Thứ bảy, 18/01/2025 14:41     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 08/05/2023 08:55

Bố ơi! Con đã tha thứ cho bố từ rất lâu

Thực sự, đây là lần đầu tiên con dám viết về bố, bởi lẽ bố không giống như người ta để con có thể kể với một niềm hãnh diện và tự hào.

Suốt tuổi thơ của con là những ngày tháng chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, chứng kiến những cơn say triền miên của bố. Bố thường ghen tuông quá mức, tất cả những người đàn ông mà mẹ quen đều bị xếp vào diện "đáng ngờ". Bố hay nhiếc móc, đánh đập mẹ rồi quát mắng lây sang các con. Gần như ngày nào chị em con cũng phải chứng kiến những cảnh không vui như vậy.

Con nhớ nhất khi mẹ sinh em trai út, bố đã dứt khoát không cho mẹ cho em bú với lý do vô lý rằng vì mẹ không đoan chính nên sữa bị "ô uế" rồi. Mẹ thương con mà không dám phản kháng, thi thoảng cho em bú trộm được một lúc, bố bắt được lại giằng ra khiến cả mấy mẹ con cùng bật khóc. Tâm lý căng thẳng đã khiến mẹ bị mất sữa hoàn toàn.

Em con lớn lên bằng nước cháo và sữa đặc. Những hộp sữa mà thi thoảng mấy đứa lớn lại mở ra húp vụng. Bây giờ nghĩ lại hành động của mình hồi đó mà thấy thương em đến trào nước mắt. Cháo loãng cùng sữa pha không đủ hàm lượng khiến em bị suy dinh dưỡng, gần hai tuổi vẫn cứ lết khắp cái sân gạch của khu tập thể mãi không tự đi đứng được.

Một lần khác con sơ ý đánh mất một chiếc cặp mới cùng toàn bộ sách vở và đồ dùng học tập trong đó. Thay vì tìm sự giúp đỡ của người thân thì con đã sợ đến nỗi không dám về nhà. Con lang thang ở cổng trường đến tận tối mịt cho đến khi chị cả vừa khóc vừa đi tìm. Con sợ bố sẽ vì tiếc của mà đánh con đến chết.

anh-ve-cha_032836421

Ảnh minh họa.

Con đã từng phải sống trong nỗi khiếp sợ và cả mặc cảm vì mình có một người cha như thế trong một khoảng thời gian rất dài. Đã không ít lần con muốn bố mẹ bỏ nhau. Thậm chí con còn ước rằng giá như bố cứ đi đâu đó xa mãi đừng trở về. Nếu chỉ còn mấy mẹ con thì cuộc sống sẽ bình yên biết bao.

Bố cứ say triền miên như thế và con cũng không hiểu vì sao mà bố vẫn có thể đi làm.Thậm chí là làm tốt để được cất nhắc lên đến vị trí trưởng một khoa của bệnh viện. Về sau con mới biết bố chỉ uống rượu sau khi tan sở còn lúc ở cơ quan vẫn hoàn toàn chuyên tâm với công việc. Nhưng rượu thì vốn chẳng bao giờ có lợi, huống hồ bố mỗi ngày một nghiện hơn nên cũng bị ảnh đến sức khoẻ và trí não. Thời gian sau này sự nghiệp của bố có phần sa sút.

Rồi biến cố đã xảy ra, con nhớ như in cái buổi chiều ngày hôm ấy, khi con còn đang say sưa bên những mẫu hoa lá trong một xưởng dạy thêu tay thì cô bạn cùng xóm chạy đến bảo về nhà ngay. Con không biết chuyện gì nhưng lòng vô cùng hoang mang khi nhìn nét mặt của bạn.

Bố nằm đó, trên sân nhà mình, tái nhợt trong bộ đồ sũng nước. Mọi biện pháp sơ cứu đã vô hiệu, người ta vớt được bố từ cái ao nước lớn cạnh nhà. Nghe mấy đứa bé kể lại là bố lội xuống để tắm, bơi một vòng rồi lặn rất lâu. Bọn trẻ đã hồn nhiên hò reo cổ vũ mà không biết rằng bố đang gặp nạn.

Tâm trạng con lúc đó thật khó diễn tả. Có lẽ nào lời cầu mong bố sẽ đi xa mãi của con đã ứng nghiệm? Con cầu mong mà sao giờ đây lòng con lại đau đớn thế? Có phải thứ tình cảm ruột rà, máu mủ vẫn luôn tồn tại mà cho đến phút sinh tử biệt ly này con mới nhận ra và bật lên thành tiếng tức tưởi: "Bố ơi! Tại sao lại như thế này?"

Căn nhà của mình từ đó vắng bố và nó thực sự trống trải chứ không phải là hạnh phúc bình yên như con đã từng nghĩ. Mẹ buồn và trở nên lặng lẽ, con chợt nhớ đã từng hỏi: "Tại sao mẹ không ly hôn?" thì được trả lời: "Mẹ không muốn gia đình mình tan nát, dù thế nào thì đấy cũng là người sinh ra các con, có bố vẫn còn hơn không..." Con hiểu, đó là sự hy sinh của mẹ, nếu ngày đó bố mẹ chia tay thật thì chắc gì chị em con được như bây giờ.

Con nhớ lại, dù hiếm hoi nhưng gia đình mình cũng đã từng có những phút giây hạnh phúc. Đâu phải lúc nào bố cũng say và ngay cả trong lúc say, bố cũng dạy dỗ các con bằng những điều rất hợp đạo lý, chẳng qua vì bị nỗi sợ hãi và oán hờn lấn át mà con không chịu nhận ra điều ấy. Bố đã từng yêu thương mà gọi con bằng "con gái rượu". Cũng chính bố đã đưa con đi chuyến du lịch đầu tiên trong đời cùng cơ quan bố năm con học lớp 5. Và đặc biệt bố mua cho các con rất nhiều sách, vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, đó là một thứ quà xa xỉ. Chị em con có hiểu biết và lớn khôn cũng một phần nhờ vào những trang sách ấy.

Bố còn là một đảng viên, một thương binh. Chúng con đi học luôn được miễn giảm học phí, chị gái có tiêu chuẩn đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô là nhờ vào cái phần xương máu đã bỏ lại chiến trường Lào của bố. Đấy cũng là một điều đáng để chúng con tự hào lắm phải không bố?

Sau khi bố mất con đã tìm được một cuốn sổ tay có rất nhiều thơ và tranh vẽ bằng mực cửu long trong ngăn tủ của bố. Tuy còn nhỏ nhưng con cũng mơ hồ cảm nhận có một nỗi ẩn ức nào đó được cất giấu trong tranh và những lời thơ ấy. Có thể bố viết và vẽ trong lúc say hoặc cũng có thể chính những ẩn ức kia đã kéo bố đến với rượu và không thể dứt ra được.

Nếu như thời gian có thể quay ngược trở lại, con sẽ hỏi bố cho rõ? Con sẽ gạt bỏ sự sợ hãi và oán hờn sang một bên để lòng bao dung đủ cất lên thành lời: "Bố ơi! Đừng uống nữa! Nếu thực sự bố gặp phải vấn đề gì thì hãy nói ra đi!"

Cho đến tận bây giờ con cũng không hiểu rõ ràng về cái chết của bố. Bị chuột rút khi ở dưới nước hay chính người đã chọn cách ra đi vì bế tắc sau nhiều năm trầm cảm do rượu? Câu hỏi đó chỉ một mình bố có thể trả lời được nhưng lúc này đã không thể nữa rồi.

Mà thôi, có lẽ con cũng không cần phải cố công đi tìm câu trả lời. Điều nên làm là đối xử tốt và thấu hiểu hơn với những người thân còn lại. Và đặc biệt phải làm sao để những đứa con của con không bao giờ phải sống trong nỗi sợ hãi giống như con đã từng trải qua.

Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà cũng sắp đến ngày giỗ bố, hơn ba mươi năm người rời xa cõi tạm. Khi viết những dòng này, nỗi xúc động trong con vẫn vẹn nguyên nhưng không còn là sự hờn trách nữa. Cũng đã gần bước sang cái tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" nên con hiểu thấu lẽ đời hơn, con đã tha thứ cho bố từ rất lâu rồi. Viết để ôn lại những ký ức buồn vui mà chúng ta đã từng có với nhau trong cuộc đời này và con trân trọng điều ấy, vậy thôi. Nếu nghe được, mong bố hãy thanh thản bay về miền mây trắng. Con gái yêu bố! Bố ơi!

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Cao Thị Nga

Địa chỉ: ki ốt 22A2, chợ Láng Hạ A số 572 đường Láng, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm