Cô giáo mầm non tư thục làm công nhân, đóng hàng chờ ngày trở lại trường
Việc phải nghỉ do dịch trong thời gian dài đã khiến nhiều cô giáo mầm non tư thục phải “rẽ ngang” đi làm công nhân, nhận đóng hàng để chèo chống chờ ngày trở lại.
Giáo viên mầm non tư thục lao đao vì dịch
Với việc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến cơ quan chức năng liên tiếp “gia hạn” các đợt nghỉ học để phòng, chống dịch, rất nhiều cô giáo mầm non tư thục đã phải “rẽ ngang” với đủ kiểu ngành, nghề mới.
Học làm spa, bán hàng online, phụ đóng gói hàng, thậm chí xin đi làm công nhân thời vụ... là những công việc mà rất nhiều giáo viên mầm non tư thục tìm đến trong suốt thời gian gần 2 năm qua, khi các trường, cơ sở mầm non tư thục đóng cửa do dịch Covid-19. Vẫn chưa biết đến khi nào cơ sở mầm non tư thục mở cửa trở lại nhưng đó là những cách mà các cô giáo mưu sinh trong mùa dịch.
Giáo viên mầm non xoay đủ nghề kiếm sống, mưu sinh trong mùa dịch
Từng thử đi làm công nhân nhưng thấy không phù hợp, chị Đỗ Thanh Hà (giáo tại một trường mầm non tư thục ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định chuyển sang nghề spa với hy vọng cuộc sống ổn định hơn.
Trước khi chưa có dịch, công việc giáo viên mầm non giúp chị Hà có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, số tiền không quá cao nhưng đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở mầm non buộc phải đóng cửa, chị mất việc làm đồng nghĩa với việc không có lương đã hơn.8 tháng nay.
“Chưa biết khi nào các trường mầm non được mở cửa, áp lực kinh tế đè nặng buộc tôi phải chuyển công việc khác để có thể kiếm sống trong tình hình này”, chị Hà chia sẻ.
Chị Hà chuyển hướng sang làm spa chờ ngày được đi làm
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Giáo viên tại cơ sở mầm non tư thục ở Đông Anh, Hà Nội cũng mong ngóng từng ngày để được đến lớp. Dù không phải chịu cảnh thuê nhà như một số giáo viên khác, song với đồng lương eo hẹp làm công chức xã của chồng, gia đình chị khó gồng gánh được những chi tiêu cho cuộc sống của 4 người. Buộc phải dè sẻn mọi thứ, mảnh vườn của chị Hương được xới xáo liên tục, trồng đủ loại rau.
Chị Hương phải cắt giảm chi tiêu cho mọi thứ, thịt cá lâu lâu mới dám mua để tiết kiệm tiền mua bỉm sữa cho 2 đứa con còn nhỏ. Chị Hương thừa nhận: “Không có thu nhập nên tôi không dám chi tiêu nhiều”.
Thất nghiệp vì dịch quá lâu, chị Hương xin đi làm công việc đóng gói hàng cho một shop mỹ phẩm ở gần nhà để có thêm thu nhập.
“Buổi sáng tôi đi đóng gói hàng cho shop mỹ phẩm, buổi chiều ở chăm con, làm công việc này lương không cao nhưng ít ra vẫn có đồng ra đồng vào”, chị Hương cho hay.
Chị Hương (bên trái) làm thêm đóng gói hàng cho shop mỹ phẩm đế trang trải cuộc sống
Chung cảnh ngộ, cuộc sống của chị Lê Thị Hoài - Giáo viên mầm non tư thục tại Ba Đình, Hà Nội cũng đang đối mặt với những khó khăn trong mùa dịch.
Ngày 1/11, Hà Nội thông báo cho các trường học mở cửa, chị Hoài vui mừng, phấn khởi vì phần nào có hy vọng sớm được quay trở lại công việc.
“Học sinh một số khối của các trường được đến lớp sau bao ngày học online, dù các bé mầm non vẫn chưa có lịch đến trường nhưng phần nào cũng tạo cho tôi có hy vọng dịch đang được kiểm soát và sắp được đi làm”, chị Hoài chia sẻ.
Tuy nhiên, trong thời gian ngóng chờ ngày được đi làm, chị Hoài phải xin đi làm thời vụ cho một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long để mưu sinh suốt quãng thời gian nghỉ việc không có lương vì ảnh hưởng của dịch.
Làm việc thời vụ quyền lợi không được như công nhân chính thức, song chị Hoài vẫn chăm chỉ lao động để có kinh tế trang trải cuộc sống.
Sớm có giải pháp hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục
Theo ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Điều này dẫn tới nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, thậm chí đứng trước khả năng phải giải thể.
Để hỗ trợ cơ sở mầm non tư thục, giữ chân giáo viên mầm non bám trụ với nghề, ông Minh cho biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với các bộ ban ngành, các thành phố lớn, lấy ý kiến doanh nghiệp, cơ sở mầm non tư thục để xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể cho cơ sở mầm non và giáo viên thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Có thể nói, hậu quả của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến ngành nghề trong xã hội, trong đó giáo viên mầm non là một trong những nghề chịu tổn thất lớn và kéo dài. Vì thế việc hỗ trợ để giáo viên mầm non vượt qua đại dịch và gắn bó với nghề là điều thực sự cần thiết.