Cha thấy sao nếu mình ngồi lại một buổi để trò chuyện?
Con dẫu có trở thành nhà thám hiểm cũng không thể du ngoạn đến mọi địa danh trên Trái Đất, dẫu có là nhà tâm lý học cũng không thông hiểu mọi ngách ẩn của tâm hồn.
Gửi cha!
Không biết dạo này cha như thế nào. Cha con mình ở gần nhau đến thế, nhưng có lẽ một ranh giới vô hình vẫn ngăn cách chúng ta. Nỗi mệt mỏi của cha, đôi mắt của cha thâm quầng nổi bật trên làn da xám ngắt, điểm vài nếp nhăn khiến tâm hồn con bỗng dưng thắt lại. Con mong sao chúng sẽ phai mờ theo dòng thời gian thoáng vụt.
Thế nhưng cha ơi, có lẽ mái nhà chúng ta đang sống vắng đi tiếng nói của tình thương. Không một lời chia sẻ, không một câu cảm thông. Vòng xoáy của mưu sinh vô tình cuốn theo những lời hỏi thăm thường nhật trong gia đình.
Căn nhà giờ đây lạnh lẽo biết bao, cơn lạnh ấy dẫu có nghìn tấm chăn con vẫn không thấy ấm. Con nhiều lần đã ước ao đến những tiếng cười hồn nhiên, tươi sáng, những lời bảy tỏ mộc mạc, chân thành tràn ngập trong gian nhà nhỏ bé của chúng ta, xóa tan dần thái độ thờ ơ, vô tình cứ dần hiện hữu.
Con hồi tưởng về ngày xưa, cái ngày đơn giản và tuyệt đẹp vô cùng. Khi con cười, cha cũng cười, khi con khóc, cha cũng cảm thông. Từ những suy nghĩ non nớt hồi ấy mà con vạch ra con đường tương lai của bản thân con, con đường giống như cha đang đi.
Con cũng sẽ là công nhân, con sẽ làm việc hết khả năng và sẽ hưởng một cuộc sống an nhàn, thản nhiên. Đó như một kế hoạch hoàn hảo, một khuôn mẫu mà con sẽ thực hiện trong tương lai. Cuộc đời như vậy sẽ diễn ra thật suôn sẻ, mọi sự sẽ tuân thủ theo những nguyên tắc con đã mường tượng.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng, thời gian thoáng nhanh đã đạp đổ những kì vọng ấy. Áp lực học tập ngày một nảy sinh khi bước chân vào trung học cơ sở đã đảo lộn những định hướng non nớt kia theo chiều hướng hoàn toàn khác lạ. Con khám phá biết bao ngành nghề mới lạ, vượt ra khỏi sức tưởng tượng của con. Sự háo hức, niềm nở khi xưa để tiếp nối cha vụt tắt, không để lại dấu vết hay ấn tượng sâu sắc nào.
Dưới lăng kính của một đứa trẻ vừa rời xa tiểu học, những phát hiện ấy chính là sự bứt phá ra khỏi những rập khuôn trong tư tưởng, như một chú sâu phá kén để bọc lộ ra phiên bản mới của chính nó, một con bướm lộng lẫy. Dẫu thế, khi con nhận được một thứ, cũng đồng nghĩa là con đã mất đi thứ khác.
Cũng như vậy, sự ‘trưởng thành’ nhỏ bé của con đã cướp đi mỗi quan hệ giản dị, thô sơ đối với cha. Những trách nhiệm chồng chất dần, những cuộc trò chuyện giữa bữa, những câu hỏi thăm thân tình đã nhường chỗ cho những đợt la rầy, trách móc không ngừng trong gia đình.
Lâu dần, cánh cửa trái tim con, vốn đã từng rộng mở để đón chào mọi thứ, đã khép chặt từ bao giờ. Một đứa trẻ đong đầy khát khao nay đã hóa thân thành cô gái thầm kín, im lặng, tự ti. Cuộc sống của con đã trôi qua cái thời ngập tràn ánh nắng tươi vui, năng động, chân chất hồn thơ ấy. Nó trở nên ‘kém sáng’ hơn, rồi cứ thế mà tối dần, tối dần.
