Thứ bảy, 18/01/2025 01:25     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ bảy, 05/08/2023 07:00

Có kiếp sau con xin được làm con gái cha lần nữa!

Nếu kiếp sau là có thật, con sẽ lại làm con gái của cha lần nữa cha nhé. Con muốn thế. Lúc nào cũng khao khát được vậy. Cảm ơn cha vì cha đã là cha của con.  

Con đã rất sợ cái chết cha ạ.

Cha nhớ không. Ngày bà Tứ ở cuối xóm mất, con về nhà khi thấy cha đang ngồi hút thuốc một mình ở sân. Cái sân thì to cha thì nhỏ thó. Con thấy từng sợi nắng thẩn thơ bên cha, cùng với khói thuốc. Chúng vô tâm vô tính trước vẻ trầm ngâm tư lự của cha. Con đã hoảng hốt hỏi dồn. “Cha, cha, sao cha ngồi đây, mẹ đâu cha”. Cha bảo mẹ vừa đi chợ, chắc cũng sắp về rồi. Tiếng cha từ tốn, chậm rãi và bình thản. Không hiểu sao trong lòng con lúc đó cứ cồn lên những nhặm nhọt trách cứ. Con không muốn mẹ để cha một mình, dẫu cái việc đi chợ đã thường xuyên, mẹ chỉ loáng ra rồi về ngay.

Con chạy vào nhà pha trà. Bình trà còn nóng, cha pha chưa uống. Đó là một việc lạ. Thường thì cha pha trà và đợi trà tại bàn uống nước, ít lắm việc cha pha trà xong rồi bỏ đó. “Bình trà lạnh thì nước không ngon nữa”. Cha vẫn hay bảo thế trong lúc uống trà. Phòng khách rộng, bình trà thì nhỏ. Cha cũng nhỏ. Hay tiếng trống đám ma cuối xóm khuấy động lòng cha. Cha sợ một mình.

132790_10663-29822419

Ảnh minh họa.

Con uống trà cùng cha. Ly trà bé. Cha dặn con không bao giờ được rót tràn ly trà, không được uống trà một mạch. Phải nhấp nhẹ và đợi vị trà tan ra. “Vị ngọt dịu đợi con ở đầu lưỡi”. Trà không phải là thức uống giải khát. Trà càng không phải là thức uống gọi ồn ào. Trà đợi người tri kỷ, bằng không thì nên uống trà trong lặng im và một mình.

Con tập tành theo cha. Con bắt đầu biết phân biệt từng loại trà. Cách pha và chế nước. Nhưng tâm thái uống trà chậm rãi, từ tốn, nhẹ nhàng thanh thoát như cha thì con chưa làm được. Con cần thời gian. Những vụn vặt bên ngoài đang tung hoành trí não làm con xao động. Con vơ vào mình nhiều quá. Mà những tạp âm ấy, đáng lẽ cũng phải được gạn lọc đi như cách cha bày con pha trà.

Cha đối diện với mình khi uống trà. Con đối diện với bạt ngàn ồn ã bên ngoài. Con tìm trà để lắng lại. Con sai rồi đúng không cha. Ít nhất là có lỗi với một ly trà, ngay tại thời điểm đó, nó không mang sứ mệnh giải thoát.

Cha bảo con uống trà đi. Cầm mãi, nguội ngắt ra cả rồi. Nhưng con còn lấn cấn nhiều quá cha à. Tiếng trống đám ma ở cuối xóm có làm cha cả nghĩ không. Cha có sợ cái chết không. Nhưng con không dám hỏi. Con sợ cha ạ. Con hèn lắm khi đối diện với cái chết. Con sợ một mình. Con thương cha. Cha ốm đã 10 tháng, cơ thể như cành củi khô, đợi gió lay để rụng. Con biết thế rồi còn muốn hỏi cha làm gì.

Con chưa hình dung được về cái chết cha ạ. Cả tiếng trống đám ma ấy, con cũng không để ý. Con nghe vầy thôi. Một trạng thái nghe cơ học, chỉ là dấu hiệu để nhận biết nhà có đám. Rồi con sẽ chẳng mấy động lòng mà hỏi. Ai mất đó cha? Bao nhiêu tuổi. Mất vì lý do gì. Chốc nhà mình có sang thắp hương không cha? Chỉ vầy thôi.

Tiếng trống đám ma nằm ngoài khuôn viên nhà mình nên cái chết cũng đang nằm ngoài suy nghĩ của con. Con dửng dưng và vô tâm. Nhưng chén trà hôm nay nhạt quá. Cha bảo con thôi thêm nước, nay cha muốn uống vậy. Ánh mắt cha mênh mông buồn. Mắt cha lấp lánh nước. Cha khóc phải không cha?

Con đã không hỏi cha câu gì cả. Con lặng lẽ uống trà với cha. Ngay lúc đó, con chỉ có thể nghĩ được. Tiếng trống đám ma vẫn đang nằm ngoài khuôn viên nhà mình cha à.

Tan cữ trà thì cha đi nằm. Con lặng lẽ thu dọn. Bình trà phải được sạch sẽ như cũ để sáng mai cha lại tiếp tục ngồi ở góc này. Chỉ mình cha thôi. Mẹ đi chợ và bận bịu đủ thứ việc nhà. Con thì đi làm. Cha đã quen lắm với sự một mình rồi, chỉ là hôm nay, tiếng trống đám ma đột ngột chen vào sự một mình của cha. Con thấy bất an. Rồi con lại thấy vui vì sự có mặt của mình hôm đó. Con không muốn cha một mình. Nhất là khi trong xóm có người vừa mất, nghe tiếng trống mà thấy được ngày mai của mình.

Điều con sợ đã chầm chậm đến. Không hề đột ngột nhưng cắc cớ. Cha đi, sau khi dặn dò rất nhiều cho những người ở lại. Ngay cả phút ấy con vẫn còn vùng vằng và chưa chấp nhận cái chết. Nó đang ở đâu đó xa lắm. Con chưa quen với tiếng trống đám ma trong khuôn viên nhà mình. “Cha à, rồi cha sẽ khỏe thôi mà. Không sao đâu cha”. Cha cười nát vụn. “Cái chết là có thật con à. Con phải tin là nó có thật. Gần lắm. Nó sống ngay cạnh mình”.

Cha đuổi con về vì con vừa sinh. Cha thương cháu khóc đòi sữa. Con thương con như cha đã thương con. Con thành đứa con bất hiếu, là đứa con duy nhất của cha không ở bên cha vào phút cuối cùng. Có lẽ cha muốn thế. Đó là tình thương cuối cùng cha dành cho con. Bao la và trọn vẹn. Cha không muốn con đối diện với cái chết đúng không cha.

Bây giờ thì con tin cái chết là có thật rồi cha ạ. Con sợ sự chia lìa. Con vẫn thường nói rằng không sống để trả nợ kiếp trước, cũng không sống để nối duyên cho kiếp sau, mình phải sống trọn vẹn cho kiếp này và ngay bây giờ. Con vẫn rất mơ hồ về việc luân hồi muôn kiếp cha ạ. Nhưng nếu kiếp sau là có thật, con sẽ lại làm con gái của cha lần nữa cha nhé. Con muốn thế. Lúc nào cũng khao khát được vậy. Cảm ơn cha vì cha đã là cha của con.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Nguyễn Hồng

Địa chỉ: Số 75, Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm