Thứ tư, 08/05/2024 13:22
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 27/01/2023 22:20

Đền Quy Lĩnh – đền Ói: "Cặp bài trùng" đền Cờn xứ Nghệ linh thiêng và bí ẩn

Được coi là ngôi đền linh thiêng như "cặp song sinh" với đền Cờn – ngôi đền nổi tiếng xứ Nghệ nhưng đền Quy Lĩnh, tục gọi là Đền Ói lại bị “lãng quên” lâu nay.

Đền Cờn thờ Tứ vị Thánh Nương, có lịch sử 800 năm, nghe đồn nổi tiếng linh thiêng khắp vùng xứ Nghệ (Nhất Cờn nhì Quả, tam Mã, tứ Chiêu Trưng ) nhưng không lâu nay ta cứ quên đi có một ngôi đền gắn bó mật thiết với đền Cờn, như cặp sinh đôi, đều từ một bi kịch tình ái và nhân nghĩa hiếm có trong lịch sử tạo nên và có thể nói có Ngôi Đền ấy, mới có đền Cờn cho chúng ta ngày nay: đó là đền Quy Lĩnh, tục gọi là Đền Ói.

Đền Ói tọa lạc giữa rừng phi lau, bên bờ biển, thuộc xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, xứ Nghệ. Ngôi đền dựa lưng vào hòn Ói, một hòn núi như con rùa chạy ra biển, nửa đang trên bờ, nửa dưới biển, bao quanh nó là hòn Úp, hòn Nhăc nhô cao trên mặt sóng. Và trước mặt ngôi Đền, như tâm điểm của hòn Ói cong cong là hòn Cộc, đứng một mình lẫn trong sóng bạc và mây trời, như ngọn hải đăng, cách bờ ngoài tầm sóng đổ, không xa.

Ngày xưa, Hòn Ói cây cối rậm rạp, bốn mùa xanh tốt. Mùa chim di cư tràn về tránh rét, đỗ trắng cả vách núi, tiếng chim át cả tiếng sóng vỗ vào bờ. Phần mũi của hòn Ói nhô ra biển, giống như dầu rùa.

Thiên nhiên sắp đặt thật là kì diệu.

Các cụ ngày xưa thừơng gọi là Kim Qui sơn, hoặc là Qui lĩnh, dân gian chỉ gọi là hòn Ói. Đền Quy Lĩnh được xây dựng cùng thời với đền Cờn hoặc sớm hơn. Căn cứ vào Thần tích và Thần phả còn lại rất ít và sự tích của hai ngôi đền, tục chạy Ói diễn ra hàng năm vào dip lẽ hội các cụ xưa đã truyền lại như vậy. Tục chạy Ói tồn tại hàng mấy trăm năm trước cho đến thời kháng chiến chống Pháp, vì chiến tranh nên lễ hội cũng như việc thờ phụng đền chùa trong vùng hoàn toàn bãi bỏ hoặc đơn giản hóa.

Empty

Đền Ói ngày nay (Ảnh: Hồ Ngọc Quang)

Cách đây vài ba chục năm, nhân dân vùng kẻ Mơ với sự ngưỡng vọng một di sản tâm linh độc đáo của Tổ Tiên tạo dựng lâu đời bị mai một, cùng với chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, đã góp công, góp của đồng tâm hợp lực trùng tu, tôn tạo trên cơ sở nền móng, hình hài cũ còn lại, dựng nên một ngôi đền mới với hậu cung, tam tòa, tam quan, cho đến hoành phi câu đối, bài vị, linh khí thờ cúng đều được phục dựng theo phong cách kiến trúc như cũ. Đồng thời cũng là văn thái thời Trân và thời Lê khi đền được nhiều lần trùng tu trong lịch sử. Kể cả cái giếng nước ngọt cổ, bị lấp được khai mở trở lại, rất hiếm khi nó chỉ cách những con sóng của biển không đầy trăm mét. Một cái giếng cổ, xây bằng đá, hình tròn, nước ngọt mát lịm, bốn mùa trong xanh, không bao giờ cạn.

