Cha mong phép màu cho con được là cô gái bình thường
Chừng ấy thời gian cha chứng kiến tuổi đời con lớn lên chỉ có thân thể không lớn nổi thôi. Cha vẫn hằng đêm ước mơ điều gì đó sẽ xuất hiện diệu kì tựa như một ánh sao nhỏ lóe sáng giữa đêm trời tối mịt mù, dù biết điều này rất khó.
Cha có cô con gái rất hiền và ngoan. Hai mươi mốt tuổi rồi còn chưa bao giờ quấy phá hay làm điều gì khiến cha bực mình. Con chỉ cười nghệu ngạo rồi nói ú ớ gì đó cha chưa lần nào hiểu nghĩa là gì. Nhưng cảm tưởng rằng, những tiếng ú ớ ấy hẳn là biểu lộ cảm xúc từ trái tim bé bỏng của con muốn nói lời thương cha rất nhiều. Thương nên cứ quấn quýt bên cha mãi thôi. Những hôm cha đi làm không có nhà con chẳng chịu ăn cơm dù mẹ dỗ dành hết lời. Con đợi cha. Chỉ cần thấy cha là con cười ngay. Bởi mọi việc từ ăn uống, tắm rửa một tay cha chăm sóc hết.
Cha cố làm tất cả những gì có thể dành cho đứa con gái độc nhất của mình có cuộc sống hạnh phúc và bình an vẹn trọn nhất. Vậy mà lắm khi có đêm cha thức trắng nghĩ suy đủ điều rồi tự trách mình bất lực. Cha không thể cho con một thân hình lành lặn, xinh đẹp và khỏe mạnh như chúng bạn. Cha sinh con ra là đứa trẻ bị teo não. Không đứng đi bình thường. Không trí óc lanh lợi, thông minh. Không lớn phông phao mà chỉ còm nhom ốm teo.
Tuổi con bây giờ phải mà may mắn thì cũng đã trưởng thành ra dáng thiếu nữ cao lớn xinh xắn bước vào giảng đường đại học rồi cũng nên. Thanh xuân với tuổi trẻ căng tràn sức sống đầy ước mơ và lý tưởng. Tương lai rộng mở với con biết là nhường nào. Đường dài và rộng con thỏa sức tung cánh bay muôn phương, tha hồ vẫy vùng biển lớn và tự do tung tăng khám phá bao điều thú vị. Những điều tưởng chừng giản đơn và cơ bản mà một người bình thường khi lớn lên đều có quyền được trải nghiệm và tận hưởng hóa ra lại xa xỉ với con gái của cha. Mỗi ngày trôi thế giới trong con chỉ thu hẹp quẩn quanh một góc nhỏ dù vòm trời vẫn mênh mông, bao la giữa đất Sài Gòn hoa lệ.
Ảnh minh họa.
Ngày hay tin mẹ có thai con lòng cha như vỡ òa xiết bao nỗi mừng vui không nói nên lời. Cuộc đời bỗng rực rỡ một cách lạ kỳ. Cha sống trong ngập tràn hạnh phúc và như muốn nói to với thế giới rằng mình sắp được làm cha. Hơn ai hết, cha cảm biết một điều rằng con là món quà tuyệt vời nhất ông trời dành tặng cho cha mẹ mà không tiền bạc nào có thể mua được. Bao nhiêu nhịp đập trong con là bấy nhiêu phút giây cha mong đợi con chào đời. Thời gian cha cứ mong nó trôi thật nhanh để cha sớm ngày bồng bế thiên thần trong tay.
Trong trí tưởng tượng phong phú và đẹp đẽ của mình, cha hình dung ra con gái của cha lúc chào đời sẽ là thiên thần rất đáng yêu. Khuôn mặt giống cha và làn da, mà tóc sẽ giống mẹ. Cha còn viển vông mơ tương lai rằng cô công chúa sau này sẽ có khối chàng theo ở cái tuổi biết yêu. Khi ấy nhé, cha bối rối không biết chọn đứa nào làm rể cho xem. Nhưng rồi trời chẳng rộng lượng cho cha lâng lâng niềm hạnh phúc lâu dài mà vội kéo mây đen bao phủ vòm trời mịt mù tối.
Một hôm bác sĩ thông báo rằng con phát triển không bình thường. Giây khắc ấy, cha linh cảm có điều gì đó không suôn sẻ, tốt lành với con rồi. Nhưng bằng lòng thương vô bờ, cha bàn cùng mẹ quyết giữ con ở lại thế giới này. Nếu chối bỏ con sẽ mang tội rất lớn. Người ta con cái khỏe mạnh lại bỏ lăn lóc. Nhưng cha không muốn mình nhẫn tâm như thế. Dù điều gì xảy ra, con phải được sinh ra đón ánh bình minh đầu tiên trong cuộc đời bằng tiếng khóc oe oe. Cha chấp nhận mọi sự khắc nghiệt ông trời gieo xuống cuộc đời mình và chống chịu đến phút giây cuối cùng. Cha sẽ nuôi con bằng cả tấm thân gầy không quản ngại gió sương.
Nhưng con à, cuộc đời không đơn giản như cha nghĩ. Ngày con đến với thế giới này mọi người xung quanh vào ra những lời không hay và có khi là cay độc. Hẳn trông thấy hình hài của con người ta nghĩ rằng đây là quái thai lạc loài. Và họ nghĩ chắc cha mẹ ăn ở thế nào mới bị quả báo mà sinh ra con thế này. Họ đâu biết lòng mẹ cha quặn đau nuốt từng giọt nước mắt cao đắng vào lòng.
Rồi cha dắt díu hai mẹ con rời bỏ vùng quê An Giang lên đất Sài thành lập nghiệp. Một bước rời đi là trốn chạy những ánh mặt, lời nói chòm xóm. Một bước rời đi là mưu cầu cuộc sống đủ đầy hơn ở vùng đất hứa để cha có tiền chữa bệnh cho con và biết đâu phép màu sẽ đến. Nhưng cái đất Sài Gòn rộng lớn là thế lại chẳng bao dung công bằng với tất thảy muôn kiếp người. Nghĩa là có gia đình diễm phúc được hưởng chút vị hương của những điều tốt đẹp cuộc đời và có gia đình thì không. Nhà mình dường như nằm ở nửa sau.
Cha nghèo, không có bằng cấp. Quẩn quanh trong chốn phồn hoa chẳng biết làm gì cuối cùng cha đi bán vé số. Hành trình mưu sinh nhọc nhằn này cha không đơn độc vì sau lưng có bóng nho nhỏ ôm chặt cha không rời. Nắng đổ chan chát lùa nắng vào con kéo mồ hôi vã ra tội nghiệp. Người lại qua không chịu được họ bảo đèo con theo thế này thật xót quá. Vậy là cha không đi bán nữa. Nghề mới của cha chuyển sang vớt ve chai trên sông.
Con ngồi trên ghe chơi một mình những trò mà chỉ con mới hiểu và thấy vui. Có khi chao nghiêng ngả ra rồi buồn quá mà ngủ thật ngoan. Cha vẫn miệt mài vớt những lon chai kiếm tiền nuôi con bằng những chén cơm đạm bạc cá rau và mua thuốc cho con uống để mỗi ngày thức dậy công chúa của cha luôn cười nói dại khờ.
Thời gian cứ thế miên mải trôi theo dòng đời xô bồ nơi thị thành. Hai mươi năm cha chung thủy với nghề vớt ve chai làm kế sinh sống qua từng đoạn ngày. Chừng ấy thời gian cha chứng kiến tuổi đời con lớn lên chỉ có thân thể không lớn nổi thôi. Và cũng chưa có phép màu nào đến với con. Và cha vẫn hằng đêm ước mơ điều gì đó sẽ xuất hiện diệu kì tựa như một ánh sao nhỏ lóe sáng giữa đêm trời tối mịt mù, dù biết điều này rất khó.
Nhìn con có lúc cha bỗng bật khóc. Nước mắt giấu riêng cho mình không muốn ai nhìn thấy. Tràng nước tuôn đổ không cất tiếng mà quặn thắt cả lòng. Cha khóc rồi nín và quay về với thực tại. Cuộc sinh tồn vốn khắc nghiệt mà với những người như cha lại càng khó khổ trăm lần. Cuộc sống vẫn diễn tiếp và cha phải chiến đấu không ngừng nghỉ. Nhưng cha có một gia đình nhỏ với vợ và con gái làm động lực mà vơi mọi nhọc nhằn. Mỗi ngày sau những buổi ruổi rong kiếm tiền cả gia đình mình lại quấn quýt bên mâm cơm. Cha chuyện trò cùng con, lắng nghe con nói và ngắm nhìn con cười. Tự dưng lòng cha thấy mình thật hạnh phúc ngay trong khoảnh khắc ấy. Có lẽ khi con người ta quên đi cái mình không có mà trân quý cái mình đang có họ sẽ thấy mãn nguyện con à. Với cha, như thế này là đủ. Cuộc đời cha còn ước mong gì hơn nữa đâu.
Nếu được phép tham lam cha chỉ xin ông trời hóa phép cho con thành cô gái bình thường như chúng bạn vào một ngày đẹp trời nào đó dù lấy đi tuổi thọ của cha cha cũng chấp nhận. Một điều ước nhỏ vậy thôi. Vì một mai nếu lỡ cha không còn trên đời này mà chăm sóc, lo lắng cho con thì biết con sẽ sống như thế nào giữa thế giới mênh mông này.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Nguyễn Văn Bằng
Địa chỉ: Công viên Tầm Vu, quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Chánh, TP. HCM
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!