Cuộn phim của cuộc đời cứ thế mà chạy. Con để nó trôi lềnh bềnh vô định trên mặt thời gian, phó thác phận đời cho duyên số. Vậy mà may thay, có lẽ duyên số đã mỉm cười với con, đẩy đưa con đến một bến bờ để tìm ra định hướng mới. Bến bờ ấy chính là kì thi tuyển sinh, một cơ hội để con bứt ra khỏi chuỗi ngày tháng vô vị, nhạt nhẽo cứ kéo dài dai dẳng. Cứ ngỡ như một thế lực vô hình đã thình lình xuất hình, đẩy một cú thúc mạnh vào tâm hồn con.
Con gắng sức vùi mình vào những tờ đề dày chữ, khai thác hết năng lực bản thân, ngày đêm ngồi yên trên bàn học với khát vọng thoát ra khỏi bản thể lười nhác, thụ động đã đeo bám con từ lâu. Và những cố gắng của con đã gặt hái được quả ngọt. Cánh cửa dẫn đến nền giáo dục tốt hơn đã mở rộng chào đón con, vượt ra khỏi khuôn khổ kì vọng của cha. Con cảm thấy như vừa tỉnh giấc từ một cơn mê dài.
Sau sự việc ấy, tâm tư của con suy nghĩ nhiều điều. Con nghĩ về tương lai, con nghĩ về nghề nghiệp, về những mỗi quan hệ xã hội. Rồi con lại nghĩ về gia đình ta, con nghĩ đến cha. Những lời cười đùa vô tư, trong trẻo khi xưa giờ đã trở thành điều xa lạ. Tất cả những gì con nhận thấy là sự lảng tránh, vô tâm cứ bồi đắp lên nhau, cha cũng chẳng buồn bắt chuyện với con nữa. Con cảm thấy như hai chữ ‘gia đình’ đang trở thành mối ràng buộc, gành nặng cứ cầm tù mỗi chúng ta.
Không, gia đình có ý nghĩa nhiều hơn thế, cha nhỉ? Gia đình không phải là sự tồn tại song song của những cá thể độc lập, chỉ quan tâm cho lợi ích bản thân; gia đình khơi dậy sự kết nối, hình thành những cây cầu bắc giữa những tâm hồn riêng lẻ ấy để chúng ta thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia.
Thế nhưng, mái ấm của chúng ta đã bỏ quên điều đó mất rồi cha ơi. Con mong sao chúng ta có thể gây dựng lại một văn hóa lành mạnh trong gia đình. Dù gì, con đã lớn hơn nhiều rồi. Nhưng sự trưởng thành không đồng nghĩa với sự xa cách. Có thể chính sự trưởng thành này sẽ là cơ hội cho những cuộc đối thoại sâu sắc hơn. Có lẽ cha và con đã đến lúc khé hở cửa sổ tâm hồn, đón nhận một luồng gió đổi thay.
Tương lai thật xa xôi, bí ẩn, đầy rẫy những sự việc không sao lường trước.
“Sẽ đến một ngày nào đó con thấy mình thật cô đơn”, cha đã từng nói như vậy. Bây giờ, phần nào trong con đã cảm thấu được nỗi lòng trong câu nói ấy. Nỗi cô đơn của cha không hiện hữu về mặt thể chất, mà lại khởi nguồn từ sự trống vắng của tình người.
Thật vậy cha ơi, dẫu có lớn khôn đến đâu thì chúng ta vẫn cần có nơi chốn để dựa dẫm, một trụ cột vững chắc để ta quay về. Và con cũng không muốn bản thân bước ra đường đời rộng lớn kia để rồi hồi ức của mái ấm xưa cũ bị thời gian xóa nhòa.
Mọi người thường hay bảo cha lo xa, tiêu cực, bởi cha thường suy tư về, tương lai, vòng xoay nhân sinh, và đôi lúc là cái chết. Thế nhưng đối với con, đó chính là tầm nhìn sâu rộng của cha về đời người ngắn ngủi.
Thế giới chúng ta thật phong phú, phải không cha? Con dẫu có trở thành nhà thám hiểm cũng không thể du ngoạn đến mọi địa danh trên trái đất, dẫu có là nhà tâm lý học cũng không thông hiểu mọi ngách ẩn của tâm hồn. Dẫu vậy, con vẫn sẽ khám phá, vẫn vươn mình ra vùng trời xa rộng kia để đón nhận những thế giới quan khác lạ. Và trong vô vàn góc nhìn đa chiều ấy, con muốn thấu hiểu hơn góc nhìn của cha nữa.
Cha thấy sao nếu mình ngồi lại một buổi để trò chuyện?
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Lê Hồ Bảo Phương
Địa chỉ: Hồng Đức, P.Bình Thọ, Quận Thủ Đức, TP.Thủ Đức
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!