Hậu cung nằm lọt thỏm trong vòm đá, giống như mai rùa xòe ra che chở cho ngôi đền. Trong hậu cung, có vật thiêng là một khúc gỗ to bằng thước ta, hình thù tự nhiên, thời gian đã phủ lên màu mốc cổ kính. Đó là vật linh của ngôi đền, là hiện hữu của sự tích, là dấu tích còn lại của một mối tình trái đạo, đơn phương vô vọng, là ân nghĩa cứu nạn, là sự ân hận kết thành khối, sau hàng bảy tám trăm năm vẫn không tan, dù năm tháng rất dài sau những phôi pha và tàn phá của lịch sử. Song Vật linh ấy, cũng có thể là dấu tích của tín ngưỡng vạn vật hữu linh của dân Việt cổ. Và cũng có thể là cha ông chúng ta đã sớm nhận biết lẽ sống còn, con người muốn tồn tại phải sống hòa đồng với tự nhiên, bảo vệ tự nhiên, mà nói theo ngôn ngữ ngày nay: thờ phụng tự nhiên là bảo vệ môi trường sống của con người.

Khúc gỗ không đơn thuần là thần linh mà là thiên nhiên, là môi trường sống. Dù xét trên bình diện nào thì ngày nay đền Quy Lĩnh không những có giá trị về lịch sử, về văn hóa tâm linh mà còn hàm chứa giá trị xã hội và văn hóa mà càng ngày ta càng thấy tầm nhìn xa rộng của cha ông chúng ta, người lập nên ngôi đền này.

Sự tích

Đất Quỳnh Lưu là đất sản sinh ra nhiều ông Đồ từng ngồi dạy hoc khắp thiên hạ nhưng là mảnh đất nghèo. Tuy nhiên, những tao nhân mặc khách xưa nay qua đất này thường có rất nhiều cảm hứng, không ai không để lại những cảm xúc của mình. Những tuyệt tác của các đại danh như Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… còn lưu lại đến ngày nay. Quỳnh Lưu không có núi cao sông dài hùng vĩ nhưng có tứ linh: Long Ly Qui Phượng. Rú Ói là Kim Quy sơn hay Quy Lĩnh, cách Quy Linh độ dăm cây số theo bờ biển, đến làng Phú Nghĩa thượng có núi Rồng (Long Sơn).

Từ Long Sơn trông qua cửa biển Lạch Quèn là núi Kỳ Lân (Kỳ Lân sơn). Và trên đất làng Càn có một ngọn núi nhô ra biển, đó là núi Phượng Hoàng. Từ làng Kẻ Kiến ra đến làng Càn, một hàng ngang trông ra biển khơi: hòn Kỳ Lân sang hòn Rồng, lên hòn Rùa và đến hòn Phượng Hoàng. Đủ bộ Tứ Linh.

Trong lịch sử cũng như trong truyền thuyết, không nói ai đã đặt tên cho núi và từ bao giờ, nhưng có lẽ xa xưa lắm… Cũng xa xưa lắm, cách đây hơn tám trăm năm, trên đỉnh hòn Ói tức Quy Lĩnh, có một ngôi chùa lợp cỏ, sư trụ trì còn trẻ, tháng ngày tiếng tụng kinh và tiếng chuông chùa như mơ như thực lẫn trong mây.

Một hôm nhà sư trông vời qua ngọn sóng, chợt thấy giữa biển xanh, có mấy người bị nạn trôi dạt vào hòn Cộc, nhà sư vội vàng kết tre nứa làm bè bơi ra cứu. Hóa ra người bị nạn là mấy người đàn bà. Nhìn vào quần áo, dú là trong hoạn nạn, trôi dạt, cái chết cận kề, nhà sư vẫn thấy họ là người trong gia phủ giàu có và sang trọng nào đó, cũng có thể là người quyền quí nữa. Kiệt sức, đói khát và lạnh, ba người chỉ còn như ba xác chết. Nhà sư liền đưa cả bọn lên bè, rồi tự mình bơi dưới biển diù từng tí một vượt qua những con sóng đang phả vào ghềnh đá.

Một mình vật lộn với sóng gió, cuối cùng thì nhà sư cũng đưa được ba người đàn bà vào bờ cát, dưới chân Quy Lĩnh. Rồi cũng chính ông, một mình đang kiệt sức, bế từng người một, leo từng bậc đã và dốc núi lên mái chùa cỏ u tịch trong mây của mình.

Cứu một người phúc đẳng hà sa, nhà sư không quản ngại khó nhọc, cháo lao thuốc thang, có gì trong mái chùa thanh tịnh của mình đều đưa ra làm sao cho những lá ngọc cành vàng này mau hồi phục. Cái mong ước thiện lương của nhà sư được đền đáp, bốn năm ngày sau, họ đã lấy lại được thần sắc. Nét mặt dã có chút tươi hồng, ánh mắt đã có chút sinh khí.

Sức sống thật kỳ diệu, một tuần hai tuần, sự bàng hoàng và tuyệt vọng qua đi rất nhanh, thay vào đó là niềm hi vọng và sự biết ơn. Bây giờ dưới mái nhà tăng u hoài, bên cạnh sự khổ hạnh chay tịnh lại có bóng kiều thướt tha, làn tóc mây bay bay trước cửa Phật đường. Cái điều trái lệ thường ấy tất sẽ dẫn đến nghịch cảnh hoặc một sự phi đạo.

Vẻ đẹp mặn mà tuyệt trần của người phụ nữ lớn tuổi giàu sang, cộng thêm nét sầu bi thảng thốt khiến cho nhà sư thương cảm xót xa, sự thương cảm xót xa lại quá gần gũi vô ra động chạm đã lay động lòng dục của nhà sư trẻ, vốn chỉ bị đè nén tạm thời và bất chợt là bùng cháy, hơn nữa người đàn bà dơn côi được tẩm bổ đồ ngon vật lạ của biển cả, da dẻ trắng trẻo, hồng hào trở lại sinh khí dạt dào, với đôi mắt u buồn càng tạo ra vẻ đẹp rộng lẫy kiêu sa của một góa phụ, hai người đêm thường không ngủ được ra bờ biển ngắm trăng xem con sóng vỗ rì sào buồn thảm và dù biết mình rất cảm mến nhà sư trẻ và nên trả chút ân nghĩa cứu mạng ba mẹ con nhưng người dàn bà quyền quý đó không vượt qua được lễ giáo nên miễn cưỡng từ chối mối tình si của nhà sư.

Tương truyền kể lại rằng, nhà sư giật mình tỉnh ngộ trong đêm khuya không được Hoàng hậu chấp nhận, quá xấu hổ và ân hận vì dù chỉ là ý nghĩ phàm phu dung tục, trái đạo, phi luân, hơn nữa nếu tiếp tục sống nghịch cảnh này cả hai đều khó giử được giới hạn mong manh, chỉ có cái chết mới chấm dứt được tình cảnh oan trái này.

Nhà sư liền lao mình xuống biển trong đêm đen và trong tiếng sóng ào ạt, gầm gào. Người đàn bà nghĩ mình trong bước trầm luân, vương triều lọt vào tay kẻ khác, chỉ còn muốn giữ đạo thờ chồng mà từ chối mối tình của ân nhân cứu mạng, không ngờ chút tiết hạnh ấy làm cho nhà sư xấu hổ và ân hận mà quên sinh. Âu cũng là vì tình cảm oái ăm của mình, ơn cứu mạng chưa đền đáp mà cũng vì ta mà nhà sư thiệt mạng.

Thôi thì ta lấy cái mạng bèo bọt này trả về cho biển cả như ta không còn nợ gì người vì ta mà chết. Nghĩ thế rồi thiếu phụ gieo mình xuống chính cái nơi mà nhà sư trẻ vừa tan vào bọt sóng, tưởng như người ấy đang đợi nàng.

Tương truyền, sáng hôm sau, khi hai cô gái thức dậy, thấy mình bơ vơ giữa giữa biển cả mênh mông xa lạ xa lạ, không còn mẹ, không còn nhà sư, quá tuyệt vọng nên cũng quyết đi theo mẹ cho tròn tình mẫu tử. Không lâu sau, thảm kịch ấy, ngôi chùa cỏ chỉ còn hoang vu trên đỉnh rú Ói, tự nhiên bốc chay ngùn ngụt, như được hóa cho câu chuyện tình bi thương. Từ đó ngôi chùa ấy không còn để lại vết tích gì nữa…

Cũng theo tương truyền kể lại rằng, xác của bà hoàng hậu và hai cô công chúa (thân phận họ sau này dân mới biết), sau mấy ngày dưới đáy biển đã nổi lên, thủy triều đưa họ vào cửa lạch Càn, dạt vào chân núi Phượng Hoàng. Dân kẻ Càn làm phúc vớt lên mai táng nhưng khi nhìn thi thể liền nhận ra các tiểu thư là người quyền quý, điều kỳ lạ là sắc mặt của họ vẫn hồng hào tươi tắn và rất đẹp.

Biết những tiểu thư quý bà kia không phải là người thường, dân làng chân tình mai táng, đồng thời dựng miếu thờ, gọi là miếu thờ Tứ Nương. Người dân hương khói cho những linh hồn bất hạnh rất chu tất, nghe nói miếu thờ thiêng lắm. Sự tích ấy cach đây đã tám trăm năm, từ miếu thờ qua các triều đại như Trần rôi Lê đền đều được nhà vua sắc phong, trùng tu nhều lần mới thành đền Cờn nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ như ngày nay.

Trở lại Quy Lĩnh, tức là rú Ói. Người ta không thể tìm thấy thi thể nhà sư ở đâu, và cũng không thấy trôi theo dòng hải lưu ra kẻ Cờn như các nàng công chúa...

Cũng theo truyền thuyết: Vào thời Trần, có một cây gỗ to trôi từ biển vào trước cửa đền Cờn thuộc làng Phương Cần và nằm lại ở đó khá lâu như muốn ở với âm hồn của hoàng hậu trong đền. Nhưng do dân làng Phương Cần không để ý cứ đẩy ra đẩy vào không thờ phụng nên làng thường xảy ra chuyện chẳng lành. Gia súc, gia cầm chết hàng loạt, trẻ em, người lớn đau ốm liên miên, giương thuyền ra khơi đánh không được cá... Dân làng cho là vì gỗ thần, nghĩ rằng tai họa còn diễn ra khôn lường. Khi thủy triều dâng, làng cho người đẩy cây gỗ xuống sông Mai Giang và trôi dạt xuống Hòn Ói (tức núi Quy Lĩnh), nằm lại ở bãi Ói làng Phú Lương. Tại chân núi Quy Lĩnh nổi lên một khúc gỗ, to độ thước ta, dài gần chục thước ta. Gỗ gì không ai biết, chỉ thấy rất nặng, có người lấy dao chặt thử xem gỗ gì thì gỗ chảy nhựa ra có màu đỏ như máu.

Dân làng có người đưa dây thừng và đòn khiêng, định khênh về nhà. Nhưng hễ nhắc lên vai là đứt dây thừng. Lúc đầu dùng hai đòn, sau bốn đòn, vẫn đứt. Ai cũng lấy làm lạ, đều nghĩ là gỗ thần, và nghĩ ngay là hồn nhà sư nhập vào gỗ, dân lấy mấy tấm lụa thay đây thừng để khênh và khấn, nếu là hồn nhà sư nhập vô thì cho dân khênh vào, đứt chỗ nào thì lập đền thờ ngài chỗ đó. Khấn xong, quả nhiên khênh lên đi ào ào nhưng đến ngang rú Ói, chỗ bụng con rùa thì tấm lụa đứt.

Thực hiện lời khấn dân làng lập đền thờ ngài dưới vòm đá của rú Ói, hàng năm thờ phụng hương khói rất thành tâm. Đền ấy gọi là dền Ói, hay là Quy Lĩnh ngày xưa. Thấy dân Phú Lương làm ăn ngày càng khấm khá, làng Phương Cần cho người xuống tìm hiểu, điều tra. Biết là do cây gỗ thần ấy, do âm hồn của nhà sư trẻ nhập vào muốn về với đền Cờn, về với hoàng hậu, liền bàn cách, lập mưu để khiêng cây gỗ thần về làng mình. Thế rồi, một hôm vào lúc nửa đêm, hai toán tráng đinh của làng Phương Cần gồm toàn những ngư dân khỏe mạnh kéo xuống làng Phú Lương.

Một toán chèo thuyền ven theo biển đi đường thủy. Một toán đi đường bộ. Đến Phú Lương, toán đi đường thủy cử một số người coi thuyền, số còn lại lên nhập với toán đi bộ, tiến vào đền Quy Lĩnh, nơi thờ cây gỗ thần. Họ lạy cửa đền, thắp hương lạy tạ Mộc thần, rồi xin khiêng Mộc thần về làng. Đi được một đoạn, làng Phú Lương mới phát hiện ra. Tức thì, trống mõ ngũ liên, Phú Lương tập hợp dân làng chia làm hai toán tìm kiếm: Một toán chạy xuống Phú Nghĩa, một toán chạy lên Phương Cần. Đến bãi Sao Sa thì bị nhân dân làng Phú Lương bắt được.

Tại đây, hai bên xô xát, níu kéo, tranh giành nhau cây gỗ thần và đó cũng chính là nguồn gốc của Lễ Kỳ Lưu ở đền Quy Lĩnh, hội bơi thuyền và tục Chạy ói của Lễ hội đền Cờn - một lễ hội lớn của cả vùng đất Bãi ngang.

Sau hàng bảy tám trăm năm thờ phụng, xây dựng từ tranh nứa rồi tôn tạo qua nhiều thế kỉ mà thành tam tòa nguy nga, với tên chữ là đền Quy Lĩnh, vật thiêng thờ phụng hậu cũng vẫn là súc gỗ thần còn tồn tại cho đến cách đây bốn chục năm.

Lễ hội đền Quy Lĩnh

Theo thần phả và tục lễ còn lưu lại thì lễ hội đền Quy Lĩnh và đền Cờn cũng vào ngày 21 tháng giêng hàng năm. Hai đền có tục chay Ói diễn ra với sự tham gia của các làng hết sức đông, có đến hàng vài trăm dân đinh với rất nhiều tiểu lệ liên quan đến nghề đánh cá trên biển khơi.

Đền Quy Lĩnh có kiến trúc đầy đủ của một ngôi đền cổ ở Việt Nam có tam tòa, tam quan, tượng đá, lầu khánh nằm dưới sự che chở của vòm núi, lẫn trong rừng phi lao lâu đời là hình ảnh của đền Quy Lĩnh còn lưu lại trong tâm tưởng của mọi người dân vùng bãi ngang – kẻ Mơ. Ngôi đền cổ kính mà không có vẻ uy nghiêm, tam tòa tam quan mà không ngão nghễ. Nó là một ngôi đền thuần Việt, lẫn vào mái đá vòm núi, lẫn vào rừng phi lau và gió. Những cây đại già nua bên cạnh cái giếng cổ làm nên một không gian thanh tịnh, thoát tục và cổ sơ đậm màu thần tiên.

Empty

Lễ hội đền Ói hàng năm thu hút nhiều người dân tham dự (Ảnh: Hồ Ngọc Quang)

Ngoài những ngày vào mùa lễ hội hàng năm và ngày sóc nên vọng, đền Quy Lĩnh như thuộc về thiên nhiên. Lá phi lao reo cùng với tiếng mõ. Khách thập phương vãn cảnh thả mình trong thinh lặng, sáng nghe tiếng sóng vỗ vào tận Phật đường, tối ngắm bóng trăng thu dõi qua cổng tam quan.

