Cha không mong con trở thành người vĩ đại, chỉ mong con sống hạnh phúc, bình yên
"Nếu người ta hỏi cha rằng sau này muốn con trở thành người như thế nào? Cha sẽ trả lời rằng điều này do con tự quyết định. Bởi vì, cha quan tâm đến con của ngày hôm nay hơn là áp đặt một hình mẫu để con trở thành trong tương lai."
Chỉ sau 2 tuần phát động, ban tổ chức cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" đã nhận được hàng trăm bài dự thi chất lượng từ bạn đọc khắp mọi miền với đầy đủ mọi lứa tuổi.
Mỗi bài dự thi là một câu chuyện khác nhau về tình cảm cha con. Từ khoảnh khắc con gái chào đời, cha xúc động ẵm bồng, ngắm nghía hàng giờ đôi bàn tay bé xíu còn đỏ hỏn mà rơi nước mắt,... đến giây phút bồi hồi trao tay tiễn con gái về nhà chồng, hay cả những khoảng lặng khó giãi bày giữa tình cảm cha và con gái,...
Với bất kỳ người làm cha nào, nuôi dạy con cái cũng đều là hành trình thiêng liêng nhưng đầy những khó khăn, hy sinh. Con cái là động lực, là niềm tự hào, là bao nhiêu ước mơ, kì vọng và tương lai mà mẹ cha gửi gắm. Con trưởng thành mang trong mình nhiều hoài bão, khát khao được bay nhảy tự do, được vươn mình theo đuổi những giấc mơ lớn lao nhưng có lẽ với cha mẹ, mong muốn lớn nhất của họ chính là con cái được hạnh phúc, bình an.
Trong những tác phẩm gửi về cuộc thị viết "Cha và con gái", tác giả Nguyễn Văn Nhật Thành - Giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị khiến khiến ban tổ chức không khỏi xúc động với những dòng tâm sự dành cho con gái Tuệ Lâm.

Nhớ lại cái cảm xúc hồi hộp, nôn nao và đầy lo lắng khi chuẩn bị đón chào cô công chúa nhỏ đến với thế giới, tác giả chia sẻ: "Ngày con ra đời, ba đã không cầm được nước mắt. Một sinh linh bé nhỏ, đỏ hỏn nằm gọn trong vòng tay ba, khóc oe oe mà đã làm trái tim ba rung lên từng nhịp. Ba chưa bao giờ tin vào điều kỳ diệu cho đến khi nhìn thấy con".
Đồng hành trong từng bước trưởng thành của con, cũng như bao người khác, người cha ấy mãi suy nghĩ liệu sau này con sẽ học gì, làm gì, trở thành một người như thế nào. Cha sợ con sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, lại càng sợ con sẽ vất vả với đam mê của chính mình. Nhưng rồi cha hiểu rằng điều mình nên quan tâm hơn cả là ngày hôm nay đây con thích thú với việc gì và tự con muốn trở thành ai trong tương lai.
"Ba không mong con trở thành người giỏi nhất, ba chỉ mong con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hãy cứ là Tuệ Lâm – cô gái thông minh, vững chãi nhưng vẫn đủ dịu dàng để cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc đời. Hãy mạnh mẽ theo cách của con, hãy kiên trì theo đuổi những điều con tin tưởng.
Sẽ có những ngày con cảm thấy chênh vênh, sẽ có những lúc con hoài nghi chính bản thân mình. Những lúc như vậy, hãy nhớ rằng ba mẹ luôn ở đây, luôn sẵn sàng lắng nghe và yêu thương con vô điều kiện. Nhưng hơn hết, ba muốn con tự tin vào chính mình, bởi con có thể làm được nhiều hơn những gì con nghĩ.
Tuệ Lâm của ba, hãy cứ bước đi, dù con chọn con đường nào, chỉ cần con luôn là chính mình, ba tin con sẽ tìm thấy hạnh phúc.", tác giả Nguyễn Văn Nhật Thành viết.
Dường như người cha nào cũng thế, luôn lặng lẽ yêu thương con theo cách của riêng mình. Cha không dịu dàng như mẹ, không nuông chiều những cảm xúc mới lớn của con, cũng chẳng chịu lắng nghe những tâm sự của con bao giờ. Nhưng đằng sau vẻ ngoài cứng rắn, cha vẫn đang âm thầm bảo bọc, che chở, ủng hộ, nâng đỡ bước chân con.
Trong dòng hồi tưởng về người cha đã xa cách 30 năm, tác giả Lê Thị Phương Lan gây ấn tượng bởi hình ảnh người cha với vẻ ngoài cương trực nhưng luôn dịu dàng với con gái.
"Con nhớ, lúc con còn nhỏ cha chưa bao giờ hỏi con học giỏi hay dốt, điểm số ra sao; lớn lên con ở vị trí nào; con đã làm được gì; con có hạnh phúc không? Mà mỗi ngày cha chỉ chắt chiu nhìn vào từng nụ cười của con, ánh mắt của con, hành động tốt hơn lên dù nhỏ nhất mỗi ngày của con là cha hạnh phúc rồi!"

