Con là đóa Trà My
Nếu con gái, ba sẽ đặt là Trương Ngọc Trà My! Trà My là đóa hoa nhỏ dịu dàng bé xíu, trắng tinh khôi, thơm dịu.
Ba con là con trai duy nhất trong gia đình chín người con. Bao nỗi trông mong của cả dòng họ để có người dõi tổ tông đổ dồn vào mẹ. Nội thì đã có tuổi, nay ốm mai đau, nội sợ ngày gần đất xa trời, nên niềm mong mỏi ngày một thôi thúc.
Ngày đó, hay tin mẹ có thai, ba con mừng khôn xiết, vì mẹ đã bị hỏng hai lần. Người Mẹ ốm nhom gầy guộc, ai cũng lo lắng vì sơ không đủ sức khỏe để đẻ. Mẹ trễ kinh một tuần, thử que có tin vui, ba mừng khôn tả, ba sắp xếp chở mẹ đi khám. Con đường quê vắng lặng, ba con chở mẹ chạy bon bon mặc cho cái nắng trưa đổ lửa đuổi giọt mồ hôi.
Bỗng: Ầm! Mẹ và ba nằm chõng quèo, xe văng ra xa, hai con bò nghé sổ dây hoảng hồn nhảy chân sáo chạy lon ton khấp khởi. Mẹ đau điếng, oằn người không dậy nổi, cái nắng của mặt đường áp bỏng da. Mẹ đau và không dám ngồi dậy sau một thoáng chợt nghĩ dại.
Ba chạy đến vội vàng đỡ mẹ dậy rối rít, xuýt xoa và lo lắng, lật áo lên xem, khắp hông và đùi bầm đen. Ba đỡ mẹ ngồi lên xe, nghiêng cả người. Ghé vào nhà một người bạn thân nghỉ chân tạm cho mẹ đỡ đau và mua nước mát để xoa dịu.
Ảnh minh họa.
Mẹ chưa định thần được điều gì vừa xảy ra. Vào khám, siêu âm không thấy gì. Bác sĩ đưa kết quả nội mạc tử cung dày lên và chưa phát hiện bất thường gì khác. Bác sĩ cho mẹ uống hẳn ba tháng đầu liên tục của thai kỳ, vì mẹ có tiền sử sảy thai. Mẹ được ba chăm sóc chu đáo bằng những bữa ăn dặm trong những ngày ốm nghén. Chỉ có những ai đã từng trải qua kỳ nghén thì mới thấu được, ăn vào rồi ọc ra. Hết ba tháng nghén mẹ tụt hẳn gần 2 kg.
Ba nóng bụng vì lo mẹ gầy, vì lo… con đói. Có lúc ba tiềm dừa với bồ câu và thuốc bắc, chưng cách thủy cả hơn tám giờ đồng hồ, mềm nhừ, thơm phức, ba năn nỉ mẹ ăn và ngồi canh mẹ ăn, ăn xong, mừng chưa lâu, dội thì vẫn dội. Ba bảo, dù con gái hay trai, vẫn là con của mình, dù gái hay trai vẫn vui, vì đó là hồng phúc. Nếu con gái, ba sẽ đặt là Trương Ngọc Trà My! Trà My là đóa hoa nhỏ dịu dàng bé xíu, trắng tinh khôi, thơm dịu.
Ảnh minh họa.
Những ngày mẹ chuẩn bị sinh con là những ngày ba vô cùng vất vả. Công việc tất bật giữa mùa thi học kỳ, ba còn chăm sóc mẹ khi mẹ về nhà ngoại ở để chờ sinh, rồi loay hoay chăm nội, lo nhà cửa cơm nước, thương hơn nữa là ba dạy tận ngoài huyện Thuận Bắc, cách nhà cả ba mươi cây số. Mẹ chuyển dạ, giữa trưa, chưa cơm nước gì. Lưng đau dữ dội, không đi đứng gì được nữa, ba lo lắng xoa, đấm, vỗ về. Ba chạy vội mua cho mẹ ly nước chanh đá trong căn tin bệnh viện để mẹ có sức rặn, con oa oa khóc vang cả phòng.