Người cao tuổi vùng kẻ Mơ còn kể lại rằng, những đêm trăng thanh gió mắt, độ canh ba, thường nghe tiếng quân reo, tiếng binh khi trong hang Trống và hang Kèn vọng ra. Đó là hai cái hang kì bí nằm hai bên đền Quy Lĩnh.

Trước kia đã có người gan dạ xuống hang đi hết hai cái đuốc mà chưa đến tận đáy hang. Không biết hai cái hang ấy thông đi đâu, có những gì trong đó, không ai biết, lại càng thêm bí hiểm. Một hang đi xuống chỉ nghe tiếng trống và hang kia đi xuống thì gnhe tiếng réo rắt như tiếng kèn, nên gọi là hang Trống và hang Kèn. Và tại sao nghe tiếng quân reo? Có lẽ nó có liên quan gì đến Trò Lề 12 năm một lần, ở vùng Bãi ngang diễn lại cuộc chiến giữa giặc Triều và giặc Hóp.

Cách ngày nay chưa lâu, nước giếng Dược đền Quy Lĩnh được coi như một vị thuốc chữa bệnh. Người ta múc nước giếng đổ vào chai rồi đưa vào đền khấn, họ tên người bệnh, bệnh gì… Xong cho ba nén hương đen đang cháy vào chai mang về cho người bệnh uống. Dân gian gọi là đi xin dược đền. Có người khỏi bệnh, có người không nhưng ai cũng thành tâm.

Ngày xưa, có những đôi vợ chồng trục trặc như vợ chê chồng hay chồng chê vợ, yêu nhau mà không lấy được nhau, vì gia đình bắt lấy người khác, yêu đơn phương, vợ chồng xa nhau muốn đoàn tụ… cứ thành tâm đến lễ đền Quy Lĩnh thường được toại nguyện.

Cho dù chuyện một nhà sư có tình cảm vượt giới hạn với một hoàng hậu khi sa cơ, bị từ chối mà phải trẫm mình không được tầng lớp sĩ phu Nho học coi trọng nhưng dân gian lại coi trọng nhân nghĩa dân gian. Việc nhà sư ân hận vì ý nghĩ tình cảm sai trái của mình mà trẫm mình xuống biển cả và vị hoàng hậu lại tiếc thương, ân hận đễn nỗi quên sinh vì nghĩ do mình lo giữ tiết hạnh mà ân nhân vừa cứu mạng ba mẹ con phải xấu hổ mà chết… đã gây cho dân gian nỗi thương cảm vô bờ và để tỏ nỗi lòng ái mộ mà dân hai làng dựng hai đền thờ để hằng năm phối tế là truyền thống nhân nghĩa của người xưa.

Chuyện một súc gỗ trôi ngoài biển vào nhựa đỏ như máu, với chúng ta ngày nay là hết sức dễ hiểu. Và ngay với dân vùng bãi ngang thời Lý - Trần, cách đây tám trăm năm có lẽ cũng là điều đơn giản và dễ hiểu nhưng tại sao, một chuyện đơn giản và dễ hiểu như vậy là được thần bí hóa, huyền thoại hóa thành chuyện thần thánh, thành cây gỗ thần, tạo nên một biểu tượng tâm linh dường như mang hơi thở đương đại. Làm sao phải thần bí hóa như vậy?

Chúng ta ngày nay không thể hiểu hết và cảm nhận hết được ý nghĩa triết lí nhân sinh và hàm lượng văn hóa tâm linh trong thông điệp của cha ông gửi gắm vào biểu tượng cũng như thần tích và huyền thoại khi xây dựng Thần Linh cho ngôi đền, không gian tín ngưỡng và biểu tượng tâm linh, san định lễ nghi cho cộng đồng làng hay cả vùng.

Cái thông điệp tín ngưỡng mà ngày nay chúng ta tiếp nhận ở đền Quy Lĩnh, chỉ căn cứ vào tục chạy Ói cũng cho chúng ta biết rất nhiều điều:

1. Gặp người bị nạn thì xả thân cứu, dù người đó là ai

2. Mối tình ngang trái nhưng đầy thương cảm

3. Suy nghĩ sai lầm về dạo đức và tiết hạnh sẵn sàng trả giá bằng tính mạng

4. Tình mẫu tử sâu nặng

5. Vạn vật hữu linh, trong đó nếu diễn giải theo ngôn ngữ ngày nay là tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng làng xã.

Đền Quy Lĩnh biểu trưng cho ít nhất là những vấn đề trên, nó phong phú đến mức độc đáo không tìm thấy hiện tuợng này ở bất cứ đền miếu nào khác. Tất cả sự kiện và ý nghĩa của nó đều diễn ra tại rú Ói, núi Rùa, Quy Lĩnh, gốc gác của mọi sự tích của hai ngôi đền thiêng này.

Tục chạy Ói diễn ra hàng năm của dân làng Phú luong và Phương Cần vừa mang tính chất tín ngưỡng phồn thực vừa mang và chủ yếu là sự trở về nơi phát tích, phải được lặp lại hàng năm, nơi xảy ra bi kịch của những ân hận và nghịch lí của con người và của xã hội.

Và hôm nay đền Quy Lĩnh được nhà nước công nhận là “ Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia".

Thông báo Lễ hội đền Quy Lĩnh Xuân Quý Mão 2023

Empty

Ban tổ chức lễ hội trân trọng kính mời quan khách về dự lễ với nhiều hoạt động thể dục thể thao và các trò chơi dân gian được diễn ra từ ngày 06/02 đến hết ngày 12/02/2023 (tức là từ ngày 16-22 tháng giêng).

Đặc biệt phần nghi Lễ Đền được tổ chức từ ngày 20 - 21 tháng giêng gồm: Lễ Khai quang - Yết cáo; Lễ rước - Lễ Kính tế - cầu yên cho dân làng…

Về với Lễ hội Đền Quy Lĩnh ngoài các hoạt động nêu trên, quý khách sẽ có dịp tham quan, trải nghiệm với nhiều danh lam thắng cảnh huyện Quỳnh Lưu nói chung và các xã Bãi ngang nói riêng được kết nối dọc bờ biển từ Đền Cờn ngoài của xã Quỳnh Phương - Thị xã Hoàng Mai đến Núi Rồng xã Quỳnh Nghĩa - huyện Quỳnh Lưu.

Hân hạnh đón tiếp và gặp lại Quý khách!

Hồ Ngọc Quang  
Hình ảnh ấn tượng tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bật điều hòa trước hay sau khi đóng cửa?
Chuyện rơi nước mắt sau ngôi mộ 2 chị em người Trung Quốc trôi dạt vào biển Hà Tĩnh
Tài xế và thức uống bổ sung năng lượng luôn đồng hành trong mỗi chuyến đi
Dùng xe cút kít vận chuyển gần 12.000kg lương thực tiếp tế chiến dịch Điện Biên Phủ
Bỏ chứng khoán đầu tư... đồng hồ Rolex
Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Giải Golf Lương Văn Can
'Đêm thương hội' trao giải Giải Golf Lương Văn Can: Nhiều giá trị để lại
Chiêm ngưỡng bức tranh Panorama toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ rộng hơn 3.200m2
Sút cân, nuốt vướng, cụ ông 67 tuổi không ngờ mình mắc bệnh hiểm
Công việc nhàm chán gây mất 37% trí nhớ sau tuổi 70
Chán cảnh nghỉ lễ dài ngày rồi lại làm bù
'Siêu phủi' Racheen Bello dự giải bóng đá 7 người tỉnh Thanh Hóa
Già hóa dân số tại Việt Nam: Phụ nữ cao tuổi chịu nhiều ảnh hưởng nhất
3 bước từ bỏ Google
Học viện cưỡi ngựa Hoàng Gia ghi danh Việt Nam lên bản đồ môn thể thao quý tộc thế giới
Gần 1.500 công trình đề cử tham gia giải thưởng VinFuture 2024
Lên núi Thạch Bàn tận mắt xem nơi tiên đánh cờ
Ngắm bình minh đẹp như tranh vẽ tại bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng
'Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh
Xem thêm