Bố đã khóc ở đầu dây bên kia
Tôi vẫn không thể quên được cái ngày tôi rời gia đình để bước vào cánh cổng đại học cũng là cái ngày tôi nghe thấy bố khóc - ở đầu dây bên kia.
Bố tôi nay đã ngoài 50 tuổi. Không giống như nhiều người khác, bố tôi gặp đã trải qua một cuộc tai nạn, thập tử nhất sinh. May mắn thay, bố tôi vẫn sống. Nhưng tiếc rằng bố phải chịu liệt nửa người bao gồm tay và chân, gặp khó khăn trong việc đi lại. Vất vả là thế nhưng chưa lúc nào bố bỏ cuộc. Ngày ngày bố vẫn đi làm, từ công việc trồng trọt cho đến chăn nuôi, bố không chút nề hà.
Tuy cơ thể không lành lặn như người bình thường nhưng bố lại luôn là người lạc quan. Trong bữa cơm hay trong những lúc gia đình quây quần, bố tôi sẽ là người pha trò dù rằng những câu đùa của bố có phần hơi "sến". Bên cạnh đó, bố cũng là người thương yêu vợ con, hễ mẹ con tôi ốm đau là bố lại sốt sắng, lo lắng, tìm đủ mọi cách thức để chữa trị.
Hay mỗi khi tôi và em tôi đạt được thành tích nào đó là bố lại nhảy cẫng lên, gọi điện khoe khắp họ hàng. Thú thật, khi nhìn lại thành tích của tôi, tôi thấy mọi thứ tôi làm thật nhỏ bé vì biết bao người tài giỏi ngoài kia đang đạt được loạt thành quả vang dội. Nhưng nhìn thấy vẻ mặt tự hào cùng đôi mắt "cười không thấy mặt trời" của bố, tôi nhận ra thành công của chúng tôi cũng chính là động lực của bố. Sự hiện diện của chúng tôi cũng chính là tất cả những gì mà bố có.
Ảnh minh họa.
Nhớ khi xưa tôi là đứa ngang bướng, trong cái tuổi nổi loạn, tôi và bố đã nhiều lần "mặt nặng mày nhẹ" với nhau. Thậm chí, sự ngang ngược của tôi còn từng khiến bố nổi trận lôi đình. Về sau, khi trưởng thành và nhìn nhận lỗi lầm, tôi dần đặt mình vào vị trí của bố mới biết bố vất vả như thế nào.
Bố từng tự ti về cơ thể khiếm khuyết, về gia cảnh nghèo khó, bố còn từng thổ lộ với mẹ rằng "tự thấy nhục" vì chưa cho con cái được một cuộc sống sung túc. Dù vậy thì bố vẫn sẵn sàng lao mình vào công việc để chăm lo cho chúng tôi ăn học nên người. Dẫu quần áo bố có "vương mồ hôi, nặng mùi cám" thì "bố cũng không bao giờ để các con phải hổ thẹn trước cuộc đời".
Nhìn bố mạnh mẽ, nghị lực, vô tư lạc quan như vậy, tôi lại không hề nghĩ rằng có ngày bố sẽ rơi nước mắt vì xa tôi. "Mẹ nó đừng nói chuyện điện thoại với con trước mặt tớ, tớ không kìm chế được tớ khóc bây giờ" - bố thổn thức đầu dây bên kia trong ngày đầu tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên. Đây là một trong những lần bố lộ vẻ yếu đuối mà tôi biết. Ngày bố khóc cũng là ngày mà tôi chứng thực câu nói "đàn ông cũng rơi lệ".
Dù không tận mắt nhìn thấy giọt nước mắt của bố, nhưng nghe những lời nói nức nở và sụt sùi đầu dây bên kia, tôi đã cảm nhận được bố buồn và tủi thân thế nào. Và sau cái ngày đó thì tôi càng được nghe nhiều câu chuyện bố khóc vì nhớ tôi thông qua lời kể của mẹ, của bà.
