Thứ bảy, 20/04/2024 05:00
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Một người cha không trọn vẹn, không ít lần những lúc điên dại sẵn sàng cầm roi đánh con không xót nhưng khi tâm hồn đó bình yên lại xót xa, chăm bẵm trong tâm thức của một người làm cha. Tình thương đó dù "khuyết tật" nhưng lớn lao, vĩ đại.

Đối với người đàn ông, được làm cha là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Ai cũng mong muốn cho con mình có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ, lớn lên trong tình thương yêu. Thế nhưng, không phải người cha nào cũng có thể đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành một cách trọn vẹn nhất.

Có những người cha vì cơ thể không lành lặn hay vì những biến cố cuộc đời mà hành trình làm cha của họ cũng vì thế thật nhiều chông gai. Dẫu vậy, tình cảm cha dành cho con là thứ luôn bền chặt, thiêng liêng mặc những “bão tố” cuộc đời.

Trong số các tác phẩm gửi đến cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 do Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức, bài dự thi “Người bố đặc biệt” của tác giả Trần Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa khiến Ban tổ chức cuộc thi bất ngờ và xúc động.

Bài dự thi viết tay với những nét chữ run run là những tâm sự, tình cảm chân thật nhất mà tác giả gửi gắm đến người cha khiếm khuyết của mình.

n0 (10)

Tác giả chia sẻ người cha của cô từ khi sinh ra đã kém may mắn khi không thể nghe cũng chẳng thể nói. Trong tiềm thức của cô, những âm thanh nuôi cô trưởng thành chỉ có tiếng hát ru của bà, lời bảo ban của mẹ.

Dù chẳng thể nghe được tiếng cha nói, chưa từng nghe lời trách mắng từ cha cũng chẳng bao giờ có thể nghe hai tiếng “yêu con” từ người cha ấy nhưng đối với tác giả, tình cảm mà cô cảm nhận được từ người cha không nằm ở những thanh âm.

“Tuổi thơ của con thiếu đi những lời dạy của bố nhưng chưa bao giờ con thiếu đi tình yêu thương, sự ân cần, chăm sóc của người…

Ngày con lập gia đình, thay vì những lời căn dặn như bao người bố khác dành cho con gái mình, bố chỉ ôm con thật nhẹ nhàng, rồi quay đi khẽ lau giọt nước mắt ở khóe mi. Đó hẳn là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con gái mình đã trưởng thành và tìm được bến đỗ bình yên của đời mình, bố nhỉ.”

Sự quan tâm bằng hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói. Chính tình yêu thương, sự chở che “không nói lên lời” của người cha đã trở thành động lực để tác giả Trần Huyền Trang mạnh mẽ và thành công hơn từng ngày.

Xót xa hơn, viết về người cha đặc biệt của mình, bài dự thi “Ký ức” của tác giả Đỗ Thị Vân (Thái Bình) khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào.

Tác giả kể, năm cô 8 tuổi, cơ thể cha cô bất ngờ phát triển một khối u. Khối u xuất hiện ở lưng rồi to dần như chiếc mũ cối, chèn vào dây thần kinh, biến cha cô thành một người hoàn toàn khác. Sổ khám bệnh của ông có thêm những từ “tàn tật, tâm thần”.

Những hạnh phúc bên cha trước đó bỗng chốc tan biến khiến tâm trạng người con như rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Trong mắt cô bé 8 tuổi lúc đấy, người cha thật đáng sợ khi ông dần trở nên điên loạn, đập phá, đánh người.

Những gì mà một đứa trẻ non dại làm khi ấy chỉ là né tránh, không còn muốn ngồi cạnh cha, cúi gằm mặt khi bị bạn bè trêu chọc, ghét cha vì đốt tất cả sách vở của con trong một đêm không tỉnh táo, thậm chí là không dám nhận cha: “Thâm tâm con tràn ngập nỗi xấu hổ, chán chường và không ít giây phút con nghĩ, vì sao ông trời lại để bố là bố của con”.

n0 (11)

Những cảm xúc lạc lối như thế cứ đi theo tác giả trong suốt những tháng ngày lớn khôn. Cho đến tận khi trưởng thành, trải qua bao bầm dập, đắng cay trong đời, người con ấy mới dần mở lòng mình ra và bắt đầu cảm nhận chút tình cảm yêu thương, sự chăm sóc có phần vụng về của cha.

“Không ít lần bố đánh con vì không thể kiểm soát hành vi của chính mình. Những vết sẹo đó còn mãi trên da thịt con. Thế nhưng sau mỗi lần bố trót đánh con, bố lại nhìn chỗ vết thương thật lâu, hỏi con có đau không. Có lẽ sự tỉnh táo hiếm hoi đó khiến bố dằn vặt và khổ tâm nhiều lắm vì đã làm tổn thương đứa con của mình”.

Phải chăng, giữa những tháng ngày tâm hồn điên loạn thì thứ còn lại duy nhất trong tiềm thức người cha chính là tình phụ tử thiêng liêng. Tình yêu không chỉ dành cho con mà giờ đây còn dành cho cả đứa cháu ngoại bé nhỏ.

“Bố lụi cụi dậy mỗi đêm đòi pha sữa khi cháu khóc. Gà vừa gáy, bố thức dậy mang cả chậu quần áo đi giặt dẫu ngày nào mẹ cũng phải giặt lại. Con không đếm được bao buổi trưa hè, nắng nóng vật vã, điện bị cắt, bố cầm chiếc mo cau quạt cho con và cháu ngủ…

Bố yêu con và cháu theo cách riêng của bố, không hoàn hảo, trọn vẹn như những người bố khác nhưng nào ai định giá được tình yêu nhất lại là tình yêu của một người điên suốt hơn hai mươi năm trời”, tác giả Đỗ Thị Vân viết.

Không ai mong muốn những bất hạnh, khổ đau đến với bản thân hay những người mình yêu thương. Thế nhưng chẳng ai có thể ngăn cản được số phận nghiệt ngã, cũng không ai có thể cảm nhận được nỗi đau thể xác mà những người cha đặc biệt trên phải trải qua. Dẫu vậy, sâu thẳm bên trong những người cha ấy, tình yêu thương dành cho con cái luôn luôn tồn tại mãnh liệt. Bởi cha tuy không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.

Thể lệ cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024

Yêu cầu đối với bài dự thi

- Bài dự thi phải là những bài viết chưa đăng phát trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo, đài hay mạng xã hội và chưa tham gia dự thi ở các cuộc thi khác. Viết về những câu chuyện có thật do tác giả là nhân vật hoặc người chứng kiến, những kỷ niệm, lời tâm tình, tự sự của cha dành cho con gái và ngược lại được thể hiện dưới dạng bài ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, tản văn, nhật ký… Ban tổ chức khuyến khích các tác giả sử dụng hình ảnh thật của các nhân vật trong bài dự thi.

- Bài viết thể hiện bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi và phải chịu trách nhiệm về độ chân thực, tính chính xác về nội dung. Cấm sao chép, đạo văn của người khác dưới mọi hình thức.

- Bài dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ được trả nhuận bút theo quy định và thuộc sở hữu của tòa soạn; tác giả không có quyền khiếu nại về bản quyền.

Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước trừ những người là nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng cuộc thi.

Thời gian và địa chỉ nhận bài dự thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27/03/2024 đến ngày 10/06/2024 tính theo dấu bưu điện và thời gian nhận mail. Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2024.

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]

Giải thưởng

Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 có cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích và 05 giải phụ.

Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, được tặng 01 quyển sách có đăng các bài dự thi cùng quà (nếu có) của nhà tài trợ.

Ban Giám khảo cuộc thi

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo

- Nhà thơ Trần Hữu Việt - Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân

- Nhà văn Nguyễn Một

- Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu (Báo Tiền phong)

Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ

- Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

+ Nhà báo Phan Khánh An - Tổng TKTS, Thành viên Ban tổ chức. Số điện thoại: 0975.470.476

+ Ms Bùi Thị Hải Én - Cán bộ toà soạn. Số điện thoại: 0973.957.126

- Email: [email protected].

Phương Anh  
Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên
2 cháu bé người Mông đạp xe từ Điện Biên xuống Hà Nội tìm mẹ: Không nhớ tên tuổi, quê quán
Chọc dịch não tủy phát hiện mắc viêm màng não do liên cầu lợn vì món
Bé gái 12 tuổi bị xâm hại sinh con: Chuyên gia nhắn nhủ gì với phụ huynh?
Teo thận nhiều năm, bất ngờ vào viện phát hiện nang thận
Thiết kế cửa sổ đại kỵ tránh 10 điều làm tiêu tán tài lộc
Tủ lạnh mất điện bảo quản được thực phẩm trong bao lâu?
Tuổi già keo kiệt chi 5 thứ này phúc khí dễ bay mất
Cha cầu mong người đàn ông đó sẽ yêu thương con hơn cha
Bị rối loạn tâm thần vì loại đồ uống khó bỏ
Cuộc chiến vào… lớp 10
Liên tiếp các trường hợp tử vong, ngừng tim khi chạy bộ: Bác sĩ khẩn thiết đưa cảnh báo
Xem thêm