Thứ bảy, 18/01/2025 15:04     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ bảy, 22/04/2023 13:00

Chiếc chuông gió Hòa Bình

Con gái thứ hai của vợ chồng tôi sinh đúng vào ngày 30 tháng 4 sau Mùa xuân đại thắng 1975 mười một năm. Tôi nghĩ, đấy là ngày mở ra cánh cửa hòa bình cho đất nước sau hơn hai mươi năm chiến tranh tàn khốc nên đã đặt tên cho cháu là Hòa Bình - Nguyễn Thị Hòa Bình.

Đầu năm 1997, từ Quảng Trị, vùng đất nắng gió và nhiều giông bão, tôi được điều ra nhận nhiệm vụ tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Không sao quên được hình ảnh vợ con tiễn mình ở sân ga Đông Hà. Hai đứa con gái và thằng cu út giơ tay vẫy vẫy ba, còn vợ tôi đứng im phăng phắc như cái dấu chấm than in trên nền trời chiều ngổn ngang mây trắng.

Mấy ngày sau, tôi nhận được thư của Hòa Bình: “Ba ơi! Tối hôm tiễn ba đi Hà Nội, mẹ về nhà nằm khóc thút thít, con và chị Mai Sao dỗ mãi mẹ mới chịu nín. Con thương mẹ quá…”.

Đọc những dòng chữ học trò lớp 6 nghiêng nghiêng của con gái, tôi không cầm nổi nước mắt. Ít lâu, Hòa Bình xin phép mẹ ra thủ đô ở với tôi vì như lời cháu tâm sự là “sợ ba ở một mình buồn”.

Hai bố con tá túc tại phòng ở cũng là phòng làm việc của tôi tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi làm cho Hòa Bình một chiếc chìa khóa phòng, cháu sợ mất nên luồn dây đeo vào cổ. Đi học, đi chơi, đến cả đi ngủ cũng đều mang theo nó. Chiếc chìa khóa như vật bất ly thân của con gái tôi vậy.

IMG_20230420_114438

Tôi và con gái yêu Hòa Bình

Có con gái ở cạnh nỗi buồn nhớ gia đình của tôi được vợi đi phần nào. Hòa Bình tuy còn nhỏ nhưng đã biết thương bố mẹ nên học hành rất chăm chỉ. Trò tỉnh lẻ ra thủ đô mà chẳng chịu lép vế chút nào, điểm kiểm tra các môn của Hòa Bình luôn đạt khá giỏi, thuộc vào tốp đầu của lớp, trường. Nhưng tôi không muốn kể về chuyện học hành của cháu mà chỉ thích nhắc lại những kỷ niệm rưng rưng của hai bố con trong năm tháng sống ở Hà Nội.

Đó là trung thu đầu tiên ở thủ đô của con gái tôi. Dịp ấy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức lớp bồi dưỡng viết văn. Theo sự phân công của chỉ huy thì sáng mai tôi sẽ dẫn một tốp học viên lên các đồn biên phòng ở Hà Giang tìm hiểu thực tế để sáng tác. Khi nhận nhiệm vụ, tâm trạng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui là lần đầu tiên mình sẽ được lên một vùng đất phên dậu ở cực bắc Tổ quốc. Buồn và lo là Hòa Bình phải ở nhà một mình và đêm mai đúng rằm tháng tám.

Nghĩ, ở trong quê vào dịp trung thu bọn trẻ vui lắm, Hòa Bình cùng với các bạn tổ chức rước đèn ông sao sau đó vui vầy phá cỗ giữa ánh trăng vằng vặc trong trẻo hầu như không bị khói bụi đô thị lẫn vào nay phải ở nhà một mình lòng tôi bồn chồn xao xác quá. Chẳng biết con gái mình đêm trung thu phải xa ba, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em, nhớ lũ bạn trong xóm có thành “mít ướt” không? Càng nghĩ càng thương con gái nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ không thể thoái thác được.

Chiều, trước hôm lên đường tôi dẫn Hòa Bình ra phố Hàng Mã xem chợ trung thu. Bình thích lắm, cứ nắm tay tôi lôi đi xem hết chỗ này sang chỗ khác. Chợ trung thu rực rỡ muôn màu sắc, nhộn nhịp kẻ bán người mua và có nhiều trẻ em đi theo người lớn sắm đồ chơi. Rằm tháng tám là Tết của trẻ con mà.

Tôi bảo Hòa Bình: “Con thích gì để ba mua?”. Bình cười, đôi lúm đồng tiền xoáy sâu trên má (cái này con gái tôi thừa hưởng từ mẹ): “Con chỉ cần một cái đèn ông sao thôi ba ạ!”. “Sao ít vậy con?”, tôi nói.

“Để ba dành tiền đi công tác và còn mua quà cho chị Sao và em Minh nữa mà”, Hòa Bình nhỏ nhẹ giải thích.

Thương con lắm nhưng tôi cũng bật cười vì sự cả lo của cô con gái mười một tuổi: “Không sao bà cụ non ạ, ba đủ tiền mua quà cho ba chị em và cả mẹ nữa!”.

Cuối cùng thì tôi cũng mua cho Hòa Bình một chiếc đèn ông sao, một cái trống con, một bé búp bê, mấy ngọn nến và sau đó tiếp tục ra chợ mua ít bánh trái để bày cỗ đêm nay.

Đêm mười bốn ta, hai bố con lên sân thượng bày cỗ, đốt đèn đón trung thu trước. Rủi là đêm ấy trời hơi nhiều mây, trăng chưa vành vạnh lại lúc ẩn lúc hiện. Trong ánh sáng bàng bạc hai bố con ngồi bên nhau, Hòa Bình cầm ngọn đèn ông sao giơ lên giơ xuống còn tôi cầm chiếc trống đánh tưng tưng. Cũng có lúc lặng đi, chắc con gái tôi đang nhớ mẹ, nhớ chị và em cùng đám bạn trong khu phố, còn tôi lao xao một nỗi niềm khó tả. Mới biết rằng, chẳng có gì vui hơn, thích hơn, hạnh phúc hơn khi gia đình được đoàn tụ, tất cả sống bên nhau trong tình yêu thương chan hòa mà không tiền bạc nào mua được.

Sáng hôm sau, tôi dặn Hòa Bình: “Ba chuẩn bị đi đây. Con ở nhà chịu khó ăn cơm bụi mấy hôm nhé. Tối, học bài xong lên ngủ với chị Huyền (con gái nhà văn Khuất Quang Thụy) nhé!”.

Dọc đường lên Hà Giang, trước mắt tôi cứ hiện lên hình ảnh cô con gái nhỏ đang ở một mình giữa thủ đô nhộn nhịp. Tối nay, là chính rằm tháng tám, trung thu đầu tiên con gái tôi ở Hà Nội.

Mấy ngày công tác trôi qua, tôi trở về Nhà số 4 đúng vào lúc thành phố đã lên đèn. Nhẹ nhàng bước tới bên cửa chính, thấy Hòa Bình đang ngồi học bài chăm chú, chiếc chìa khóa bắt ánh điện lấp lánh trước ngực, tôi nghẹn lòng thốt lên tiếng gọi “Con!”. Tự dưng nước mắt trào ra mằn mặn khóe môi.

Hòa Bình sắp xong chương trình trung học cơ sở chuẩn bị thi vào trung học phổ thông. Một vấn đề gay cấn đặt ra là chúng tôi lúc ấy chưa có hộ khẩu Hà Nội nên con gái chắc chắn không vào học được trường công lập. Tôi phải chọn, bắt buộc chọn cách giải quyết tốt nhất là đưa Hòa Bình vào Quảng Trị lại để chuẩn bị đăng ký thi ở một trường trung học phổ thông công lập.

Con gái tôi chọn Trường chuyên Lê Quý Đôn để thử sức. Cháu thi vào lớp chuyên văn và cũng không mấy khó khăn dành điểm khá cao để ghi danh vào trường danh giá nhất tỉnh Quảng Trị thời đó.

Xa con. Mỗi lần nhìn thấy chiếc bàn Hòa Bình thường ngồi học, cánh diều vải tôi mua cho con gái để trên giá sách hay mỗi trưa nấu cơm xong ngồi đợi con về… tôi lại trào lên niềm thương nhớ vô biên.

Đặc biệt, khi nhìn chiếc chuông gió Hòa Bình mua tặng ba trước khi vào quê treo trên cửa sổ tôi lại ngồi thừ ra vì nhớ con gái.

Hòa Bình cười bảo tôi: “Con treo chuông gió lên đây cho ba vui ba nhé!”. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, chuông gió lại rung lên. Leng keng… Leng keng… Loong coong… Loong coong… Chuông gió dập dờn những âm sắc vui vẻ. Những khi ấy, dù rất nhớ con nhưng tôi lại cảm thấy lòng nhẹ nhàng, an nhiên lạ. Cái sự bình yên bởi được yêu thương từ hai phía: cha và con gái.

Đến khi trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hòa Bình lại lên tàu ra thủ đô ở với tôi. Hai bố con được gần gũi bên nhau… Bây giờ, Hòa Bình đã là mẹ của hai bé gái Cừu (An Nhiên) và Nhím (Thanh An) nhưng trong hồi ức của tôi chưa bao giờ hết ngân rung tiếng chuông gió bên cửa sổ ở Nhà số 4 dù mình đã rời xa Hà Nội.

Cam Lộ, Quảng Trị tháng 4 năm 2023

Bài dự thi Cuộc thi viết "Cha và con gái"

- Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

- Địa chỉ: Số nhà 66 Trần Hưng Đạo thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm