm đau, nợ cha sự an tâm về một mái ấm hạnh phúc riêng của đứa con gái xa nhà nhất, nợ cha những lời hỏi han ân cần thường xuyên, nợ cha việc thực hiện ước mơ từ thời thơ bé… và hơn cả, con nợ cha cái nắm tay trong khoảnh khắc cuối cùng của vòng xoay sinh tử. Đã có lúc con tưởng chừng mình không vượt qua được nỗi đau mất cha… Nhưng rồi cuối cùng con cũng đã gượng dậy được, đó là lúc con nhận ra rằng, ở một góc độ nào đó, cái chết còn là bắt đầu của sự sống. Và con vẫn tin rằng, cha vẫn luôn bên cạnh con, ngay cả những lúc khó khăn nhất.
Năm mươi năm có cha, với con đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Con luôn hãnh diện về cha, dù cha chỉ là một nông dân bình thường, một thầy giáo nghèo thời khốn khó, nhưng các con cháu của cha nhiều đứa là thầy cô giáo, kỹ sư, bác sĩ. Tiếc rằng cha không sống lâu hơn để chứng kiến sự trưởng thành của con cháu. Vắng cha, các con trở nên bơ vơ, ngơ ngác. Là phận mồ côi thì dù là đứa trẻ thơ hay người đầu bạc cũng có nỗi đau như nhau, dẫu biết rằng không ai tránh khỏi quy luật sinh tử thường tình. Cho dù ngàn đời nước mắt vẫn chảy xuôi, con vẫn cảm thấy mình nợ cha nhiều lắm. Nếu có kiếp sau con vẫn muốn làm con của cha lần nữa.
Cha hãy ngủ yên nhé, con gái của cha đang có gắng sống thật tốt mỗi ngày và yêu thương mẹ nhiều hơn, Con xin cảm ơn cha vì tất cả. Con nhớ cha vô cùng!
Con gái của cha
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Nguyễn Đào
Địa chỉ: Công ty cổ phần du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu