Thứ ba, 14/05/2024 18:29
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 03/09/2023 07:15

Cha là người nông dân chân chất nhưng vĩ đại

Con đường quê ngập nắng in dáng cha năm xưa vẫn mãi là hình ảnh đẹp nhất tôi lưu giữ trong ký ức. Cha là một người nông dân chân chất và cũng là một người cha vĩ đại.

Mãi những ngày tháng sau này khi cha đã đến nơi thiên đường, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cha tôi còng lưng đạp cái xe cà tàng chở biết bao thứ hàng hoá trên con đường quê ngập nắng. Cha tôi gầy gò, lọt thỏm giữa đống hàng chất cao như núi.

Hồi đi học các bạn cùng lớp tự hào khoe được đi du lịch cùng cha mỗi mùa hè, được cha mua xe đạp mini, niềm mơ ước của đám học trò chúng tôi thưở đó. Tôi đã từng ghen tỵ với đám bạn có người cha tuyệt vời. Tôi chẳng có gì để khoe về cha mình. Cha tôi đơn thuần là một người nông dân chất phác. Khi đã trưởng thành, tôi luôn hối hận vì những suy nghĩ thời trẻ con. Tôi đâu hay biết tôi từng khiến cha tổn thương vì những lần nhõng nhẽo, mè nheo.

Cha không được khỏe mạnh. Năm tôi vừa chào đời, cha tôi đã mắc căn bệnh lao quái ác. Đầu những năm 90, vật tư y tế còn thiếu thốn. Cha tôi chỉ được uống thuốc đỏ đặc trị cho người bệnh lao. Ngày ấy, kinh tế của hầu hết các gia đình ở nông thôn đều phụ thuộc vào cây lúa. Cha mẹ tôi quanh năm chỉ bám vài sào ruộng được hợp tác xã chia theo từng nhân khẩu. Cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ trong căn nhà nhỏ ba gian vắng những tiếng cười đùa của đám trẻ chúng tôi. Dường như trong những điều kiện sống khó khăn, tình cảm giữa những người thân trong gia đình chan hòa, ấm áp và gắn bó hơn.

tong-hop-mau-chuyen-ngan-ve-cha-hay-day-cam-do-3

Ảnh minh họa.

Cha thường nói với chúng tôi: “Sức khỏe là quý nhất”, bởi ông chỉ ước có sức khỏe để làm mọi việc. Dù bệnh tật liên miên, ông vẫn gồng mình xoay sở làm đủ nghề để tôi và các em được học trong môi trường tốt nhất. Vì gánh nặng gia đình, con cái, cha gồng mình buôn bán thêm cửa hàng tạp hoá nhỏ.

Tôi nhớ những ly nước khoáng ngon tuyệt cha mua cho tôi uống trong những ngày hè nóng bức. Đó thực sự là thứ quà xa xỉ đối với một đứa trẻ nông thôn. Tôi nhớ những thanh kẹo đường đủ màu, đủ hình cha thưởng khi thấy tôi mồ hôi nhễ nhại đã phơi xong một sân lúa, cắt xong một đường rơm dưới nắng. Cha rất khéo tay. Tôi nhớ những đêm cha ngồi cắt từng miếng vải may, kì cạch đạp từng nhịp cái máy khâu thủ công rồi nhớ những lúc cha ngồi chẻ lạt hay đan chiếu, có khi ngồi hì hụi cả buổi chiều đóng cái xe tập đi bằng gỗ cho đứa em. Tôi cứ nghĩ giá không có căn bệnh lao quái ác, có lẽ cha tôi sẽ là một thợ may giỏi, một thợ thủ công lành nghề hoặc một thương buôn cũng nên chăng.

Tôi nhớ cả những khi cha nhường phần cơm thịt cho chúng tôi ăn. Tôi nhớ, rất nhớ tất cả những điều bình thường đã theo tôi suốt những năm tháng ấu thơ. Mấy chị em chúng tôi lớn lên khỏe mạnh trong tình yêu thương đủ đầy của cha mẹ.

Khi đứa em út của tôi vào tiểu học cũng là năm kinh tế gia đình kiệt quệ. Năm đó, cha tôi phải nhập viện trong tình trạng bệnh lao tái phát trở nặng. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên những đêm khó ngủ trong phòng bệnh nhân lao, mùi nồng của thuốc sát khuẩn, mùi máu của bệnh nhân lao sau những cơn ho xé phổi hành hạ thể xác. Đó là lần đầu tiên tôi mơ hồ ý thức được nỗi sợ hãi trong cuộc đời. Không phải sợ căn bệnh lao truyền nhiễm. Điều tôi sợ khiến tim tôi thắt lại. May mắn thay, cha tôi đã qua giai đoạn nguy kịch. Kể từ năm đó, cha tôi sống chung với máy thở và bình oxy. Cha không đi lại được nữa. Ông buồn, buồn lắm. Nhưng chỉ cần cha vẫn bên chúng tôi, như vậy là đủ rồi, để mấy mẹ con tôi dựa vào, cố gắng. Gia đình quây quần là thứ hạnh phúc tuyệt vời nhất thế gian. Nó vượt qua mọi giá trị vật chất, đứng trên mọi khó khăn bủa vây.

Đời người, điều gì đáng sợ nhất. Khi tôi năm tuổi, sợ nhất bị cha mẹ đánh đòn. Khi tôi mười tuổi, sợ nhất bị thầy cô phạt, ghi danh trong sổ đầu bài. Khi tôi hai mươi tuổi, sợ nhất tương lai phía trước chông chênh. Đến khi chạm ngưỡng ba mươi, tôi lại hoảng hốt nhận ra nỗi sợ mơ hồ từ nhiều năm trước. Tôi sợ một ngày nào đó ông bà, cha mẹ sẽ rời xa tôi. Tôi rất sợ cảm giác vĩnh viễn không còn được nắm tay những người tôi yêu quý.

Cuộc đời rất thực, không có phép màu nào cả. Cha đã chống chọi với căn bệnh lao quá nửa đời người. Nhìn cha đau đớn trên giường bệnh, tôi muốn nổ tung. Tôi như một con bé đã không còn ý thức được suy nghĩ và hành động của bản thân. Tôi chạy khắp hành lang bệnh viện giống như một kẻ điên dại. Tôi quá đau đớn. Tôi không thể chấp nhận điều kinh khủng xảy đến với tôi. Đứng trên lan can tầng hai của bệnh viện lao phổi, tôi vừa hét lớn vào điện thoại, vừa nhìn trân trân như muốn lao xuống bãi cỏ phía dưới, chỉ để giải tỏa thứ cảm xúc đang bức bối đến nghẹt thở trong tôi. Tôi định thần, ngồi hẳn trên lan can, nước mắt đã không ngừng tuôn rơi.

Lần cuối cùng, tôi đưa cha từ bệnh viện về nhà. Ngồi trên xe cứu thương, đôi mắt cha mờ dần rồi nhắm nghiền. Khuôn mặt trắng nhợt. Cha gầy gò, nhỏ thó gục trên tay tôi. Cái ống thở oxy dường như không làm vơi đi nỗi giày vò của bệnh tật đau đớn. Tim tôi thắt lại. Sự thở là ngọn nguồn của mọi sự sống. Khi việc tự thở là một điều xa xỉ với người bệnh tâm phế mãn, người đó sẽ đau như thế nào. Suốt cả đoạn đường mấy chục cây số, tôi cảm thấy trái tim như muốn vỡ ra.

Tình thân luôn là một thứ rất đỗi thiêng liêng, không dễ gì nhận được lần thứ hai. Trước khi cha rời xa cõi đời, ông chỉ nhìn mẹ con tôi, nước mắt chảy dài. Sau nhiều ngày phải thở máy, mở phế quản, cha không nói được nữa. Tôi vẫn mở radio để ông nghe bài niệm phật cuối cùng. Cha đến nơi thiên đường thanh thản, nhẹ nhõm, không còn bệnh tật khổ đau. Tôi nghĩ tôi sẽ gào lên thật lớn nhưng tôi đã không khóc. Có lẽ tôi muốn để bản thân mạnh mẽ vượt qua nỗi đau hoặc thứ cảm xúc mang tên nỗi đau đã chai sạn trong tôi.

Tôi đứng lặng hàng giờ trước di ảnh cha. Cha gầy gò, đang cố sức kéo cái xe ba gác chất đống lúa đầy, còn tôi đang ra sức đẩy phía sau trên con đường gồ ghề sỏi đá. Cha chở tôi trên cái xe đạp cà tàng với cái bàn đạp bằng gỗ được vá víu trong ngày đầu tiên tôi đến lớp. Tôi đeo cặp ngồi sau lưng cha còn ngúng nguẩy. Vẫn cái xe đạp cà tàng ấy, bóng dáng dong dỏng của cha chở theo sau những ấm no của cả gia đình, tương lai của những đứa con, chở theo hết thảy những yêu thương không thể đong đếm. Mọi thứ về cha tựa hồ như một đoạn phim quay chậm cứ trở đi trở lại trong tâm trí.

Con đường quê ngập nắng in dáng cha năm xưa vẫn mãi là hình ảnh đẹp nhất tôi lưu giữ trong ký ức. Cha là một người nông dân chân chất và cũng là một người cha vĩ đại. Điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời tôi khi chưa kịp nói lời yêu thương tự đáy lòng rằng: Con gái yêu cha rất nhiều.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Đỗ Ngọc Bích

Địa chỉ: Số 6, ngõ 8A, TDP Đông Hưng, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Ban tổ chức  
Thư gửi con gái ngày sinh nhật
Bố đơn thân và hành trình nuôi con gái mắc bệnh Down
Niềm tự hào của Cha về hai con gái
'Thủ lĩnh' Misa: 'Cha dạy tôi đừng bao giờ giúp đỡ người khác mà trông chờ trả ơn'
Cha nghèo lo sợ con gái học nhiều... ế chồng
Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi xa
Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên
Cha cầu mong người đàn ông đó sẽ yêu thương con hơn cha
Thiêng liêng khoảnh khắc con gái chào đời
Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt: 'Cha và con gái' truyền đi những thông điệp yêu thương của cuộc sống
Cha và con gái là cung bậc tình thương khác biệt
Hơn 100 tác phẩm dự thi 'Cha và con gái' sau 6 ngày phát động
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: 'Nếu mỗi người là hạt giống thì gia đình chính là vườn ươm'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Tôi không muốn rời con gái nửa bước”
Phát động cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024: Cơ hội cho con tim lên tiếng
Cuộc thi viết “Cha và con gái”: Tạo niềm tin trong cuộc sống giữa “cơn bão” ngập tràn tin tiêu cực
Sáng 27/3 phát động cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024
Cuộc thi “Cha và con gái”: Nơi tâm sự chuyện chưa từng thổ lộ
Khởi động Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2: Viết tiếp những câu chuyện còn dang dở
Chán cảnh tắc đường, bố lái máy bay đưa con gái về quê ăn Tết
Xem thêm