Một người đàn ông tưởng chừng vượt qua bao gió, vượt qua cửa tử nay lại để lộ sự yếu đuối khi con gái đầu lòng lần đầu đi học xa. Cô con gái ấy trong khi đang mang tâm trạng hào hứng khám phá thế giới thì bố lại luôn lo lắng về những bước chân đầu đời của con. Xã hội luôn đầy rẫy cạm bẫy cho nên lúc nào nói chuyện điện thoại với mẹ, bố cũng sẽ chen ngang vài câu để nhắc nhở con phải biết tự lo cho bản thân. Nào là "ăn uống cho cẩn thận, ngã bệnh ra đó lại để bố mẹ lo", nào là "tết lễ thì cứ về đi con, cho nó vui",...
Biết bao lần bố vang giọng ở phía bên kia điện thoại của mẹ nhưng hiếm lần nào bố trực tiếp gọi điện cho con gái. Không biết có phải bố ngại ngùng trước việc bày tỏ tình thương với con hay không nhưng chắc chắn rằng bố sẽ luôn vang vảng ở đầu dây bên kia để gửi lời nhắn đến con.
Tôi còn nhớ vẻ mặt "vui như mở hội" của bố khi nhận được chiếc điện thoại do con gái dùng tiền lương đầu tiên để tặng bố. Bố thì liên tục bảo để dành tiền mà ăn, mua làm gì cho đắt đỏ nhưng vẻ mặt của bố hiện lên 2 chữ hạnh phúc. Và thậm chí, dù đã có điện thoại mới nhưng bố vẫn không nhấc máy gọi tôi một cuộc nào mà vẫn duy trì thói quen "nói ké" trong những cuộc gọi của mẹ và tôi.
Những lúc nhìn thấy bố buồn, tôi lại dành thời gian chất vấn bản thân. Vì muốn chinh phục thử thách, muốn ngắm nhìn thế giới mà tôi hồ hởi rời xa vòng tay gia đình. Đã thế, việc tôi rời đặt chân đến một vùng đất mới lại in hằn những nỗi niềm nhớ nhung cho người thân, trong đó có bố tôi. Tôi chưa bao giờ nói lời yêu bố và bố cũng chưa bao giờ thổ lộ thương yêu con cái. Nhưng từng hành động, lời nói cho đến thái độ của bố, tôi đều cảm nhận được bố luôn trân trọng và yêu thương con gái. Dù không nói thẳng thành lời nhưng việc bố không quản vất vả để lo cho con cũng đủ chứng minh con gái và gia đình quan trọng với bố như thế nào.
Nhìn cái cách bố lê đôi chân "cứng đơ" khắp vườn, tôi thương. Tôi tự trách bản thân không cố gắng thật nhiều để đỡ đần bố. Đôi lúc tôi cũng tự hỏi bản thân cần làm gì để cho bố, cho gia đình có một cuộc sống khá khẩm hơn. Nhưng mỗi khi có những suy nghĩ len lỏi đó là y như rằng trong những cuộc trò chuyện, bố sẽ bảo tôi rằng "đang tuổi ăn học thì tập trung học cho thành tài, đừng nghĩ nhiều đến tiền nong, bố mẹ lo được". Phải chăng bố có thần giao cách cảm mà có thể đoán được tôi đang nghĩ gì và lo gì chăng?
Có thể bố tôi không hoàn hảo, bố tôi không quyền cao chức trọng hay khá giả gì. Nhưng bố có một trái tim yêu thương con cái vô bờ bến. Bố không ngại khổ cực chỉ để cho chúng tôi một cuộc sống tốt nhất. Dù không gọi điện nhưng bố chắc chắn sẽ cất giọng ở đầu dây bên kia của mẹ để bảo rằng tôi hãy cố gắng chăm sóc cho bản thân thật tốt. Tôi cảm nhận được tình thương của bố, tôi biết ơn bố, tôi cảm ơn bố và tôi thật sự rất thương bố.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái
Tác giả: Lưu Thị Thu Loan
Địa chỉ: 36 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội