Biến chứng teo chân sau 20 năm bị ngã
Chị M. đang đi làm thì khụy xuống, không thể tự đứng lên được, không đi lại được. Chân không nhấc lên được, không thể trụ vững chân trái khi bước đi.
Cách đây 20 năm, chị M. (42 tuổi, ở Sơn La) bị tai nạn khớp gối trái rất đau, mất vận động, kèm theo sưng nề khớp. Vì thế chân của chị đã bị ảnh hưởng sau lần ngã đó. Tuy nhiên, do công việc làm ăn bận rộn, chị cũng không thăm khám cho dù chân đi tập tễnh và một chân bị teo dần (chân to, chân bé).
Gần đây, chị M. đang đi làm thì khụy xuống, không thể tự đứng lên được, không đi lại được. Chân không nhấc lên được, không thể trụ vững chân trái khi bước đi. Do quá đau, chị mới đi viện khám tại bệnh viện ở địa phương, được chẩn đoán đứt dây chằng và tư vấn đến các cơ sở y tế chuyên khoa để mổ.
Các bác sĩ phẫu thuật tái tạo dây chằng cho bệnh nhân.
Chị M. nhập Khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám và điều trị. Tại đây, chị M. được chẩn đoán: Đứt dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau khớp gối trái. Bệnh nhân đã được phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Trong ca mổ, các bác sĩ đã lấy gân của chính bệnh nhân để tái tạo lại, đặt lại dây chằng mới vào vị trí theo giải phẫu của cơ thể.
Theo Th.s BS Vũ Giang An - Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Thần kinh cột sống cho biết, các trường hợp như bệnh nhân M. do chấn thương đã quá lâu mà không phẫu thuật sớm do vậy đã để lại một số di chứng là tổn hại, suy giảm chức năng của các thành phần khác bên trong khớp.
Các bệnh nhân chấn thương khớp gối nên được khám, chẩn đoán sớm phẫu thuật sớm sau 1 đến 3 tháng thì khả năng phục hồi chức năng tốt hơn, và không để lại di chứng đối với các thành phần khác của khớp.
Bác sĩ An cho biết, khớp gối được tạo thành bởi sự tiếp xúc giữa lồi cầu đùi và mâm chày. Sự vững chắc của khớp gối làm hai loại: Sự vững chắc chủ động được đảm bảo bởi cấu trúc gân cơ và sự vững chắc bị động được thực hiện qua hệ thống dây chằng, bao khớp.
Hệ thống dây chằng khớp gối bao gồm hai dây chằng chéo là chéo trước và chéo sau, dây chằng bên trong, dây chằng sau trong, dây chằng bên ngoài, các dây chằng khu sau ngoài... Tổn thương đứt nhiều dây chằng khớp gối thường là do các chấn thương gây sai khớp dẫn đến đứt các dây chằng. Tổn thương các dây chằng này đều ảnh hưởng nhiều đến sự vững chắc của khớp gối. Để xử trí các tổn thương này cần phải phẫu thuật.
Bệnh nhân hồi phục tốt sau khi phẫu thuật.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ năm 2023 đến nay có rất nhiều bệnh nhân được phẫu thuật nội soi khớp gối, trong đó 80% là do chấn thương gây đứt dây chằng và tổn thương sụn chêm… Với tỷ lệ tổn thương do chấn thương hàng năm khoảng 3,5/1000 người, vì vậy tổn thương khớp gối là tổn thương hay gặp nhất trong chấn thương.
Các tổn thương khớp gối đa dạng và phức tạp. Mặc dù tỉ lệ chấn thương khớp gối là rất cao, tuy nhiên các tổn thương rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Có nhiều bệnh nhân gặp chấn thương khớp gối ở mức độ nhẹ, sau chấn thương vẫn vận động đi lại được dẫn đến chủ quan, bệnh lý nặng dần đến khi được khám và điều trị thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Bên cạnh các chấn thương thì bệnh lý khớp gối cũng gặp ở người cao tuổi với các bệnh lý như thoái hóa khớp gối, viêm màng hoạt dịch, viêm hệ thống dây chằng khớp gối…Mỗi giai đoạn của bệnh đều có những chỉ định điều trị nhất định. Vì vậy khi có vấn đề về chấn thương người dân không nên chủ quan mà phải thăm khám để điều trị kịp thời.