Thứ bảy, 18/01/2025 14:56     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 05/05/2023 09:03

Bố là người nói dối giỏi nhất

Lần nào bố cũng bảo chẳng có gì mới, bố vẫn khoẻ nên chẳng có gì phải bận tâm cả. Thế nhưng, một lần nọ, tôi phát hiện bố nói dối.

Ngày trước, tôi có đọc được đâu đó có một cuốn sách đã tính thời gian con cái ở với bố mẹ thế này: “Giả dụ bạn đi làm xa nhà, thời gian bạn gặp bố mẹ mỗi năm là 6 ngày, thời gian tiếp xúc mỗi ngày là 11 tiếng, vậy thì trong vòng 20 năm tới thời gian bạn ở cạnh bố mẹ sẽ là 1320 tiếng, cũng tức là 55 ngày”.

Lúc đó còn nhỏ, tôi nghĩ điều này thật vớ vẩn. Vì tôi vẫn ở với bố mẹ mà, thế nhưng sau này tôi mới nhận ra đây là sự thật. Từ khi bắt đầu đi học xa nhà, tôi rất ít về thăm bố mẹ. Tôi gần như bù đầu với việc học và làm thêm mỗi ngày. Thế là 1 tháng, 2 tháng, tôi cũng chưa sắp xếp được thời gian để trở về với gia đình. Tôi tự thôi miên bản thân mình rằng: “Mình vẫn gọi điện về cho bố mà, vẫn hỏi han tình hình xem bố thế nào mà, lần nào bố cũng bảo chẳng có gì mới, bố vẫn khoẻ nên chẳng có gì phải bận tâm cả”. Thế nhưng, một lần nọ, tôi phát hiện bố là kẻ nói dối.

Có lẽ nỗi nhớ nhà da diết, cồn cào ruột gan đã thôi thúc tôi trở về sau 3 - 4 tháng. Do nhà tôi kinh doanh đồ ăn nên bố mẹ tôi thường xuyên phải thức dậy rất sớm, có lẽ là 3 giờ sáng mỗi ngày. Đặc biệt, với những ngày cao điểm như lễ, tết có khi phải thức dậy lúc 1 - 2 giờ sáng.

Ngày hôm ấy khi tôi trở về, tôi cũng chẳng nghĩ nhiều mà ngủ liền một mạch đến 8 giờ mới dậy. Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi mà suốt nhiều năm sau tôi vẫn không thể nào quên được: bố còng lưng cố gắng thu dọn nhà cửa và đồ đạc sau khi làm việc xong. Chân bố đã bị gãy nhiều lần vì thế bố đi lại không được thông thuận như người bình thường, bố cũng không thể cúi gập người được do cơn đau chân ám ảnh suốt nhiều năm. Mái tóc nửa đen nửa bạc và đôi bàn tay cũng chẳng còn linh hoạt nữa, tôi nhận ra hình như bố già đi nhiều lắm.

Có lẽ với nhiều người đó chỉ là một hình ảnh rất bình thường, nhưng nó đã luôn hằn sâu trong tâm trí tôi. Cảm giác khó chịu như bóp nghẹt trái tim vì tôi biết bố lúc nào cũng phải tần tảo sớm tối như vậy vì gia đình. Dù chân bố đau, dù bố ốm, sáng hôm sau bố vẫn thức dậy và làm việc như bình thường.

Hoá ra, bố ở đầu điện thoại bên kia giả vờ vô cùng giỏi, chỉ là vì muốn tôi yên tâm ở thành phố lớn học tập và sinh sống thật tốt. Lúc đó tôi mới ý thức được rằng, lời mà bố nói “Ở nhà chẳng có chuyện gì” giống như tôi thường nói “Con vẫn bình thường”, đều là một lời nói dối.

1

Bức ảnh chụp cả gia đình đầu tiên sau gần 10 năm

Món quà đầu tiên tôi tặng cho bố sau nhiều tháng đi làm thêm đó là một chiếc điện thoại. Thời điểm trước đó, bố cũng đã dùng một chiếc Xiaomi, thế nhưng vì nó đã quá cũ nên nhiều chức năng không được linh hoạt nữa. Tôi tặng bố một chiếc iPhone mới. Vì hệ điều hành khác nhau, giao diện khác nhau nên bố rất mất nhiều thời gian để làm quen và sử dụng nó.

