Thứ hai, 13/05/2024 10:35
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ ba, 29/08/2023 07:00

Bố phải lòng người đàn bà khác nhưng đã về cùng tôi

Người ta thường hay nói rằng con người có thể trưởng thành sau một đêm. Đúng vậy, ngày bão tố kéo đến, bạn rớt từ vị trí công chúa xuống thành kẻ ăn mày, lúc đó bắt buộc bạn phải trưởng thành.

Năm tôi 17 tuổi, ngày đó bố tôi phải lòng người đàn bà khác, tôi xót xa cho mẹ rồi xót xa cho mình, những lần giận hờn ghen tuông ầm ĩ của mẹ khiến cho bố tôi xấu hổ với làng xóm và quay trở lại nổi giận với gia đình. Cũng từ năm tháng ấy, những yêu thương của bố đổi thành những câu chửi tục tĩu, những lần tiếng bát đĩa, đồ đạc bị đập vỡ khiến trái tim và cơ thể tôi run lên sợ hãi. Tôi thường chạy lên tầng ngồi co ro vào một góc với đôi mắt trống rỗng của sự bất lực.

Từ lúc bắt đầu sự việc tôi vẫn mong chờ sự thay đổi của bố, mong bố quay lại với gia đình, lại yêu thương tôi như thuở trước. Nhưng một năm trời trôi qua, dù bố chẳng đánh tôi hay mẹ tôi một cái nào, nhưng sống trong cảnh cãi vã ngột ngạt cùng sự bạo lực ngôn từ khiến tôi bị ám ảnh. Nửa đêm chỉ cần một tiếng động ngoài trời tôi cũng vô thức giật mình cùng với trống ngực vì tưởng rằng món đồ nào đó trong nhà lại vừa bị đập vỡ, chỉ sợ những cuộc cãi vã, chửi bới lại diễn ra. Thậm chí tiếng bố tôi ở ngoài ngõ cũng khiến tôi tìm kiếm việc gì đó để lẩn trốn, tôi sợ phải nghe thấy những lời mắng nhiếc tồi tệ ấy.

Tôi cũng muốn lẩn trốn ánh mắt quắc lên như diều hầu cũng tiếng gằn được rít lên khi ông ấy cáu giận. Ông ấy trở nên khác quá, ranh giới của sự yêu thương cũng có lúc mong manh và rẽ hướng nhanh chóng đến vậy. Biến tôi từ một cô công chúa nhỏ được chiều chuộng, che chở thành một kẻ ăn mày đi tìm kiếm và thèm khát tình yêu thương.

Tôi còn nhớ những cây ăn quả mà tôi yêu thích, ngày trước chúng được bố tôi tự tay trồng thì lúc ấy lại bị chặt phá bởi chính tay bố. Con cún được bố chùm trong chiếc áo khoác mang về giữa ngày đông giá rét ấy, thắp lên tình bạn ấm áp giữa tôi cùng Cún nhỏ, vậy mà nó cũng bị bố tôi đem đi bán. Mặc cho tôi ngồi ôm con chó ngồi giữa sân khóc nức nở. Tôi dường như cảm nhận được sự chối bỏ của ông ấy với đứa ­­­­­con gái là tôi. Ông ấy lần lượt muốn đem những kí ức từng yêu thương tôi mà xóa đi.

shutterstock345397208-15744758-9164-9044-1574476072

Ảnh minh họa.

Đến khi mẹ tôi chẳng may bị ngã, rồi nằm liệt gần cả tháng trời trên giường nhưng bố tôi lại thờ ơ bỏ mặc. Tôi ­­lúc ấy như bị vắt cạn sức sống, và nhen nhóm lòng thù hằn với chính bố mình. Tôi không còn trông chờ sự quay về của ông ấy, tôi căm ghét ông ấy và thay vào đó là mong ông ấy biến mất.

Thế nhưng, ngày tận mắt nhìn thấy bố tôi đột ngột bị tai biến, tôi đã hoảng sợ khi nghĩ tới phải mất đi ông ấy. Ngồi ôm ông ấy trên xe đưa đến bệnh viện tôi đã thầm cầu trời để ông ấy được sống, dù tôi có phải đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Ngay lúc ấy tôi chỉ thấy những kí ức yêu thương thưở nhỏ bên bố, những lo toan vất vả của ông ấy... “bố no rồi, con ăn đi”, hay những lúc tôi ngồi sau chiếc xe đạp, sau chiếc lưng còng lên chắn gió chắn mưa đưa tôi đến trường, hay những khi ốm sốt ông ấy đã thức cả đêm để chăm sóc chỉ mong tôi bớt đau... kí ức ùa về nhiều quá, nhiều như nước mắt tôi từng giọt cứ thế đua nhau rơi xuống ướt cả khuôn mặt vậy. Và rằng tôi đã tha thứ tất cả những tồi tệ mà ông ấy đã gây ra, tha thứ hết thảy.

Sau trận ấy, thật may trời quang mây tạnh, bệnh của bố tôi chỉ bị nhẹ nên có thể hồi phục hoàn toàn. Bố tôi cũng nhìn lại quá trình người thân kề cận khi đau bệnh, cảm nhận tình yêu thương của tôi, dần dà ông ấy cũng trở về lại với gia đình. Tôi cũng đã trưởng thành rất nhiều sau những biến cố, khi bản thân đã nghĩ thông suốt, không cưỡng cầu thì mọi thứ sẽ trở lên dễ thở hơn. Tôi không còn oán hận ông ấy, tôi chọn giữ lại những kí ức yêu thương và chấp nhận tha thứ. Vì cuộc đời vốn không phải những bộ phim được đi đúng ý muốn của người viết, đôi khi bạn sẽ rơi vào những hoàn cảnh bất lực đến cùng cực, thậm chí không còn nước mắt để làm giảm nỗi đau.

Có những ngày tháng trong quá trình trưởng thành ấy, không biết bao lần tôi đã trèo lên sân thượng nhìn xuống khoảng sân trắng trước nhà và nghĩ sẽ ra sao nếu như tôi nhảy xuống. Rồi tôi nghĩ liệu bố tôi có hối hận sau cái chết của mình, ông liệu có quay đầu lại với gia đình. Nhưng thật may, sau ngần ấy năm tôi vẫn đi về phía trước, bỏ lại những ý nghĩ tiêu cực. Nhưng trái tim vẫn cứ mãi khuyết một mảng, xung quanh vết thương lòng đã trở thành những chai sạm và phủ bụi. Tôi cuối cùng cũng đã trưởng thành, mạnh mẽ lên từng ngày và vẫn luôn tâm niệm một đoạn trong bài hát “Đạo làm con” (dù cha ra sao vẫn luôn là đấng sinh thành, dù mẹ làm sao vẫn luôn mang nặng đẻ đau)! Thật may, sau tất cả, tôi vẫn còn bố ở bên!

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Đoàn Lan

Địa chỉ: Hải Dương

Ban tổ chức  
Bố đơn thân và hành trình nuôi con gái mắc bệnh Down
Niềm tự hào của Cha về hai con gái
'Thủ lĩnh' Misa: 'Cha dạy tôi đừng bao giờ giúp đỡ người khác mà trông chờ trả ơn'
Cha nghèo lo sợ con gái học nhiều... ế chồng
Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi xa
Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên
Cha cầu mong người đàn ông đó sẽ yêu thương con hơn cha
Thiêng liêng khoảnh khắc con gái chào đời
Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt: 'Cha và con gái' truyền đi những thông điệp yêu thương của cuộc sống
Cha và con gái là cung bậc tình thương khác biệt
Hơn 100 tác phẩm dự thi 'Cha và con gái' sau 6 ngày phát động
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: 'Nếu mỗi người là hạt giống thì gia đình chính là vườn ươm'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Tôi không muốn rời con gái nửa bước”
Phát động cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024: Cơ hội cho con tim lên tiếng
Cuộc thi viết “Cha và con gái”: Tạo niềm tin trong cuộc sống giữa “cơn bão” ngập tràn tin tiêu cực
Sáng 27/3 phát động cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024
Cuộc thi “Cha và con gái”: Nơi tâm sự chuyện chưa từng thổ lộ
Khởi động Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2: Viết tiếp những câu chuyện còn dang dở
Chán cảnh tắc đường, bố lái máy bay đưa con gái về quê ăn Tết
Cuộc thi viết 'Cha và con gái': Vun đắp mái ấm gia đình, lan toả giá trị nhân văn
Xem thêm