Chuyên gia tài chính nhắn con gái 9 điều quan trọng nhất
Có những bài học về tiền bạc và cuộc sống ta chỉ biết khi đã quá muộn. Đó là lý do một người cha đã viết bức thư nhắn nhủ 9 điều quan trọng cho con gái nhỏ của mình.
Morgan Housel là đối tác của The Collaborative Fund, chuyên gia tài chính hành vi và cựu bình luận viên của tờ báo The Wall Street Journal và The Motley Fool. Ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Tâm lý đồng tiền.
Trong sự nghiệp của mình, ông từng chiến thắng nhiều giải thưởng, danh hiệu danh giá như: Giải thưởng Sidney của New York Times và hai lần lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Gerald Loeb cho mảng Báo chí Tài chính và Kinh doanh.
Morgan Housel – cựu nhà báo của tờ Wall Street Journal.
Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm kinh tế, ông còn được biết đến với bức thư gửi tặng con gái mình kèm 9 bài học sâu sắc.
Tiền bạc không phải là thước đo thành công lớn nhất
Warren Buffett từng nói: "Thành công thực sự trong cuộc sống là khi những người bạn muốn có được tình yêu thực sự yêu bạn". Tình yêu đó chủ yếu đến từ cách con đối xử với mọi người xung quanh, hơn là mức độ giá trị ròng của dòng tiền con kiếm ra.
Tiền sẽ không đem lại thứ mà con mong muốn nhất. Không một số tiền nào có thể bù đắp cho một nhân cách méo mó, lừa lọc và thiếu cảm thông với người khác.
Đây là lời khuyên quan trọng nhất cha dành cho con.
Mọi thứ đều có thể thay đổi
Con gái à, hầu như không ai có thể xác định được cuộc sống của mình ở tuổi 18. Vì vậy sẽ không có gì sai nếu con học một đằng rồi ra trường làm một nẻo. Hoặc lấy bằng cấp trong lĩnh vực mà con không đam mê 100%.
Con phải cảm thấy may mắn vì sau ngần ấy năm, cuối cùng con có thể phát hiện ra giá trị và mục tiêu thực sự của mình. Tha thứ cho bản thân vì đã thay đổi ở phút chót, suy nghĩ và lập kế hoạch một cách chi tiết để chinh phục lại mục tiêu vì con còn trẻ mà!
Morgan Housel cùng vợ và các con.
Khả năng kiểm soát thời gian vô cùng quan trọng
Con gái, con có thể làm những gì bản thân muốn, với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Điều này mới thực sự làm con hạnh phúc chứ không phải những món đồ xa xỉ. Suy cho cùng, cảm giác thích thú khi sở hữu một thứ đồ sang trọng, xa hoa sẽ nhanh chóng biến mất mà thôi. Nhưng một công việc ổn định sẽ không bao giờ khiến con nhàm chán.
Tiết kiệm đủ tiền để con có thời gian và lựa chọn khi rơi vào tình huống nguy cấp, hay có thể nghỉ hưu bất cứ lúc nào con muốn cũng vậy. Độc lập là mục tiêu cuối cùng trong đời của chúng ta. Mỗi đồng tiền tiết kiệm được giống như một mảnh ghép của tương lai con mà rất có thể sẽ nằm trong tay người khác.
Đừng trông chờ sự chiều chuộng
Không ai có thể hiểu được giá trị của đồng tiền nếu không trải qua sự vất vả để kiếm ra nó. Vì vậy, mặc dù bố mẹ sẽ luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ con, nhưng sẽ không chiều chuộng con. Đây là cách duy nhất cha mẹ có thể giúp con thấu hiểu về nhu cầu của bản thân so với mong muốn thực tế.
Chính điều đó sẽ dạy con về cách lập ngân sách, tiết kiệm và khả năng đánh giá những gì con đã sở hữu. Biết cách tiết kiệm là một kỹ năng sống thiết yếu trước những thăng trầm trong cuộc sống.
Ảnh minh họa.
Thành công không phải lúc nào cũng đến từ những điều lớn lao
Napoléon định nghĩa thiên tài là người "có thể làm những việc bình thường khi những người khác xung quanh đang mất trí”. Quản lý tiền bạc cũng vậy, con không cần phải làm những điều quá lớn lao để đạt được danh vọng hiện hữu, con chỉ cần kiên định với đam mê của mình và đừng làm hỏng việc.
Nhớ phải tránh những sai lầm không được phép phạm phải (trong đó sai lầm lớn nhất là ngập ngụa trong nợ nần), nó hiệu quả hơn bất kỳ mẹo tài chính hoa mỹ nào.
Mọi thứ đều có giá của nó
Cái giá của sự nghiệp thành công là phải xa bạn bè và gia đình. Đằng sau những đứa trẻ ngoan là được bố mẹ che chở, bảo vệ.
Mọi thứ đều có cái giá của nó và hầu hết chúng đều không lộ ra cho đến khi con phải thực sự nếm trải. Đôi khi chúng đáng để trả giá, nhưng đừng bao giờ quên giá trị thực sự của cuộc sống thay vì chỉ chạy theo đồng tiền, sự nghiệp.
Chi tiêu dưới mức thu nhập của con
Một trong những đòn bẩy tài chính mạnh nhất là khả năng sống vừa đủ. Nhờ vậy, con có quyền kiểm soát lớn hơn.
Một người kiếm được 50.000 USD mỗi năm nhưng chỉ tiêu 40.000 USD sẽ giàu có và hạnh phúc hơn một người kiếm được 150.000 USD nhưng tiêu tới 151.000 USD.
Một nhà đầu tư kiếm được 5% lợi nhuận nhưng sống với mức thấp có thể tốt hơn một nhà đầu tư kiếm được 7% nhưng tiêu sạch số tiền kiếm được.
Số tiền con kiếm được không quyết định con có bao nhiêu và con có bao nhiêu không quyết định con cần bao nhiêu.
Ảnh minh họa.
Đừng đánh giá thấp vai trò của cơ hội trong cuộc sống
Sự giàu có hay nghèo khó phụ thuộc phần nhiều vào lựa chọn của con. Một trong số đó là do chúng ta có biết nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống hay không.
Con nên tin vào những giá trị của sự chăm chỉ, nhưng con vẫn phải hiểu rằng, đôi khi không phải thành công nào cũng đến từ sự chăm chỉ và không phải mọi sự đói nghèo đều bắt nguồn từ cái được gọi là lười biếng. Hãy ghi nhớ điều này khi nhìn nhận người khác, bao gồm cả chính con.
Đừng mù quáng chấp nhận bất kỳ lời khuyên nào
Tất cả những bài học ở đây, bao gồm cả bài học cuối cùng này, là những điều mà hầu hết mọi người biết đến quá muộn trong đời. Nhưng hãy cứ thoải mái bởi thế giới của con sẽ khác với thế giới của cha mẹ, cũng như thế giới của cha mẹ khác với ông bà con.
Không ai hoàn toàn giống nhau, mọi việc trên đời không bao giờ vận hành theo cái cách luôn hoàn toàn đúng.
Đừng bao giờ nhận lời khuyên của bất kỳ ai mà không bối cảnh hóa nó bằng các giá trị, mục tiêu và hoàn cảnh của riêng con.