Có lẽ, đến khi chúng ta thành công, có một vị trí trong xã hội rồi, cha vẫn xem ta là đứa con bé bỏng. Cha mẹ vẫn là người đầu tiên và duy nhất sợ con đau, sợ con khổ, sợ con mệt. Tình yêu ấy không thể tìm người thế thay và cũng không cách nào báo đáp cho trọn vẹn. Cha không mong con trở thành một người giỏi giang xuất chúng, cha chỉ mong con trở thành một người tốt, sống một cuộc đời thanh thản và bình an.
Chính mỗi câu chuyện, mỗi mảnh ghép của số phận được chia sẻ trong cuộc thi viết "Cha và con gái" đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc về tình cảm cha và con gái, thắp lên ngọn lửa ấm trong mỗi gia đình, xóa nhòa những khoảng cách vô hình giữa cha con và lan tỏa những nụ cười hạnh phúc.
Thể lệ cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" lần thứ 3 năm 2025
Quy định về bài dự thi
- Bài dự thi là những bài viết về câu chuyện có thật (người thật việc thật) về những kỷ niệm vui buồn, những khoảnh khắc đáng nhớ, những tình huống yêu thương, sâu sắc khó quên giữa người cha và con gái, giữa con gái với cha mình.
- Bài viết có thể thể hiện dưới dạng thư tâm tình, tản văn, nhật ký viết cho ca (con), khuyến khích có ảnh thật đính kèm)
- Bài dự thi có dung lượng 1.000 - 1.500 từ bằng tiếng Việt, được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Khuyến khích bài dự thi đính kèm video với thời lượng từ 3 - 5 phút thể hiện câu chuyện, khoảnh khắc ấn tượng, đáng nhớ giữa cha và con gái như cùng du lịch, nấu ăn, làm vườn, học tập, khi chăm sóc cha đau con ốm; tự hào khi cùng con gặt hái thành quả trong học tập, trong lao động... Video sử dụng âm nhạc yêu cầu bản nhạc không bị cấm bản quyền.
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó khuyến khích học sinh, sinh viên dự thi.
- Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam (yêu cầu bài dự thi phải dịch ra tiếng Việt).
- Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, Ban tổ chức khuyến khích và trao giải thưởng riêng cho các tác giả có bài viết hay về cha mình là người đã từng tham gia cuộc cách mạng tháng Tám từ 80 năm trước.
Điều kiện dự thi
- Tác phẩm dự thi là bài viết mới, chưa được đăng/phát trên bất kỳ báo, đài hay trang mạng xã hội nào và chưa từng được gửi dự thi ở các cuộc thi viết khác.
- Tác giả dự thi chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính bản quyền và tính chân thực của tác phẩm dự thi, tuân thủ pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục; cấm sao chép dưới mọi hình thức.
- Ban tổ chức được toàn quyền sử dụng bài dự thi và video gửi kèm (kể cả các bài đoạt giải) cho mục đích truyền thông, quảng bá mà không phải chịu bất kỳ khoản chi phí nào, tác giả không được khiếu nại về bản quyền.
- Mỗi tác giả được gửi tối đa 02 (hai) bài dự thi.
- Nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành không được tham gia dự thi.
- Ban tổ chức không chấp nhận các tác phẩm hư cấu, dàn dựng nội dung, nhân vật không đúng sự thật.
Thời gian nhận bài dự thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 14/03/2025 đến ngày 12/06/2025 tính theo dấu bưu điện hoặc thời gian nhận mail.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải dự kiến diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2025.
Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Cơ cấu Giải thưởng
- Giải thưởng gồm:
+ 1 giải nhất, 02 giải nhì và 03 giải ba cho các tác phẩm xuất sắc nhất với giải thưởng gồm tiền kèm hiện vật.
+ 01 giải nhất , 01 giải nhỉ và 01 giải ba cho tác giả dự thi là con gái hoặc tác giả viết về các nhà lãnh đạo cách mạng.
+ 01 giải nhất, 01 giải nhỉ và 01 giải ba dành cho học sinh sinh viên với giải thưởng gồm tiền mặt và hiện vật.
+ Giải thưởng cho người Việt Nam sống ở nước ngoài và người nước ngoài sinh sống học tập và làm việc tại Việt Nam.
+ 05 giải khuyến khích với giải thưởng gồm tiền kèm hiện vật.
- Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức.
Ban Giám khảo cuộc thi
- Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo
- Nhà thơ Trần Hữu Việt
- Nhà văn Nguyễn Một
- Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu
Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ: Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Số điện thoại: 0975.470.476 (Mr Khánh An – Ủy viên Ban biên tập - Tổng TKTS, Phó trưởng Ban tổ chức).