Cả thế giới cần chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola
Cả thế giới cần chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola. Đây là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người.
Cả thế giới cần chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola
Xuất hiện từ cuối năm 2013 đến nay, Virus Ebola đã khiến hàng ngàn trường hợp lây nhiễm, hàng trăm người tử vong.
Theo những con số thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 31/7 cho biết, kể từ tháng 3 đã có 1.323 ca mắc Ebola và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Tính đến nay, dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia trên và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác.
Những hành động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bênh sốt xuất huyết Ebola có chiều hướng gia tăng và bùng phát thành đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới đã có nhiều hành động để bảo vệ sức khỏe người dân trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bao gồm:
Giám sát dịch bệnh và chia sẻ thông tin giữa các khu vực để phòng tránh sự lây truyền của dịch bệnh.
Hỗ trợ kỹ thuật để điều tra và khống chế các mối đe dọa của dịch bệnh tới sức khỏe như: hỗ trợ thực địa để phát hiện người nhiễm và theo dõi các mô hình dịch bệnh.
Khuyến cáo các biện pháp phòng và điều trị bệnh.
Cả thế giới cần chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola.
Cung cấp chuyên gia và phân phối các trang thiết bị y tế (như phương tiện phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế), khi được yêu cầu.
Truyền thông nâng cao nhận thức về đặc tính của bệnh, các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Khởi động mạng lưới các chuyên gia quốc tế và khu vực để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật khi được yêu cầu, và giúp giảm các tác động tới sức khỏe, cũng như hạn chế các trở ngại tới du lịch và giao thương quốc tế.
Việt Nam chủ động giám sát phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola
Để dịch bệnh do vi rút Ebola không lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế vừa có văn bản về tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai ngay các biện phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày, thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương hoặc Viện Pasteur TP HCM để xét nghiệm.
Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị Ebola. Đặc biệt lưu ý túi phòng hộ cá nhân (khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch cho nhân viên y tế, người tiếp xúc gần, người nhà bệnh nhân), phương tiện vận chuyển riêng biệt, chất khử khuẩn.
Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện đảm bảo tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong; có kế hoạch bố trí giường bệnh, cơ sở y tế điều trị khi có số lượng lớn bệnh nhân.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định, không để lây bệnh cho nhân viên y tế, các bệnh nhân khác trong bệnh viện cũng như lây lan trong cộng đồng.
Kiện toàn các đội chống dịch, đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết và tổ chức thường trực chống dịch theo quy định.
Bộ Y tế cũng yêu cầu chỉ đạo Sở Tài chính có kế hoạch bố trí kinh phí sẵn sàng cấp bổ sung hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh theo đề nghị của Sở Y tế.
Phương Vũ (tổng hợp)