Ba mừng rơn, chạy lớn ta lớn tớn khoe mọi người, rồi ghé tai vào phòng hộ sinh hỏi lớn: “Vào được chưa chị? Vào được chưa bác sĩ?”.
Mẹ mệt nhoài nhưng vô cùng hạnh phúc bên đóa hoa nhỏ xinh của mẹ. Môi con chúm chím đỏ hồng, cái cằm lẹm bé xiu.
Ba con vất vả hơn bội phần khi phải phụ ngoại nuôi đẻ. Ngày đó, máy giặt chưa có. Mọi áo quần giặt giũ đều khổ sở cho những ngày mưa dầm. Ba dậy thật sớm, nấu nước xông, giặt quần áo… mọi thứ xong xuôi mới bắt đầu đi dạy. Chiều về lên rẫy hái lá, hái rau… Đường xa, ngược gió, chiếc xe 81 cũ, ba vẫn miệt mài với lòng rộn vui.
Ba luôn thức canh hai mẹ con mình suốt những ngày mẹ ở cữ. Ba treo cái võng giăng ngang hai khung cửa sổ. Căn phòng nhà ngoại tối om ỏm, nóng vắt mồ hôi. Có lần, bất chợt mẹ thức giấc giữa khuya để cho con bú tí, mẹ thấy ba nằm trên giường, ngay bên cạnh con gái, nhưng điều thật lạ là chiếc khăn của con, ba kéo đắp cho mình tự bao giờ. Nhìn hai giọt nước ngủ say sưa mẹ vô cùng hạnh phúc. Mẹ nhìn ba, mà thấy yêu thương vô cùng.
Con được bốn tháng, ba mẹ xây nhà trên nền đất cũ nhà nội. Ba sợ, đến mùa hè, trời đổ nắng con sẽ không chịu nổi trong cái phòng bé tí chỉ để vừa đủ cái giường, còn khung mùng thì đụng mái tôn. Ba sợ mùa mưa bấc, tôn cũ, ướt dột. Ba sợ lá me khô len lỏi đổ xuống, ngứa da non của con gái… Ba mẹ đâu có tiền dành dụm, cũng chẳng có của cải gì. Có chăng là hai khoản lương vay ngân hàng đã thế chấp bao nhiêu tháng. Nhưng dù thế nào, ba mẹ cũng phải thật sự cố gắng! Ngôi nhà được xây lên khang trang như một tổ ấm đầy mơ ước. Một tổ ấm nhỏ, ríu ran tiếng cười nói của những đước trẻ, khi xưa ba mẹ từng mơ giờ đã nên vóc nên hình.
Con là cả thế giới vô ngần đẹp đẽ, là hoài bão ủ ấp bao lâu của một tình yêu trong trẻo từ thời phổ thông của ba mẹ. Cả nhà rộn vui! Vui hơn nữa khi nội nói: "Cháu trai hay gái cũng đều là cháu". Tiếng khóc của con, căn nhà trở nên chộn rộn, tiếng cười của con giòn giã như những giọt nắng vàng rót xuống sân trưa.
Đóa Trà My nhỏ của mẹ lớn lên từng ngày trong niềm yêu thương ấp ủ. Con theo ba nhiều hơn, con cười giòn tan khi được ngồi trên bụng ba. Ba cõng con trên lưng, đội con lên vai, con là cả bầu trời, là đôi cánh nhỏ xòe vươn trong những buổi chiều gió lộng trên đồi, cả nhà mình tung tăng rong chơi trên đồng chiều, con là vô ngần thế giới.
Cảm ơn con đã đến bên đời ba mẹ! Cảm ơn một tình yêu chín mùi! Cảm ơn những thăng trầm của cuộc sống, những mỏi mệt của công việc đã qua, để ba mẹ được chạy vội về nhà như xua tan hết nhọc nhằn gửi vào ánh mắt trong veo đen láy, vào đôi môi chúm chím của con yêu.
Bài dự thi Cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Lê Thị Huyền
Địa chỉ: Trường THCS An Dương Vương Ninh Hải - Ninh Thuận.
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!