Thứ năm, 31/10/2024 14:49     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 18/06/2023 07:00

Con là cô gái “đặc biệt” nhưng gia đình yêu con

Ba luôn có niềm tin ở con gái đặc biệt của ba. Chỉ có tình yêu thương và phương pháp đúng mới giúp được con. Thay vì trách móc hay chối bỏ, hãy làm những gì tốt nhất cho con.

Ba đã từng hạnh phúc

Nhân duyên giữa Ba và con gái khởi đầu thật tươi đẹp. Ngày mẹ biết có thai con cũng là lúc Ba vỡ òa với cảm xúc lần đầu làm Ba. Ba đã rất vui mừng, sung sướng con ạ.

Lần đầu làm Ba chưa có kinh nghiệm, vụng về nhưng Ba đã hy vọng rất nhiều. Ba chăm sóc mẹ, đi chợ nấu ăn cho mẹ. Ba mua gà nấu tẩm bổ cho hai mẹ con ăn, chăm sóc mẹ khiến cho các cô bán hàng ở chợ đều quen mặt Ba. Ba tranh thủ công việc đưa mẹ đi khám thai, nhìn ảnh siêu âm của mẹ, Ba đã rất xúc động và hạnh phúc.

Cũng có những lo lắng hồi hộp, ngày mẹ bị động thai phải nhập viện, Ba xin đơn vị nghỉ phép, thức nhiều đêm chăm mẹ con trong viện, động viên tinh thần mẹ đến khi hai mẹ con an toàn được ra viện, Ba mới yên tâm trở lại đơn vị. Ngày mẹ sinh sớm, con ra đời trước ngày dự sinh, Ba rất bất ngờ, Ba nhớ như in ngày hôm đó tối thứ tư, ngày 19 tháng 12 năm 2018, buổi tối sau khi điểm danh quân số xong, Ba ra ghế đá đơn vị điện thoại nói chuyện với mẹ.

Ba và mẹ nói chuyện rất vui vẻ về cái tên Đoan Trang đặt cho con gái. Về tương lai sau này, thậm chí nghĩ đến cả chuyện xa vời khi con lớn lên sẽ thi trường Đại học nào...

kinh-nghiem-lan-dau-lam-cha-hinh-anh1

Ảnh minh họa.

Sau khi Ba và mẹ nói chuyện về con gái sắp chào đời của ba mẹ, Ba đã đi ngủ với nụ cười, và trong giấc mơ Ba cũng mơ về tương lai của con gái Ba với bao điều tốt đẹp và tươi sáng. Gần 11 giờ đêm hôm đó, Ba bị đánh thức dậy bởi cuộc gọi của Bà nội thông báo, Ba vào Bệnh viện gấp vì mẹ đã có dấu hiệu sinh sớm. Ba đã từ đơn vị xin phép cấp trên về ngay trong đêm với hai mẹ con trong bệnh viện. Mẹ đã vỡ ối, nhưng con còn non tháng, chưa tới thời gian ra nên buộc phải mổ sớm để đưa con ra, nếu không sẽ nguy hiểm cho con và cả mẹ. Ba đã rất lo lắng, cả đêm đứng ngoài hành lang bệnh viện chờ tin hai mẹ con.

Con ra đời bé xíu, chính Ba là người đầu tiên bế con, đưa con từ phòng sơ sinh về giường bệnh viện cho mẹ. Ba nâng niu công chúa nhỏ của Ba, Ba vẫn nhớ cảm giác không thể diễn tả lúc ấy. Cả thế giới của Ba thu lại chỉ vừa bằng cô bé ấy. Con là sự tiếp nối của Ba, cả nguồn sống của Ba đang nảy nở. Ba nâng niu con vì con rất nhỏ, rất bé bỏng. Con thật đáng yêu và quý giá.

Những ngày đầu tiên của cuộc đời con cũng là tự tay Ba chăm sóc. Đẻ mổ nên mẹ con rất đau đớn sau khi thuốc mê tan. Là Ba đã bế con từ phòng chăm sóc đặc biệt cho những trẻ sinh non qua phòng bệnh của sản phụ đẻ mổ cho mẹ, cho con gái bú từng giọt sưã bình khi mẹ con chưa có sữa mẹ kịp về. Ba đã rất vụng về khi lần đầu thay tã cho con, vì con bé xíu, mà Ba không được khéo léo. Những bỡ ngỡ ngày đầu làm cha khiến Ba cả đời này không quên được. Khởi đầu nhân duyên của hai Ba con mình thật đẹp.

Con là nước mắt, là nỗi buồn của Ba

Vì tính chất công việc, tuổi thơ của con ít có hình bóng Ba, mẹ con vừa phải đi làm, vừa phải thay Ba làm công việc của cả Ba và mẹ. Nhà thiếu đi trụ cột của người đàn ông, không có ông bà nội ngoại ở gần đỡ đần nên mẹ con đã cho con rất nhiều thời gian xem điện thoại để mẹ làm việc thay vì chơi với con như những đứa trẻ khác. Con chậm phát triển hơn các bạn cùng trang lứa. Hai hai tháng con chưa nói, có nhiều biểu hiện bất thường, chưa biết bye bye tạm biệt, con như tờ giấy trắng.

Ngày đưa con đi khám ở Bệnh viện Tâm lý tâm thần trẻ em, ba mẹ đã không tin kết luận của Bác sĩ khi nói con là trẻ đặc biệt. Con bị chậm phát triển tâm thần, rối loạn chú ý và ngôn ngữ.

Một em bé sáng sủa, xinh xắn như thế. Ba là sĩ quan quân đội, mẹ là giáo viên sao có thể là trẻ đặc biệt, là trẻ rối loạn phát triển, biểu hiện gần giống trẻ tự kỷ. Ba đã đau khổ, đã dày vò, đã tìm nguyên nhân và đổ lỗi. Ba đưa con đi các trung tâm để can thiệp. Ba tìm hiểu về tình trạng bệnh của con, từ các tài liệu sách báo, trên mạng internet. Tuy nhiên những nhận thức về những loại tật như tự kỷ, tăng động, rối loạn phát triển ở trẻ em còn rất mới ở Việt Nam. Rất nhiều người chưa có nhận thức về những rối loạn phát triển tâm thần, tâm lý đó. Tài liệu để phụ huynh hiểu về bệnh của con mình, hoặc tài liệu giúp phụ huynh can thiệp ở nhà, những tài liệu dụng cụ hỗ trợ cho trẻ hòa nhập còn rất ít và hạn chế. Thậm chí có những người không hiểu còn ghét bỏ, xa lánh coi trẻ đặc biệt là gánh nặng.

Hoa sen nở nên từ bùn, từ đau khổ thất vọng, ba tìm thấy ánh sáng.

Sống trong môi trường quân ngũ đã rèn cho ba bản lĩnh không chùn bước trước những khó khăn. Những bệnh về rối loạn phát triển tuy còn mới ở nước ta nhưng ở nước ngoài họ đã biết về những tật đó từ rất lâu rồi. Ba đã lấy câu chuyện của thiên tài vật lý Einstein để vực lại tinh thần và động lực cho mẹ. Khi còn nhỏ, Einstein không hề có biểu hiện gì nổi trội, thậm chí là phát triển trí tuệ rất chậm. Năm 4 tuổi, ông vẫn chưa biết nói, thầy Hiệu trưởng trường Einstein theo học cũng quả quyết với cha cậu rằng “thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”.

Ba luôn có niềm tin ở con gái đặc biệt của ba. Chỉ có tình yêu thương và phương pháp đúng mới giúp được con. Thay vì trách móc hay chối bỏ, hãy làm những gì tốt nhất cho con. Ba đã dần biết cách để giúp con mình. Cũng giống như người làm vườn, Ba không tìm cách loại bỏ rác, Ba biết cách dùng rác làm phân bón để vun đắp cho những bông hoa tươi đẹp. Và con gái giúp Ba nhận ra rằng không có rác thì không có hoa. Và bùn nhơ lại nở ra những bông sen thanh khiết.

Ba tin vào tương lai của con, một em bé đặc biệt. Với sự luôn đồng hành của Ba cùng con, con đang dần tiến bộ. Có những điều kỳ diệu mà chỉ có tình yêu, sự thấu hiểu mới có thể làm được. Ánh sáng lại trở lại sau những ngày mưa giông. Lần đầu, cũng là từ đầu tiên mà con phát âm ra trên khuôn miệng xinh xắn của con là từ “BA”. Ba đã vỡ òa, đã khóc những giọt nước mắt trong hạnh phúc.

Con gái à, dù con có thế nào, cả nhà vẫn yêu thương con vô điều kiện. Với tình yêu thương, sự dạy dỗ kiên nhẫn của Ba mẹ, gia đình nhỏ của mình sẽ cùng nhau vượt qua thử thách này con nhé.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Lê Sỹ Hoàng

Địa chỉ: Trường Quân sự Quân khu 7, 479 Đường Tô Ký, KP2, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức  
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Nhận bài dự thi “Cha và con gái” đến 24 giờ hôm nay
Xem thêm