Lúc đó, bố mang máy vào phòng tôi để hỏi xem dùng điện thoại đó như thế nào. Thế nhưng tôi bận chơi game. Tôi ham chơi đến nỗi phớt lờ tất cả những lời bố hỏi và một lúc sau tôi phát cáu với những câu hỏi dồn dập mà bố nói với tôi. Tôi không nhớ khuôn mặt của bố lúc đó như thế nào, chỉ thấy bố lẳng lặng cầm điện thoại bước ra khỏi phòng của tôi.

Nếu được quay lại thời gian, tôi muốn tát cho bản thân lúc đó một cái vì thái độ vô lễ và xấc láo của mình. Tôi không kiên nhẫn với bố mình mặc dù lúc đó bố chỉ muốn hỏi tôi một vài điều đơn giản. Nỗi ân hận bủa vây khiến lần đầu tiên một đứa kiệm lời và ngại ngùng như tôi dám gọi điện và xin lỗi bố. Bố tôi nói rằng, bố đã quên chuyện đó từ lâu nhưng mãi 1 - 2 năm sau, khi nghe mẹ tôi kể lại, tôi mới biết bố đã buồn như thế nào. Không phải thất vọng về tôi mà là thấy bất lực vì bản thân không theo kịp thời đại của các con.

Thế mà lúc ấy bố lại nói dối tôi rằng bố quên rồi, bố chẳng để ý. Đêm đó, tôi nằm khóc cả đêm, hận bản thân mình là đứa con hư đã có thái độ xấu với bố.

Năm nay, tôi bắt đầu chính thức đi làm. Mọi người thường rỉ tai nhau rằng: Tốc độ thành công của bạn phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ. Tôi cũng thấy áp lực vì điều đó. Tôi không dám kể với bố rằng tôi chẳng tiết kiệm được nhiều từ đồng lương ba cọc ba đồng của mình. Thế nhưng cái tính tự cao, ít nói lại ngại nhờ vả bố mẹ khiến tôi vẫn cố gắng gửi một ít tiền về nhà.

Có lẽ, bố nhận ra sự khó khăn của tôi, bố đã gọi cho tôi và chia sẻ rất nhiều: “Thực ra thời đại này rất bất công, yêu cầu bọn trẻ bây giờ phải giỏi nhiều thứ, phải giàu nhanh, phải khởi nghiệp rồi đủ thứ trên đời. Nhưng mà bố chỉ nói với con thế này thôi, mình hãy cứ cố gắng làm tốt việc của mình, mỗi người một điểm mạnh riêng. Mình mới ra trường đúng là cần cố gắng hơn nhưng không phải thế mà quá áp lực, từ từ, chậm mà chắc. Rồi con sẽ nhận ra điểm mạnh của bản thân. Nhà mình không dư dả gì nhưng con cứ cầm lấy tiền mà chi tiêu. Bố mẹ tự lo được”.

Lúc ấy tôi hiểu, bố vẫn luôn dõi theo tôi dù tôi không ở gần bố nhưng bố chưa bao giờ ngừng quan tâm tôi như khi tôi còn nhỏ. Kỉ niệm giữa bố với tôi không có nhiều, vì bố kiệm lời mà tôi vụng về chẳng dám nói. Tính tình bố tuy nóng nảy, chẳng bao giờ nói lời ngọt ngào, dỗ dành, cách giáo dục cũng rất đặc biệt, nhưng tôi vẫn rất yêu. Cũng vì nhận được nhiều tình yêu thương của bố mà tôi đã học được cách yêu thương bản thân mình và người khác.

Kể cả khi viết những dòng này, tôi biết là bố cũng sẽ không đọc được nhưng tôi vẫn muốn bày tỏ cảm xúc của chính mình, nếu không viết ra tôi nghĩ suốt đời này tôi cũng không bày tỏ được cùng ai. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi vẫn luôn cảm nhận được tình yêu mà bố dành cho gia đình mình, cảm ơn bố rất nhiều vì những năm tháng vất vả vừa qua.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết “Cha và con gái”

Tác giả: Tâm Tâm

Địa chỉ: Lô 34E – Khu đấu giá 3ha – Phúc Diễn – Bắc Từ Liêm – Hà Nội

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm