Thứ tư, 15/01/2025 17:54     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 07/06/2023 08:27

Có bao giờ con thấy xấu hổ vì cha?

Rốt cuộc, cha phải có bao nhiêu bao dung, bao nhiêu yêu thương mới có thể suy nghĩ cho con một cách trọn vẹn đến mức lo sợ con sẽ thấy xấu hổ vì mình như thế?

Cha tôi là một người đàn ông trưởng thành, hay suy nghĩ và rất tinh tế. Trong kí ức của tôi, cha thật sự đã nhiều lần làm tôi khóc. Có những giọt nước mắt từ những trận đòn roi dạy dỗ, cũng có những giọt nước mắt uất ức khi tranh cãi mà bất đồng quan điểm. Và… có cả những lần cha làm tôi khóc vì thật sự xúc động bởi những hành động của ông.

Những ngày tháng đi học, cha là người không ngại nắng mưa đưa đón tôi đến trường. Bất kể là học sáng, học chiều, học thêm hay đi ôn luyện thi học sinh giỏi – mọi nẻo đường, cha là người đồng hành với tôi. Cha không phải là người rãnh rỗi, cha cũng bận, cũng đi làm, nhưng tranh thủ, cha đón đưa tôi đều đặn như nhịp đập của con tim – con tim của người cha thương “cô công chúa nhỏ” của mình thật nhiều.

Mỗi trưa tan học, chạy ào ra cổng trường, cha ở đó, bộ đồ tươm tất vừa thay. Tôi ngây thơ hay vô tâm khi chẳng nghĩ gì nhiều, à ừ…, chắc cha tiện đường từ nơi làm việc về nhà thay đồ rồi mới qua trường đón tôi thôi. Cứ nghĩ thế...

nguoi-cha-tot-1

Ảnh minh họa.

Rồi một hôm, tan học, nhìn loanh quanh mãi mới thấy cha, hôm nay cha không vẫy tay gọi tôi, cha ngồi im lặng giữa đám đông phụ huynh đợi đón con. Hôm nay, cha mặc bộ đồ lấm lem đến đón tôi. Thấy cha, tôi vội chạy đến: “Sao cha ngồi đây mà nãy giờ không kêu con. Con nhìn mãi mới thấy cha đó”. Cha cười, đưa nón bảo hiểm cho tôi. Xe chạy khỏi cổng trường một đoạn xa, cha cất lời: “Bữa nay tan làm trễ, cha không kịp về thay đồ.”

“Con có thấy xấu hổ khi cha mặc bộ đồ lấm lem như này đến đón con không ?” – cha ngập ngừng hỏi. Tôi ngạc nhiên: “Sao lại xấu hổ? Con thấy bình thường mà”. Cha cười cười... “Mấy ông bà kia làm việc này kia, đi đón con toàn đi xe hơi, mặc đồ lịch sự”...

Cha không nói gì thêm, tôi cũng im bặt, nghẹn ở cổ, mắt cay xè, chẳng biết nói gì hơn. Chợt hiểu ra, bấy lâu nay không phải tự nhiên hay tiện đường, cha là vì sợ tôi thấy ngại với bạn bè mà luôn tranh thủ về nhà thay một bộ đồ tươm tất, sạch sẽ sau đó mới đến đón tôi tan học. Cha làm tôi thấy chạnh lòng quá!

Đêm ấy, tôi khóc và cảm thấy thật xấu hổ. Không phải xấu hổ vì cha đến đón tôi trong bộ dạng đó. Là tôi xấu hổ vì từ trước đến giờ bản thân vẫn luôn vô tâm với cha. Xấu hổ vì cha đã luôn thầm lặng lo cho tôi từ vật chất đến tinh thần trong khi bản thân tôi đôi khi còn những hành động thiển cận làm cha buồn lòng. Hẳn là cha đã phải suy nghĩ rất nhiều rồi... Cha phải cân bằng thời gian làm việc và thời gian đưa đón tôi đi học, cha lao động quên cả sự mệt nhoài để lo lắng cho tôi.

Còn tôi thì sao? Tôi chưa từng nghĩ với một câu nói, một hành động của tôi cha cảm nhận như thế nào, có thấy buồn hay từng xấu hổ vì tôi không. Cha thường tự hào khoe với mọi người về đứa con chăm học, giỏi môn này khéo môn kia. Dù tự nhận thấy bản thân còn rất nhiều những thiếu sót, nhưng dường như với cha – mắt cha chỉ lấp lánh sự tự hào khi nhìn về phía tôi. Một người cha vĩ đại đáng lẽ phải được yêu thương, tôn trọng lại đang lo sợ con cái sẽ xấu hổ vì mình, sợ con mình mất mặt với bạn bè.

Chưa từng có ý nghĩ xấu hổ về cha nhưng trước giờ tôi cũng không thấy tự hào về cha mình. Và... sau tất cả, cha vẫn luôn nghĩ cho tôi. Buổi tan học hôm ấy thật sự đã khiến tôi ám ảnh, những lời cha nói trở thành bài học, thành động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa.

Lần đầu tiên, tôi thấy tự hào về cha. Tôi đã hiểu ra rằng: trên hành trình hiện thực hóa những giấc mơ, mỗi cá nhân cần rất nhiều những dũng cảm, sự cố gắng và cả những hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng biết. Cha đã thầm lặng mang cho tôi sự tự tin mà ông nghĩ tôi cần nó, ông đã dành cho tôi tất thảy những thứ hoàn thiện nhất mà ông có thể với mong muốn tôi luôn ngẩng cao đầu, sống vui vẻ và thành công.

Cha của con! Con sẽ thật cố gắng để không phụ tấm lòng, tình cảm cha đã dành cho con. Cố gắng để cả hôm nay và mai sau, cha không còn lo sợ con xấu hổ với ai cả. Ngược lại, con tự hào vì đã được làm con của cha, nhờ cha nên con mới có được ngày hôm nay. Cha từng nói: “Dù con xấu hay đẹp, mập hay ốm, điên dại hay bình thường thì con vẫn là con của cha”. Vì cha thương con đến như thế, nên đối với con, cha không cần là một người học thức cao, làm chức lớn, giàu có hay nổi tiếng, chỉ vì đó là cha – con sẽ luôn tự hào.

Sao lại phải xấu hổ khi có một người cha sâu sắc, giàu tình thương và luôn là điểm tựa vững chắc cho con cái chứ? Trên mỗi bước đường con đi, mỗi thành tựu con đạt được, một nửa thành công của con là của cha. Không có cha đón đưa, không có sự dạy dỗ của cha, con sẽ chẳng thể nên người. Cha luôn dạy con sống phải biết yêu thương và bình đẳng với mỗi con người. Chẳng có lý do gì để một cô gái lớn lên trong nền tảng giáo dục đầy đạo đức và tình người lại đi xấu hổ vì cha mình cả! Con không cảm thấy cũng không có quyền cảm thấy xấu hổ vì cha.

Hơn tất cả, những gì cha đã dành cho con khiến con luôn tự hào và sẵn sàng khoe với tất cả những người xung quanh về cha. Trên chiếc xe máy nhỏ, có người cha trong bộ quần áo hằn những vết lam lũ, cha đã đến và dùng chính phần đời còn lại của mình để vẽ nên cuộc đời của con, cha là “người nghệ sĩ” không ngại chạm tay vào những vệt màu đen loang lỗ của cuộc đời để vẽ cho con những vệt nắng vàng tươi sáng ở tương lai.

Con không xấu hổ, con tự hào về cha! Cha là một người bình thường nhưng phi thường, một người lao động chân chính để lo cho gia đình, lo cho con mình, và quan trọng con tự hào về cha – vì cha là cha của con – thế thôi!

Thuở đời, có những đứa trẻ chưa hiểu chuyện mới sẵn sàng ruồng cha bỏ mẹ, sẵn sàng lớn tiếng hay vùng vẫy chỉ vì công việc, hoàn cảnh của cha mình. Trong nhân sinh quan của tôi, tôi chỉ từng chứng kiến những đứa trẻ xấu hổ vì cha mẹ mình; tôi cũng chỉ từng thấy người vì sợ người khác dị nghị chê cười nên cố tạo vỏ bọc háo nhoáng cho bản thân. Lần đầu tiên, tôi biết rằng, chính những người cha cũng lo sợ con mình sẽ xấu hổ mà cố ngụy trang một vẻ ngoài hoàn hảo; chính cha lại là người cố khoác lên mình một vỏ bọc chỉnh chu – không phải vì chính mình mà vì những đứa con.

Phải chăng khi thật sự trở thành cha mẹ chúng ta mới hiểu hết được tình thương của đấng sinh thành ? Tôi có niềm tin rằng bất kì người cha nào cũng sẽ nghĩ cho con mình như thế. Bằng cách này hay cách khác, mỗi người cha trên thế giới này đều sẽ nỗ lực mang đến cho con mình những chân trời tốt đẹp nhất.

Cảm ơn cha vẫn luôn nghĩ cho con như thế. Thương và tự hào về cha rất nhiều!

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Nguyễn Thúy Vy

Địa chỉ: Khu dân cư 91B, đường B23, chung cư B4, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm